Khi người trẻ yêu sử Việt

30/10/2014 05:00 GMT+7

Những câu chuyện chính sử, huyền sử Việt đã trở nên hấp dẫn hơn khi được kể bằng tranh bởi chính sự tìm tòi, trân trọng lịch sử từ những người trẻ.

Khi người trẻ yêu sử Việt 

Lịch sử - đề tài không vắng khách

Hơn 300 triệu đồng được ủng hộ để Truyền thuyết Long Thần Tướng trở lại. Hơn 2.000 lượt độc giả đã đặt mua trên mạng trước khi sách ra mắt chính thức vào ngày 1.11 tới. Khó ai có thể ngờ một bộ truyện tranh dã sử Việt lại có thể tạo nên “kỳ tích” như thế. Một phần nguyên nhân có thể lý giải là do hiệu ứng từ cái tên Phong Dương (Thành Phong vẽ và Khánh Dương kể) với những tác phẩm truyện tranh ăn khách trước đó, nhưng không thể không nhận ra độc giả Việt đã thay đổi. “Họ bắt đầu cởi mở với truyện tranh, truyện tranh lịch sử và dã sử Việt”, họa sĩ Thành Phong nhìn nhận. Truyền thuyết Long Thần Tướng có thể được coi là một hiện tượng đột biến, nhưng từ trước đó, độc giả đã được thưởng thức không ít những “món ngon”.

Một nhà xuất bản (NXB) chuyên làm sách cho thiếu nhi là NXB Kim Đồng đã đầu tư cho truyện tranh lịch sử từ cách đây hàng chục năm. Khoảng vài năm trở lại đây, để bắt kịp thị hiếu mới của độc giả trẻ, NXB đã tự thực hiện hoặc liên kết cho ra mắt những bộ truyện tranh lịch sử theo phong cách comic, nhiều bộ đã tạo ra cơn “sốt” như Cậu bé rồng, Thành Rồng, Đại Cồ Việt, Vạn Xuân và mới đây là Bác Hồ sống mãi. Không ít cuốn vừa ra mắt đã tiếp tục tái bản. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến bộ truyện tranh ăn khách Thần đồng đất Việt và bộ Thần đồng đất Việt - Hoàng Sa, Trường Sa khẳng định chủ quyền do Công ty Phan Thị ấn hành. “Trong đầu của người đọc, nhất là trẻ con, lịch sử chỉ là những trang sách với những con số, trận đánh khô khan, trong khi truyện tranh lại có thể phục dựng những trận đánh, không gian lịch sử một cách hấp dẫn”, một chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản truyện tranh cho thiếu nhi lý giải.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Tôi thấy rất tốt khi để các em học sinh được tiếp cận, yêu thích và học lịch sử qua truyện tranh. Truyện tranh phù hợp với lứa tuổi các em nên có thể là những giáo cụ trực quan sinh động. Những cuốn sách được làm ra từ những tác giả, đơn vị xuất bản uy tín thì tôi nghĩ việc dùng truyện tranh để giáo dục, truyền tình yêu lịch sử cho các em là rất đáng khuyến khích”.

Cái khó của truyện tranh lịch sử

Làm truyện tranh lịch sử, dã sử có nhiều cái khó. “Nó giống như nấu món ăn cổ truyền theo phong cách Tây, một câu chuyện của quá khứ lại được thể hiện với bố cục, hình thái hiện đại. Hơn nữa, chúng ta thiếu tư liệu lịch sử, hình ảnh trang phục, mũ mão, đầu tóc... Các họa sĩ phải lục tìm tư liệu vô cùng mất công”, biên tập viên Giang Linh, Trưởng phòng Tranh truyện - NXB Kim Đồng nói. “Viết truyện lịch sử dễ hơn so với làm truyện tranh lịch sử, vì tranh là phải có hình. Thêm nữa, không phải có nhiều những tác giả có kiến thức lịch sử”, một chuyên gia chia sẻ.

