Tôi yêu Văn Cao từ... cách uống rượu của ông

Thanh Thảo
nhà thơ Thanh Thảo
09/04/2023 19:30 GMT+7

Bây giờ, đang ở "cao trào" phạt những người uống bia uống rượu qua kiểm tra nồng độ cồn, mà nói về cách uống rượu, dù là cách uống rượu của một nghệ sĩ thiên tài như Văn Cao (1923 - 1995), thì e không hợp thời lắm.

Nhưng biết làm sao được, khi cách uống rượu của một người cũng có thể nói lên tính cách, văn hóa hay độ tinh tế của ứng xử thể hiện nơi người ấy, thì đó cũng là một biểu hiện của văn hóa.

Văn Cao hay thơ, hay nhạc, hay họa chứ không hay rượu. Nhưng ông uống rượu, với bạn hiền, với những người lao động nghèo khổ, với anh em văn nghệ sĩ mà ông yêu mến. Cũng có khi, ông uống rượu một mình. Nhưng trường hợp ấy rất ít xảy ra. Vì Văn Cao không nghiện rượu. Ông chỉ nghiện bạn bè, nghiện tình anh em chia sẻ, nghiện những người ông yêu quý. Dĩ nhiên, những người ấy cũng rất thích uống rượu với ông.

Tôi yêu Văn Cao từ... cách uống rượu của ông

 - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Văn Cao (1923 - 1995)

TL

Tôi yêu Văn Cao khi ông uống rượu, khi ông cầm ly rượu nhỏ mà rất lâu mới nhấm nháp một chút. Ly rượu vẫn cầm trên tay. Còn thì ông "uống" tình cảm anh em đối với mình, ông "uống" tình yêu thương giữa những người đồng cảm, ông tìm đến sự chia sẻ chân tình.

Tôi cũng không hiểu vì sao một người làm thơ còn trẻ như tôi (cách đây gần 40 năm), dạo đó tôi mới khoảng 38 tuổi, còn Văn Cao năm ấy đã hơn 60 tuổi, mới gặp Văn Cao vài lần thì giữa hai chúng tôi đã giăng mắc tình thương yêu, kiểu như hai người bạn vong niên. Hai chúng tôi tự nhiên thân thiết với nhau, và tôi cũng quý mến chị Nghiêm Thúy Băng, vợ Văn Cao, người mà sau này tôi đặt biệt danh cho chị là "Người cận vệ trung thành của Văn Cao".

Đúng là như vậy. Vào những năm đau khổ nhất của Văn Cao, nếu không có chị Băng, chẳng biết ông anh Văn sẽ sống như thế nào, làm sao để tiếp tục có năng lượng sáng tạo? Một người vợ hiền, lại là người can đảm và dám xả thân vì chồng, dám bảo vệ cho chồng trong những hồi khốn khổ gian nguy, thì đó chính là "bùa hộ mệnh" cho một nghệ sĩ thiên tài như Văn Cao.

Từ năm 1985, khi tôi được sự đồng ý với nhiều thiện tâm của hai người lãnh đạo Tỉnh ủy Nghĩa Bình là Bí thư Đỗ Quang Thắng và Phó bí thư thường trực Võ Trọng Nguyễn, nhất trí mời vợ chồng Văn Cao vào "thăm chơi Nghĩa Bình", thì tôi chợt thấy Văn Cao sinh sắc hẳn. Chuyến viếng thăm Nghĩa Bình của hai vợ chồng Văn Cao, có hai nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha như "tả phù hữu bật" đi cùng, là chuyến thăm vui vẻ nhất và thổi bùng lên cảm hứng sáng tác thơ ở Văn Cao, sau bao nhiêu năm ông tự mình khuất lấp.

Chùm thơ Quy Nhơn 1, Quy Nhơn 2, Quy Nhơn 3 của Văn Cao sáng tác trong chuyến về miền Trung này là chùm thơ tuyệt vời, nó báo hiệu một nhà thơ trở lại với thi đàn công khai sau bao năm. Được cùng đi với Văn Cao, ba anh em chúng tôi cũng tràn đầy cảm hứng, và mỗi người đều có những tác phẩm của riêng mình. Văn Cao đã bật sáng trở lại, nhờ tình cảm chân thành của các anh lãnh đạo tỉnh ủy Nghĩa Bình. Rồi khi chúng tôi cùng tháp tùng với vợ chồng Văn Cao về thăm Quảng Ngãi, ghé lại một đêm Sa Huỳnh với biển xanh cát trắng trăng 12, cứ như ngày xưa Hàn Mặc Tử cùng Bích Khê Chơi giữa mùa trăng nơi biển Sa Kỳ, thì Đêm Sa Huỳnh ấy cho mãi tới bây giờ, mỗi lần gặp chị Nghiêm Thúy Băng, chị vẫn nhắc như một ký ức thật đẹp. Chuyến đi Nghĩa Bình ấy, Nguyễn Thụy Kha viết được ca khúc Quy Nhơn thành phố thơ ca, Nguyễn Trọng Tạo viết được một ca khúc về dòng sông Lại Giang, cả hai ca khúc đều thấm đẫm tình yêu quê hương, và còn mãi tới bây giờ.

