Khi nghệ sĩ là thầy giáo

Hoàng Kim
Hoàng Kim
19/11/2023 07:29 GMT+7

Hiện nay, bên cạnh các nghệ sĩ dạy ở các trường lớp chính quy, có rất nhiều nghệ sĩ đã bước vào nghề giáo một cách… đầy bất ngờ.

Nói về thế hệ giáo viên nghệ sĩ hiện đang hoạt động mạnh nhất tại TP.HCM thì có đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Công Ninh, Hồng Vân, Thanh Thủy, Việt Anh, Hữu Châu, Quốc Thảo, Ái Như, Thành Hội, Ngọc Trinh, Mỹ Uyên, Hữu Nghĩa, Tuyết Thu, Lê Quốc Nam, Quyền Linh, Bạch Long… Một số dạy ở trường lớp chính quy, nhưng đa số dạy ở các trung tâm đào tạo do chính các nghệ sĩ lập ra, bởi mô hình này đang nở rộ, cần rất nhiều giáo viên giỏi. Và tình hình nghệ thuật như vậy đã khiến nhiều nghệ sĩ bỗng thành thầy cô ngoài dự kiến.

Khi nghệ sĩ là thầy giáo - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Bạch Long (phải) diễn cùng học trò Bạch Tú My trong vở Xuân về trên đất Thăng Long

H.K

NSND Hồng Vân tâm sự: "Hồi xưa không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ đứng lớp giảng dạy. Mình học trường sân khấu, ra diễn được là mừng lắm rồi, làm sao dám nghĩ mình trở thành "thầy" dạy người ta. Nhưng cách đây mười mấy năm, sân khấu phát triển mà thiếu diễn viên trẻ, tôi phải nghĩ đến việc tự đào tạo lực lượng cho sân khấu của mình tại Phú Nhuận và Super Bowl, thế là mạnh dạn mở lớp, rồi tự đứng lớp dạy luôn, mời thêm một số bạn bè nghệ sĩ phụ trách các môn khác nữa. Bao nhiêu kiến thức học trong trường, bao nhiêu kinh nghiệm sàn diễn, cứ lấy ra mà truyền lại cho các em, moi cả ruột gan ra mà truyền đạt, chứ không có bí quyết gì hết". Quả thật "lò" đào tạo của Hồng Vân là địa chỉ xã hội hóa đầu tiên thu hút lớp trẻ. Cho đến nay đã 23 khóa, lượng học viên rất đông.

Đạo diễn Quốc Thảo cũng mở trung tâm đào tạo rất xôm tụ từ năm 2017, đến nay đang tuyển sinh khóa 15. Anh nói: "Lúc tôi tốt nghiệp Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM thì nhà trường giữ lại để giảng dạy, còn cho đi tập huấn thêm nhiều bộ môn như kỹ năng sư phạm, thanh nhạc… Nhưng hồi đó sân khấu phát triển rất mạnh, tôi mê đi diễn hơn, công việc lôi cuốn quá, thế là chỉ thực tập giảng dạy chừng nửa năm thì tôi xin nghỉ. Thật tình cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ trở lại bục giảng. Nhưng trong những năm ra nước ngoài định cư, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều chương trình sân khấu rất tuyệt vời, tôi chợt nghĩ bao nhiêu kiến thức và kinh nghiệm này nếu mình đem "cất kho" thì uổng quá, phải tìm cách truyền lại cho lớp trẻ thôi. Thế là tôi về nước, vừa đi diễn lại, vừa mở lớp đào tạo".

Đạo diễn Ái Như và NSƯT Thành Hội cũng từng dạy Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, mở trung tâm đào tạo và giảng dạy rất chuẩn. NSƯT Hữu Châu và NSƯT Ngọc Trinh cũng từng đứng lớp tại Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM nên khi các lò mời dạy thì dễ dàng vô cùng. Hữu Châu nổi tiếng với bộ môn Tiếng nói Sân khấu. Ngọc Trinh, Tuyết Thu và các nghệ sĩ khác nghiêng về kỹ thuật biểu diễn.