Để mang đến tính lịch sử chân thực cho bộ truyện, họa sĩ Nguyễn Thành Phong đã ngỏ ý cộng tác với Trần Quang Đức - tác giả của cuốn Ngàn năm áo mũ trong việc cố vấn hình ảnh, ngôn ngữ, phong tục, lịch sử khi bắt đầu ý định đưa Truyền thuyết Long Thần Tướng trở lại. “Chúng tôi muốn phục dựng, truyền tải lịch sử xác thực nhất”, Thành Phong nói. Tạo hình nhân vật với trang phục, đầu tóc, trang sức... đều được Phong và Đức bàn bạc kỹ lưỡng. Cho đến những chi tiết nhỏ dễ bị bỏ qua như tấm bảng treo ở công đường viết chữ gì cũng được họ trao đổi với nhau. Các nhân vật trong Truyền thuyết Long Thần Tướng còn được nhuộm răng đen, phong tục của người Việt xưa. Có lẽ, đến giờ Truyền thuyết Long Thần Tướng là bộ truyện tranh được đầu tư công phu, nghiêm túc nhất về mặt hình ảnh, ngôn ngữ liên quan tới lịch sử nhất.

Những câu chuyện chính sử, huyền sử hay dã sử đang “soi rọi” lịch sử theo những cách riêng. Độc giả được “thấm” lịch sử qua những bối cảnh, chi tiết, con người lịch sử có thật, hoặc những câu chuyện, nhân vật được sáng tạo dựa trên những nền lịch sử có sẵn, hay những hình ảnh lịch sử như trang phục, mũ mão, đầu tóc, nhà cửa... những nét văn hóa của người xưa. “Mục đích chính của chúng tôi vẫn là kể những câu chuyện hấp dẫn, nhưng qua đó mang đến cho độc giả những kiến thức lịch sử thú vị. Trong truyện, khi giặc ngoại xâm đang nhăm nhe ngoài bờ cõi, các nhân vật đã mang tài trí ra bảo vệ đất nước, còn độc giả tìm hiểu lịch sử, văn hóa cũng là yêu nước”, họa sĩ Thành Phong nói.

Cách làm mới

Không trông chờ vào tiền tài trợ hay NXB, công ty sách nào, những người thực hiện bộ truyện tranh Truyền thuyết Long Thần Tướng (bối cảnh là quãng thời gian trước khi diễn ra cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2, thời nhà Trần) dựa vào chính sự ủng hộ của độc giả, tín hiệu đầu tiên cho thấy khả năng thành công của dự án.

Bộ truyện được gắn mác dành cho lứa tuổi 15+, nhưng họa sĩ Thành Phong cho biết điều này không có nghĩa là cấm độc giả nhỏ tuổi mà giống như lời nói trước về hình ảnh và nội dung có phần phức tạp. Truyện tranh Truyền thuyết Long Thần Tướng được thực hiện bởi Khánh Dương (tác giả kịch bản), Thành Phong, Nguyễn Mỹ Anh (họa sĩ), Trần Quang Đức (cố vấn lịch sử). Mức ủng hộ bộ sách từ 50.000 đồng, cao nhất là 6 triệu đồng.

Ở mức cao nhất, người ủng hộ sẽ trở thành một nhân vật quần chúng trong sách. Cùng với bộ truyện, nhóm còn cho ra mắt những mô hình nhân vật. Đây có lẽ là lần đầu tiên một bộ truyện tranh VN làm được điều này. Không quá lời khi nhìn nhận về tương lai sáng rõ của dòng truyện tranh lịch sử, dã sử Việt. Truyền thuyết Long Thần Tướng đang tiếp tục kêu gọi góp vốn cộng đồng cho các tập tiếp theo, còn các NXB như NXB Kim Đồng cũng đang chuẩn bị cho ra mắt hàng trăm tập truyện lịch sử mới...

Minh Ngọc

>> Ngày hội sử Việt
>> Người xưa dạy sử Việt
>> Hơn 2.000 bạn trẻ tham gia Ngày hội sử Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.