Các con ngoan!
Trưa nay mẹ viết cho các con những dòng này sau một buổi bán dừa vất vả. Lưng mẹ đẫm mồ hôi, tay mẹ đã chai sần, chiếc khẩu trang che kín không đủ chống lại một vệt nám đang dần hình thành trên má mẹ khi phải ngồi bán mặt giữa trời nắng 39 - 40 độ. Ấy vậy nhưng lòng mẹ vẫn thấy vui, an lòng khi các con luôn là những đứa con ngoan của mẹ.
Con yêu! Mẹ xin lỗi vì các con không thể viết vào dòng “nghề nghiệp” của mẹ trong tờ khai lý lịch những từ đáng tự hào như: giáo viên, bác sĩ, hoặc chí ít là “công tác tại...”. Các con chỉ có thể viết ngắn gọn: “Nghề nghiệp của mẹ: Buôn bán”. Hai từ “buôn bán” ngắn gọn, đơn giản - đơn giản như những trái dừa mẹ chặt hằng ngày, dừa xanh, dừa xiêm; đơn giản như những đồng vốn nhỏ nhoi không khiến mẹ phải cần dùng đến máy tính để tính toán.
Khi các con dẫn bạn bè đến nơi mẹ làm, mẹ không bước ra từ căn phòng có gắn máy lạnh và sang trọng với bộ y phục công sở mà mẹ của các con chỉ bình thường với bộ đồ bộ, đủ sạch sẽ để khách hài lòng và yên tâm khi nhận bịch nước dừa từ tay mẹ, đủ gọn ghẽ để mẹ có thể thoải mái làm việc dưới cái nắng oi bức gay gắt của những ngày hè. Mẹ xin lỗi, mẹ thật lòng xin lỗi vì mẹ đã không cho các con một cuộc sống giàu sang như các bạn của mình: áo quần hàng hiệu, điện thoại máy tính đắt tiền. Các con có buồn mẹ không khi mỗi lần xin mẹ mua một món đồ gì đó mà mẹ luôn ngần ngừ và không “Ừ!” vội. Các con có cười mẹ không khi mẹ lẩn thẩn nhẩm tính: “Nếu mua thứ này mẹ phải đổi bằng hai mươi, ba mươi trái dừa”. Các con của mẹ, thiệt thòi cho các con lắm phải không?
Mẹ không nhớ bắt đầu như thế nào và bắt đầu từ đâu, mẹ trở thành một người bán dừa trên hè phố, chỉ biết rằng ngày các con có mặt trên đời, mẹ bỗng thấy muốn làm tất cả cho các con, mẹ muốn như đàn gà ngoài sân đang dắt nhau ríu rít kia, gà mẹ dang đôi cánh vững chãi của mình để ôm ấp, bảo vệ đàn con yếu ớt, bé bỏng, sẵn sàng xù lông để chở che đàn con thân yêu của mình. Cách ví von của mẹ có buồn cười và chất phát quá không. Nhưng đối với các con mẹ luôn luôn bằng những suy nghĩ giản đơn như thế. Như thể hôm nay hai cánh tay mẹ đang rã rời, thậm chí có một vệt xước chảy máu, kết quả của công việc nạo dừa.
Người ta bảo cầm dao lâu ngày cũng đứt tay, công việc chặt dừa của mẹ cũng theo nghĩa đen của câu thành ngữ đó. Nhưng mẹ tự hào, mẹ vẫn luôn âm thầm tự hào về bản thân mình vì ít ra mẹ là một người lương thiện đúng nghĩa của nó. Đồng tiền mẹ cầm có thể là những tờ tiền lẻ nhàu nát, chuyền tay từ hàng cá sang hàng tôm đến hàng dừa nhưng mẹ kiếm bằng mồ hôi nước mắt và thậm chí đôi khi bằng máu thì các con ơi xin các con hãy một lần tự hào về mẹ, con nghe.
Người ta sinh ra trên đời không phải ai cũng có thể chọn cho mình một công việc hoàn toàn phù hợp nhưng ta hoàn toàn có quyền chọn cho mình trở thành một con người tử tế. Mẹ của các con đang từng ngày chắt chiu từng giọt nước mát lành cho mọi người, như vậy đã đủ tiêu chuẩn làm “người tử tế” chưa, hả các con!
Mẹ yêu hoa, yêu cảnh sắc thiên nhiên, con người, yêu vạn vật trên trái đất này nên không thể không rung động trước những cảnh đẹp, những đóa sen hay cánh đồng đang vào mùa lúa chín. Đó cũng chính là những phút giây mẹ tự cho mình một ít thư thái, mẹ tìm thấy trong đó những cảm xúc của mình để viết lên những câu chuyện từ cuộc sống, và chính nhờ những cảm xúc ấy mà những mệt nhọc đôi lúc khiến mẹ tạm quên những nhọc nhằn chuyện cơm áo. Nó như những mảng màu thi vị tô điểm cho cuộc sống những gam màu tươi sáng hơn.
Con yêu, từ những bước chân chập chững vào đời, có lẽ mỗi trang sách trước mặt con đều được chắt chiu từ những trái dừa hằng ngày mẹ gom nhặt. Mẹ không dạy con những điều cao vời, mẹ chỉ mong các con sau này, nếu có một lần nào đó mua một trái dừa, xin các con đừng quá khắt khe ngã giá, xin đừng bực mình nhăn mặt chê trái dừa non quá hoặc già quá. Vì biết đâu đó là tấm lòng của một người mẹ đang từng ngày chắt chiu giọt nước của đất trời để cho con một tương lai tươi sáng hơn. Có lẽ họ bán bằng tất cả sự tử tế đó con yêu!
Bình luận (0)