Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (15.11.1923 - 15.11.2023)

Văn Cao - nghệ sĩ underground và phức cảm lưu lạc

11/11/2023 07:30 GMT+7

Văn Cao trước khi gặp Việt Minh vẫn là một nghệ sĩ lang thang, mang nét tương đồng các nghệ sĩ underground tìm kiếm cơ hội sáng tạo ở các đô thành lớn trên thế giới.

Tha hương nơi phố lớn

Sinh năm 1923, Văn Cao 17 tuổi học ở Trường Bonnal (Hải Phòng), tham gia các hoạt động hướng đạo và đã có những chuyến phiêu lưu vào tận Huế, Sài Gòn. Sau đó, Hà Nội trở thành điểm đến của Văn Cao, khi hầu hết các bạn đồng trang lứa lên đây theo đuổi các cấp học cao hơn. Khoảng năm 1942, ông bắt đầu học dự thính ở Trường Mỹ thuật Đông Dương. Kết thúc thời gian học dự thính, Văn Cao đã bước đầu hiện diện với tư cách một họa sĩ, một nhà thơ và cây bút viết truyện ngắn, với một số tác phẩm đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy như truyện ngắn Siêu nước nóng (6.3.1943) và Dọn nhà (31.7.1943).

Văn Cao - nghệ sĩ underground và phức cảm lưu lạc - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Văn Cao (trái) và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nguyễn Đình Toán

Triển lãm Duy Nhất lần thứ hai được tổ chức vào ngày 8.12.1944 với sự có mặt của Toàn quyền Decoux. Văn Cao tham dự với 3 bức, trong đó một bức được Tạ Tỵ cho biết có tên là Cuộc khiêu vũ của những người tự tử (Le Bal aux suicidés), "đã làm giới mỹ thuật ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc". Một bài báo đã dành một phần ca ngợi "đặc sắc của Văn Cao, nhà họa sĩ trẻ tuổi nơi đồng chua nước mặn".

Tuy vậy, Văn Cao không bán được bức nào, như hồi ức của ông, không thể sống được bằng nhuận bút thơ, truyện và âm nhạc: "Hằng ngày tôi nhờ mấy họa sĩ nuôi cơm và giúp đỡ phương tiện cho làm việc. Cuộc sống lang thang ấy không thể kéo dài nhiều ngày. Muốn tìm việc làm thì không có chỗ. Hà Nội lúc ấy lại đang đói. Năm ấy rét hơn mọi năm. Tôi ngủ mặc nguyên quần áo. Có đêm phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi. Đêm năm ấy cũng dài hơn mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu".

Cho đến trước khi được những người cán bộ Việt Minh giao nhiệm vụ và được chu cấp, Văn Cao vẫn là một nghệ sĩ lang thang, mang nét tương đồng các nghệ sĩ underground tìm kiếm cơ hội sáng tạo ở các đô thành lớn trên thế giới.

Mộng Đào Nguyên

Trong các sáng tác của Văn Cao, số lượng ca khúc lãng mạn không nhiều, chỉ có 7 bài: Buồn tàn thu (1939), Thu cô liêu (1940), Thiên Thai (1941), Cung đàn xưa, Trương Chi (1942), Suối mơ, Bến xuân (1943). Tuy nhiên, bên cạnh ngôn ngữ âm nhạc pha trộn hình thức ca khúc Tây phương và nét giai điệu ngũ cung, chất liệu đề tài và dụng công trong ca từ khiến các bài hát rất dễ nhận diện một phong cách khác biệt với các ca khúc cùng thời.

Văn Cao - nghệ sĩ underground và phức cảm lưu lạc - Ảnh 2.

Một ấn phẩm có bản nhạc Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao

TL

Bài hát đầu tiên, Buồn tàn thu phác ra một bối cảnh có tính cổ điển, một người chinh phụ đan áo chờ người tình hoặc người chồng, gần gũi với mô típ Chinh phụ ngâm (bài hát có một tên khác là Chinh phụ khúc). Thu cô liêu Bến xuân có chất liệu đời thực, một khung cảnh "mùa thi" và "nhà tôi bên chiếc cầu soi nước" song các bối cảnh này đều được diễn tả với nhiều thi tứ cổ điển và bút pháp diễm lệ hóa… Thủ pháp lạ hóa bối cảnh này khiến hai bài hát mang tính hương xa đậm nét, gần với những bài Thu hứng hay Thanh bình điệu của Đỗ Phủ hay Lý Bạch.

