Ca khúc tiên báo của Văn Cao

10/10/2022 07:06 GMT+7

Đây là bài hát thể hiện mãnh liệt nhất ước mơ ngày chiến thắng, ngày trở về Hà Nội , mà lạ kỳ thay, nó đúng tới từng chi tiết trong ngày quân ta tiến về Hà Nội, ngày 10.10.1954.

Có thể vào năm 1949 ấy, sau chiến thắng Sông Lô và sau Trường ca Sông Lô, Văn Cao đang rất háo hức sáng tác, lại được sự khuyến khích của những nhà lãnh đạo chính trị, ông đã hướng tới một ca khúc về Hà Nội mà ông sẽ viết. Lấy cái mốc chậm nhất cho ngày ca khúc này chính thức ra đời là năm 1949, thì Văn Cao đã viết một tác phẩm tiên báo về ngày Giải phóng thủ đô trước những… 5 năm. Đây không phải là bài hát “lạc quan tếu” như có một số người hồi bài hát mới ra đời đã phê phán. Đây là bài hát thể hiện mãnh liệt nhất ước mơ ngày chiến thắng, ngày trở về Hà Nội, mà lạ kỳ thay, nó đúng tới từng chi tiết trong ngày quân ta tiến về Hà Nội, ngày 10.10.1954.

Tiến về Hà Nội

“Trùng trùng quân đi như sóng

Lớp lớp đoàn quân tiến về

Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng

Cờ ngày nào tung bay trên phố

Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời

Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về

Cả cuộc đời tươi vui về đây

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về

Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào

Chảy dòng sương sớm long lanh

Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa

Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu

Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay

Những xuân đời mỉm cười vui hát lên

Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần

Như mùa xuân xuống cạnh đường nghe gió về

Hà Nội bừng tiến quân ca”

Nhân dân thủ đô đón chào đoàn quân chiến thắng trở về

TTXVN

Tôi cứ nghĩ, hồi 10.10.1954 ấy, nếu có nhà báo nào hỏi một người lính viễn chinh Pháp biết tiếng Việt mà anh ta từng nghe bài hát Tiến về Hà Nội này vào năm 1949 hay 1950 gì đó, rồi ngày 10.10.1954 anh ta lại đứng gác ở cầu Long Biên để “bàn giao” Hà Nội cho những người yêu Hà Nội nhất đang tiến về giải phóng thủ đô, thì câu trả lời của người lính viễn chinh Pháp ấy về bài hát này chắc chắn sẽ là câu trả lời thú vị nhất.

Bây giờ thì xã hội ta đã tôn vinh Văn Cao là một thiên tài, nhưng trong văn học nghệ thuật, thiên tài là người thế nào nhỉ? Tôi nghĩ, trong rất nhiều tiêu chuẩn để ta có thể gọi một văn nghệ sĩ là “thiên tài”, chắc chắn có tiêu chuẩn họ có những tác phẩm tiên báo, hay còn gọi là tiên tri. Trong những tác phẩm ấy, phẩm chất tiên tri thể hiện rất rõ, rất kỳ lạ nếu ta tiếp cận tác phẩm ấy khi nó mới ra đời, nhưng rồi, thực tế về sau sẽ trả lời về sự tiên tri kỳ lạ của nó. Bài hát Tiến về Hà Nội của Văn Cao có thể coi là một tác phẩm tiên báo “theo chiều thẳng đứng”, nó báo trước một điều sẽ xảy đến gần như đúng “y nguyên”, đúng hoàn toàn. Nhưng trong bài hát ấy, có những ca từ bảo đảm cho điều tiên đoán ấy sẽ thành hiện thực, chẳng hạn 2 câu:

“Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về

Cả cuộc đời tươi vui về đây”

Đó là niềm lạc quan có thật, vì nó dựa trên một điều có thật là khi chúng ta đem được “sức dân tộc trở về”, thì những hình ảnh của ngày Giải phóng thủ đô 10.10.1954 sẽ hiện ra một cách bình dị, xúc động và rỡ ràng. Riêng tôi, lại rất thích 3 câu ca từ này:

“Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần

Như mùa xuân xuống cạnh đường nghe gió về

Hà Nội bừng tiến quân ca”

Nếu “đêm tan dần” là chính xác, thì hình ảnh “mùa xuân xuống cạnh đường nghe gió về” lại rất mông lung, đầy thu hút và hết sức sinh động. Để cuối cùng là “Hà Nội bừng tiến quân ca” - cả Hà Nội trang nghiêm hát quốc ca đầy xúc động trong giờ phút huy hoàng trọng đại ấy.

Hôm nay, kỷ niệm ngày Giải phóng thủ đô lần thứ 68, nghe lại bài hát Tiến về Hà Nội lòng tôi vẫn rạo rực, vẫn cảm thấy tràn lên năng lượng của thời khắc ấy, 68 năm về trước. Bài hát ấy tiên báo ngày trở về Hà Nội trước 5 năm, và còn lại với người Việt Nam sau 68 năm. Và hứa hẹn sẽ còn lại rất lâu nữa.

Âm nhạc của Văn Cao là như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.