Khi nào cần đến chuyên gia tâm lý ?

07/03/2014 03:00 GMT+7

Mọi người đều khó tránh khỏi những lúc căng thẳng, đau buồn hay xung đột. Vậy khi nào là thời điểm cần sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý?


Những lời tư vấn hữu ích có thể giúp người ta vượt qua trạng thái tâm lý bất ổn - Ảnh: Shutterstock 

Cảm thấy mọi thứ đều trầm trọng. Tức giận hay buồn bã thường xuyên có thể là dấu hiệu cho thấy bạn mắc chứng “trầm trọng hóa” vấn đề. Khi một thử thách bất ngờ xuất hiện, bạn có nghĩ ngay đến cảnh tượng tồi tệ nhất hay không? Nếu có, đó là dấu hiệu của sự suy nhược. Nó có thể làm tê liệt mọi hoạt động, gây hoảng loạn và thậm chí khiến bạn né tránh mọi thứ.

Luôn nghĩ về tổn thương quá khứ. Nỗi đau từ việc mất người thân, chia tay người yêu hoặc mất việc ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày, thậm chí khiến bạn tránh né bạn bè. Nếu cảm thấy mình đang xa rời cuộc sống hoặc những người xung quanh nói rằng bạn đang xa lánh họ, hãy tìm chuyên gia tâm lý để hiểu tại sao muộn phiền vẫn tác động lên bạn. Trái lại, nếu bạn phản ứng thái quá với sự mất mát, như cuồng nhiệt quá mức với bạn bè, người quen hoặc bị khó ngủ, đó cũng là dấu hiệu bạn cần tư vấn.

Hay đau đầu hoặc dạ dày. Cảm giác khó chịu ảnh hưởng đến thể chất. Nghiên cứu cho thấy biểu hiện stress có thể thông qua một loạt chứng bệnh, từ đau dạ dày mãn tính đến đau đầu, thường xuyên cảm lạnh, ham muốn tình dục sút giảm. Cảm giác đau nhức cơ bắp hoặc cổ cũng báo hiệu bạn bị “lạm phát” căng thẳng hoặc phiền muộn.

Đối phó căng thẳng bằng cách tiêu cực. Nếu thấy bản thân thường uống rượu hoặc uống nhiều thuốc (thuốc ngủ hoặc thuốc giảm đau), đó là dấu hiệu bạn đang muốn “vô hiệu hóa” cảm giác căng thẳng. Thay đổi thói quen ăn uống cũng là dấu hiệu tâm trạng khác thường, do một người bỗng dưng ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn chứng tỏ họ đang chật vật đối phó stress.

Làm việc kém hiệu quả. Thay đổi hiệu quả lao động là dấu hiệu phổ biến ở những người có vấn đề về tình cảm hoặc tâm lý. Bạn có thể cảm thấy chán làm việc, dù nó từng là công việc bạn yêu thích. Ngoài tình trạng mất tập trung, bạn còn bị cấp trên hoặc đồng nghiệp phê bình rằng chất lượng công việc của bạn đang giảm sút. Dĩ nhiên, đó là dấu hiệu bạn cần tư vấn tâm lý.

Hết hứng thú hoạt động yêu thích. Nếu cảm thấy việc tham gia các câu lạc bộ, gặp gỡ bạn bè hoặc họp mặt gia đình không còn thú vị như trước, đó là dấu hiệu tâm trạng bạn thay đổi. Bác sĩ tâm lý sẽ giúp bạn “đả thông tư tưởng” hoặc vạch ra một hướng đi mới để gắn kết bạn trở lại với những việc mà bạn từng rất hứng thú.

Quyên Quân

>> Kim Jong-un ‘rối loạn tâm lý’ sau vụ xử Jang Song-thaek?
>> Dấu hiệu tâm lý để nhận biết trẻ mầm non bị bạo hành
>> Ai cần 'chữa tâm lý' ?
>> Chuỗi tư vấn tâm lý cho học sinh
>> Tâm lý học của trừ tà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.