Cho đến trước cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, rừng núi vẫn là một bối cảnh nhiều lạ lẫm đối với cư dân ở vùng châu thổ, đặc biệt với thị dân các thành phố lớn. Trước khi những bài hát lãng mạn của Văn Cao ra đời, văn học đã tồn tại một vệt sáng tác về đề tài truyện đường rừng của Thế Lữ (Vàng và máu), TchyA (Ai hát giữa rừng khuya), Nguyễn Tuân (Trên đỉnh non Tản)… đa phần khai thác yếu tố ma mị, rừng thiêng nước độc. Một vài tác phẩm phá vỡ tâm thế này như Tiếng thu (Lưu Trọng Lư) hay Cô hái mơ (Nguyễn Bính) với việc vẽ ra một khung cảnh rừng lãng mạn - đều là những bài thơ sau này được phổ nhạc. Suối mơ góp phần vào nét hương xa này, với cấu trúc gần với truyện về tiên cảnh.

Dòng bài hát hùng ca của Văn Cao cũng đậm nét cổ vũ sự xê dịch và lên đường. Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang, Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, nằm trong trào lưu "bài hát thanh niên - lịch sử", tô đậm cảm thức hướng về những biểu tượng vinh quang của cộng đồng dân tộc trong quá khứ, mặc nhiên kêu gọi sự vận động và lên đường.

Các bài hát trong cao trào cách mạng hầu hết được cấu trúc bằng biểu tượng động: người chiến sĩ VN ra trận, với các từ khóa "tiến lên", "lên đường", "ra sa trường", "ngựa phi nơi xa", "nơi biên cương" (Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam). Người nghe gặp lại một hình thức tương đồng với vốn thi tứ cổ điển khi các bài hát cho những đạo quân cách mạng vận dụng các mô típ cổ thi của hình ảnh tráng sĩ hay chinh phu: "Say men năm châu tha phương" (Chiến sĩ Hải quân), "Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng" (Không quân Việt Nam).

Phức cảm lưu lạc còn tiếp tục trong giai đoạn cách mạng và kháng chiến của Văn Cao, đương nhiên do hoàn cảnh tạo ra, nhưng cũng cho thấy sự tiếp nối một đặc điểm cố hữu trong nội dung âm nhạc Văn Cao. Các bài hát góp vào sự nghiệp tuyên truyền cách mạng, tựa như những nhật ký kháng chiến chung chứ không còn là trải nghiệm riêng tư. Khi đó, ông có: "Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa" (Tiến quân ca), "Rừng chiều nhớ cánh đồng chiều xưa, từ xa quê trong lớp cây già" (Làng tôi, 1947), "Rồi rời sang xóm khác, nhớ lúc ai nhìn theo" (Ngày mùa, 1948)…

Tháng 5.1945, Văn Cao được giao tổ chức xây dựng Đội danh dự Việt Minh, có nhiệm vụ giao nhận vũ khí và tổ chức các cuộc mít tinh cho Việt Minh, đồng thời tham gia công việc diệt trừ một số phần tử thân Nhật. Mùa xuân năm 1947 ông sau khi kết hôn, được giao nhiệm vụ phụ trách quán Biên Thùy ở Lào Cai.

Những hoạt động này đặt ra câu hỏi về sự ảnh hưởng đến ngôn ngữ ca từ trong các bài hát cùng thời gian của Văn Cao. Những từ khóa "lên đường", "gươm", "giáo"… gợi một cảm thức cổ xưa, thừa kế những mẫu thức cổ điển khá phổ biến trong sáng tác đương thời của các khúc "tráng sĩ ca". Đó là "Bao chiến sĩ lạnh lùng vung gươm ra sa trường" (Chiến sĩ Việt Nam), "Đầu bao quân Pháp rơi, là lúc tiếng chuông ngân, tiếng chuông nhà thờ rung" (lời ca ban đầu của Làng tôi với tên Nhớ quê, 1947), "Đầy đồng giáo với gươm, súng tì tay anh đứng" (Ngày mùa).

Lộ trình phiêu dạt chỉ chấm dứt khi Văn Cao cùng đoàn quân Tiến về Hà Nội như khung cảnh trong bài hát viết năm 1949: "Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về, cả cuộc đời tươi vui về đây". Văn Cao được kết nạp vào Đảng Cộng sản ngày 1.5.1948, cùng một đợt với Ngô Tất Tố và Kim Lân, trong một giai đoạn chuyển mình quan trọng của lứa văn nghệ sĩ kháng chiến. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.