THẦY LÀ BẠN, LÀ CHA LÀ MẸ

Làm giáo viên "tay trái" nhưng rốt cuộc các nghệ sĩ đều yêu nghề không kém nghề "tay phải" là biểu diễn, dàn dựng. Hồng Vân nói: "Đừng có rớ vô tụi nhỏ, chứ rớ vô rồi là thương như con mình vậy. Nhiều em khó khăn, tôi miễn luôn học phí, vì không muốn mất một tài năng triển vọng". Thật sự các em đều gọi nghệ sĩ Hồng Vân bằng tiếng "u" ngọt ngào thân thương, coi cô giáo như mẹ của mình.

Khi nghệ sĩ là thầy giáo - Ảnh 2.

NSND Hồng Vân và học trò

Hữu Châu thường xuyên dùng lương dạy học mà đãi học trò ăn uống. Anh nói: "Tụi nhỏ đang sức lớn, cần ăn uống đầy đủ. Kiếm tiền thì kiếm nơi khác, chứ tôi xác định đi dạy vì tình thương. Mình thương nó hay không nó biết hết. Những ai có tố chất nghệ sĩ thì đều nhạy cảm, mình sống thật giả thế nào không giấu được đâu". Quốc Thảo cũng nói: "Làm thầy cô giáo phải kiêm luôn vai trò cha mẹ, thậm chí vai trò bạn bè nữa thì học trò mới tin cậy, gần gũi, mình sẽ dạy các em dễ hơn. Lớp học như xã hội thu nhỏ, tôi dạy các em biết chấp nhận nhau, nhường nhịn, giúp đỡ. Và có khi tôi như bạn bè để các em tâm sự nỗi lòng, hòa giải khúc mắc". Vì vậy, nhiều em tốt nghiệp và đã thành "ngôi sao" vẫn quay về thăm hỏi khiến thầy rất cảm động.

Cô giáo Ngọc Trinh có lẽ hơi "đặc biệt" vì "trẻ mãi không già", dù lớn hơn học trò hai con giáp nhưng nhìn vẫn xêm xêm tuổi nhau, đến nỗi có người phải buột miệng: "Nhìn không biết ai là cô giáo, ai là học trò!". Hỏi vui, vậy học trò có "sợ" cô giáo không? Ngọc Trinh cười: "Trời, sợ chứ! Khi dạy học tôi nghiêm lắm, gọi là "trừ hao" cho gương mặt của mình. Nói chứ, khi mình giảng dạy nghiêm túc thì các em không "sợ" mà là tôn trọng. Còn khi hết giờ học, thầy trò thoải mái, chứ mình nghiêm hoài các em cũng không gần gũi".

Với Quốc Thảo, một niềm vui khác nữa là khi dạy học, anh thấy mình có thêm năng lượng thanh xuân, có động lực sáng tạo và làm mới cuộc sống, bản thân thầy không bị cũ mòn. Và mỗi em là một cá tính, một sự khác biệt, khiến người thầy phải sáng tạo theo các em cho phù hợp, thì mới khai thác được tài năng.

NGƯỜI THẦY KHẮC KHỔ MÀ ẤM ÁP

Vũ Ngọc Đãng, đạo diễn phim Con Nhót mót chồng, Chị chị em em 2, chia sẻ về thầy - nghệ sĩ Công Ninh: "Cách đây 30 năm, gặp thầy lần đầu tiên tôi cũng hơi sợ bởi vì gương mặt của thầy rất khắc khổ, nên nghĩ thầy rất nghiêm khắc, khô khan và khó gần. Nhưng khi được thầy giảng dạy, tiếp xúc lâu không chỉ tôi mà mọi sinh viên đều rất quý thầy, bởi vì thầy rất ấm áp và nhiệt tình với sinh viên. Các tiểu phẩm của thầy dạy lúc nào cũng thú vị, thành ra mỗi buổi thi của lớp thầy lúc nào cũng rất đông sinh viên của trường tới xem, bởi vì rất vui và có nhiều cái để học hỏi. Được học thầy Công Ninh gần một năm là may mắn lớn của tôi".

Bảo Trân (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.