Cũng trong chuyến đi ấy, nhiều lần uống rượu cùng Văn Cao, tôi mới được nghe ông nhận xét về rượu Bàu Đá: "Đó là rượu rất dày". Chỉ một người thật sự sành rượu Việt như Văn Cao mới có nhận xét nghe rất lạ mà rất chuẩn xác đó. Người có nhận xét về rượu như thế là người mà thuở ông cha chúng ta vẫn gọi là "tiên tửu". "Tiên" ở cách uống rượu, "tiên" ở cách nhìn nhận rượu mình uống, và "tiên" ở cách chọn bạn hiền uống rượu với mình. Đó là Văn Cao.

Lần ra Sa Huỳnh rồi ra Quảng Ngãi đó, Văn Cao rất vui, dù ra Quảng Ngãi ông bị ốm nhẹ. Thì đã có bác sĩ Nguyễn San, người bạn của tôi, người không chỉ biết chữa bệnh mà còn biết âm nhạc, thơ ca và chuyện… tiếu lâm. Văn Cao đã được bác sĩ San chăm sóc hết mình, còn kể ông nghe nhiều chuyện tiếu lâm đương đại, khiến Văn Cao hết sức vui. Bệnh cũng lui ngay vì gặp một thầy thuốc tài hoa và thiện lành như vậy.

Tôi yêu Văn Cao vì sự chân thành của ông. Gần như Văn Cao cả đời mình không nói một câu nào theo kiểu bây giờ người ta hay gọi là "chém gió". Ông chỉ nói những điều mình nghĩ, và nói để chia sẻ với bạn bè, em út những trải nghiệm mà một người quá từng trải như ông đã trải qua.

Ngồi với Văn Cao là đã được thấm nhập vào một từ trường ấm áp. Những khi ấy, uống rượu gì cũng thấy ngon cả.

Tôi rất nhớ cách Văn Cao dặn chị Thúy Băng "Nhớ để dành rượu cho Thái Bá Vân, cho Thanh Thảo… nhé!". Đó là cách uống rượu nhưng luôn giành phần lại cho bạn bè, em út thân thiết. Phần rượu để dành ấy có khi là 1/3 chai, có khi ¼ chai, nhưng tình cảm thì luôn đầy chai. Ăm ắp luôn. Anh Thái Bá Vân ở Hà Nội nên có thể đến nhà Văn Cao uống rượu bất cứ lúc nào. Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo cũng vậy. Còn tôi ở xa, trước thì ở Quy Nhơn, sau về Quảng Ngãi, vẫn cách Hà Nội hàng nghìn cây số, nên thỉnh thoảng mới có dịp ghé về thủ đô, thăm ngôi nhà "108 anh hùng Lương Sơn Bạc" - nhà Văn Cao. Dưới nhà là cái chợ chồm hổm, gọi văn vẻ là chợ Xanh, nơi chị Thúy Băng chỉ cần mấy bước qua cầu thang là mua ngay được thức làm món nhậu. Chưa thấy ở đâu tiện lợi cho những bà nội trợ thương chồng và bạn chồng như thế. Thời xa ấy thì chị Băng còn rất khỏe, rất nhanh nhẹn, tháo vát, miệng nói tay làm… món nhậu. Khách toàn anh em thân thiết, chờ một chút cũng chẳng sao.

Tôi biết, anh Trịnh Công Sơn rất thích mỗi khi ra Hà Nội được tới nhà Văn Cao uống rượu. Cuộc gặp gỡ giữa hai thiên tài này cũng ấm áp như những cuộc nhậu không phân biệt tài năng khác. Văn Cao quê Nam Định, thuở nhỏ lại ra Hải Phòng, nên chất "xã hội" luôn rất đậm đà. Tôi chơi thân với Văn Cao vì tôi cũng có chất ấy, anh em gặp nhau ở cách sống, rồi gặp nhau trong thơ. Sau trường ca Những người trên cửa biển của Văn Cao mấy chục năm, tôi lại viết trường ca Những người đi tới biển. Nhân dân chính là biển ấy mà. Văn Cao sống cùng nhân dân trên cửa biển. Còn thế hệ chúng tôi "đi tới biển" để nhận thức về nhân dân mình, để yêu thương nhân dân mình.

Uống rượu theo cách Văn Cao, cũng là "Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào" cùng nhân dân mình. Mỗi khi nhớ Văn Cao lại nhớ cách uống rượu của ông. Đó là cách uống rượu của người hiền suốt đời sống giữa nhân dân.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.