Khi người trẻ làm chuyện bao đồng

05/10/2012 03:05 GMT+7

Phải làm gì đó để giúp ích cho xã hội và cộng đồng là suy nghĩ của nhiều bạn trẻ. Không ít hoạt động tình nguyện ra đời từ tâm niệm này.

 
Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi…
Hồ Chí Minh

Lội ruộng giúp người nghèo

Hơn 2 năm nay, Nguyễn Quốc Trung - SV Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân và 27 người bạn của mình - đang là HS, SV của nhiều trường THPT, ĐH, CĐ tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện bằng cách giúp đỡ trẻ mồ côi cơ nhỡ, người già neo đơn không nơi nương tựa, tìm đến những trung tâm nhân đạo, bệnh viện… ở TP.HCM, hay có những ngày không ngại nắng mưa, lội ruộng đến thăm và tặng quà cho hộ nghèo ở những miền quê hẻo lánh các tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng…

“Hầu hết mọi người trong nhóm đều xuất thân từ những gia đình nghèo khó, nên hiểu cuộc sống thiếu thốn của cộng đồng. Xã hội bây giờ nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm, chúng mình muốn giúp đỡ mọi người phần nào bớt cơ cực”, Quốc Trung bộc bạch.

Để làm được điều này, sau mỗi giờ học, từng thành viên trong nhóm tranh thủ đi làm thêm để tiết kiệm dành dụm, sau đó cùng hùn hạp lại để có quỹ nhóm. “Món quà tuy không lớn, chỉ là sữa, bánh kẹo, gạo mắm, mùng mền hay quần áo…, nhưng nhìn những người được nhận xúc động, chúng mình vui lắm vì đã góp phần nào đó, tuy nhỏ bé nhưng có ý nghĩa”, Thanh Trúc - thành viên nhóm chia sẻ. Ngoài ra, mỗi thành viên cũng thường xuyên huy động bạn bè, người thân quyên góp sách, quần áo cũ.

 Các thành viên trong nhóm tình nguyện của Quốc Trung đến thăm các bệnh nhi tại bệnh viện
Các thành viên trong nhóm tình nguyện của Quốc Trung đến thăm các bệnh nhi tại bệnh viện
- Ảnh: N.T.N

Vì học ở nhiều khoa, trường khác nhau nên khó có lúc được nghỉ học cùng. Thế nên nhóm phân chia các thành viên thu xếp thời gian thay phiên nhau đi thiện nguyện. Mặc dù không nhận được sự đồng ý thành lập CLB thiện nguyện của Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân để có thể hoạt động quy mô hơn, nhưng không vì thế mà nhóm bạn này bỏ đi niềm đam mê của mình. Các thành viên luôn động viên lẫn nhau, thường xuyên hoạt động, mỗi tháng lại tổ chức đi thăm và giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

Dịch thuật tình nguyện

Từ 3 năm nay, website www.hoctienganh.com.au quen thuộc với khá nhiều người, trong đó phần lớn là giới HS, SV bởi đây không chỉ là “giảng đường” tiếng Anh đầy bổ ích, mà còn có hoạt động đầy ý nghĩa của CLB Dịch thuật tình nguyện.

Trần Phúc Minh Ngọc, cựu HS Trường chuyên Thái Nguyên (Thái Nguyên), đang làm việc tại Úc, người sáng lập CLB cho biết: “Hầu như tất cả những thông tin mới nhất và quan trọng nhất trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật… trên thế giới đều được thông tin đầu tiên bằng tiếng Anh. Nếu không tiếp xúc, không có cơ hội hiểu được chính là thiệt thòi lớn. Rất nhiều bạn khao khát tìm hiểu, nhưng không thể vì vốn tiếng Anh ít, nên chúng mình sẵn sàng dịch tình nguyện cho mọi người khi có nhu cầu”.

Minh Ngọc hướng dẫn: “Khi có những tài liệu mà bản thân không tự dịch được, bạn có thể đăng tải lên diễn đàn của CLB, hoặc gửi email cho người quản trị, ngay sau đó sẽ có nhiều người dịch giúp bạn và gửi về trong thời gian sớm nhất”.

Mỗi ngày CLB nhận hàng trăm đề nghị mong được dịch giúp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo Minh Ngọc, hiện hoạt động dịch thuật tình nguyện này thu hút hơn 2.500 thành viên dịch thuật tình nguyện trên khắp cả nước, có sự tham gia của cả du học sinh đang ở các nước Úc, Mỹ, Pháp, Nga…

Nguyễn Thanh Nam

>> Người trẻ làm chuyện bao đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.