Tôi thấy trong một số vụ án hình sự được đưa ra xét xử, doanh nghiệp nhà nước có ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản như bất động sản cho doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, việc mua bán này không thông qua đấu giá, đấu thầu… hoặc cũng có trường hợp không được phép bán.
Trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc kết luận việc chuyển nhượng này là sai thì các bên đã chủ động hủy hợp đồng mua bán, trả lại cho nhau những gì đã nhận và chưa gây ra tổn thất gì cho Nhà nước. Thế nhưng, sau đó các bên vẫn bị khởi tố về các tội như: vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng…
Vậy tại sao đã hủy các hợp đồng mua bán, trả lại cho nhau những gì đã nhận nhưng sao vẫn bị xử lý hình sự? Khi nào thì bắt buộc phải đấu giá, đấu thầu?
Bạn đọc Ngô Thái
Luật sư tư vấn
Vì sao phải đấu giá, đấu thầu?
Luật sư Mai Thanh Bình (Công ty luật TNHH Mai Thanh Bình) tư vấn, các tội như "vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí", "vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng"… là một trong những tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Chủ thể của tội phạm này là những người có chức vụ, quyền hạn có quyền quyết định đối với phạm vi quyền hạn mà mình được giao (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước). Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý.
Hành vi của tội phạm này thể hiện qua việc sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và không hiệu quả, lãng phí... gây hậu quả nghiêm trọng xâm phạm chế độ quản lý của Nhà nước như trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức.
Việc đấu giá, đấu thầu nhằm tạo ra sự bình đẳng và môi trường cạnh tranh công bằng khi tất cả người tham gia trả giá đều có cơ hội ngang nhau. Mục đích nhằm giảm chi phí đầu tư và tăng lợi ích cho mua sắm hàng hóa, tìm kiếm người cung ứng dịch vụ. Từ đó giúp hàng hóa, sản phẩm được đưa đến người mua tiềm năng và hiểu đúng giá trị, mục đích sử dụng.
Tuy nhiên, việc không thông qua đấu giá, đấu thầu có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng xâm phạm chế độ quản lý của Nhà nước. Do đó, sau khi bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, thì việc các doanh nghiệp (một bên là doanh nghiệp nhà nước) hủy các hợp đồng mua bán, trả lại cho nhau những gì đã nhận, bên bán trả lại tiền, bên mua trả lại tài sản thì chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ. Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả, vẫn bị xử lý hình sự.
Khi nào bắt buộc phải đấu giá?
Căn cứ điều 4 luật Đấu giá tài sản 2016, một trong những tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:
Thứ nhất, tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Thứ hai, tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Thứ ba, tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thứ tư, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Thứ năm, tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…
Khi nào bắt buộc phải thực hiện đấu thầu?
Căn cứ điều 2 luật Đấu thầu 2023, việc đấu thầu áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu bao gồm:
Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Mục đích để: thực hiện dự án đầu tư, dự toán mua sắm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác. Cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế…
Hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện: thứ nhất, các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Thứ hai, gói thầu trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật, máy móc, thiết bị hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước.
Hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh gồm: dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai…
Ngoài ra, tại khoản 4, 5 điều 1 Nghị định 23 năm 2024 quy định một số dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như: dự án kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế theo quy định của pháp luật về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…
Bình luận (0)