Khi nhà máy thành 'trường quay'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
04/01/2022 06:29 GMT+7

Nhiều công ty thành viên thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn không thể quên chuyện hồi giữa tháng 7.2021, họ liên tục bị khách hàng ở Mỹ, châu Âu gửi email, gọi điện 'đòi' những thước phim cận cảnh chứng tỏ rằng nhà máy vẫn đang hoạt động và hàng sẽ được giao đúng hạn.

Đến nay, nhiều công ty thành viên thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn không thể quên chuyện hồi giữa tháng 7.2021, họ liên tục bị khách hàng ở Mỹ, châu Âu gửi email, gọi điện “đòi” những thước phim cận cảnh chứng tỏ rằng nhà máy vẫn đang hoạt động và hàng sẽ được giao đúng hạn.

Những cuộc gọi livestream

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Vinachem, nhớ lại đến đầu tháng 7.2021, thông tin nhiều nhà máy phải đóng cửa, ngừng sản xuất xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên truyền thông vì không thể duy trì được “3 tại chỗ”, nhất là các nhà máy của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Những bức ảnh được cán bộ Công ty cao su Miền Nam ghi lại cảnh 3 tại chỗ tại nhà máy này hồi giữa năm 2021

CTV

“Cho nên các đối tác nước ngoài rất lo, dù chúng tôi liên tục thuyết phục, hứa rằng mọi việc vẫn ổn với chúng tôi, thì họ thậm chí nghi ngờ và nói muốn được tận mắt chứng kiến bằng hình ảnh, thước phim hoặc những cuộc điện thoại live stream”, ông Cường nói.

Ông Cường kể tiếp, có tuần gần như liên tục mỗi ngày, bạn hàng ở Mỹ gọi video call, đề nghị cho xem không khí sản xuất thực ở nhà máy. “Thế là tại nhiều đơn vị, một bộ phận cán bộ được cắt cử để làm nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh. Đầu tiên là ở Công ty CP cao su Miền Nam, rồi Bột giặt Lix”, ông Cường kể. Nói đoạn, ông Cường mở điện thoại, cho chúng tôi xem 4 - 5 video với tổng thời gian khoảng 20 phút, ghi lại các cảnh từng đoàn công nhân xếp hàng đều vào ca đứng máy tại một số phân xưởng của Công ty CP cao su Miền Nam ở Hóc Môn (TP.HCM), Đồng Nai.

Trong một cảnh khác, cũng những gương mặt người lao động ấy, nhưng là khi họ rời máy, ăn tại chỗ, rồi căng lên những chiếc lều nhỏ đều tăm tắp để ngủ ngay trong nhà ăn.

“Phim thì rung lắm, mới đầu anh em chưa biết dùng chân máy, zoom như tìm dép, cứ zoom ra zoom vào. Sau có người hướng dẫn rồi quen. Nhưng tôi nửa thật nửa đùa bảo chỉ cần quay cho thật nhất, có chỗ bừa bộn cũng cứ quay. Làm sao để cho đối tác thấy mình đang làm thật, việc thật, để họ an tâm mà không bỏ đi là được”, ông Cường kể.

Giữ được bạn hàng, giữ chân người lao động

Ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc Cao su miền Nam, chia sẻ thêm vào tháng 7 và tháng 8.2021, việc giữ chân người lao động để duy trì sản xuất là vô cùng khó khăn. Theo ông Phú, đành rằng sản xuất là gần như nắm phần lỗ bởi chi phí bị đội lên cao, nhưng đứng máy là chết nữa, vì còn khấu hao, bạn hàng...

“Trong tình hình ấy, lãnh đạo tập đoàn liên tục họp trực tuyến với các đơn vị trong cả nước để các đơn vị tìm phương kế duy trì sản xuất. Cũng may, chúng tôi có Đạm Hà Bắc - là doanh nghiệp gần như đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình 3 tại chỗ, trước vài tháng khi khái niệm này được miền Nam nhắc đến. Khi đó Đạm Hà Bắc áp dụng 3 tại chỗ cho 683 người, rất thành công. Tất nhiên, chúng tôi và một số đơn vị miền Nam thì khó hơn chút vì quy mô cả nghìn người, nhưng cũng đã có được nhiều bài học đáng giá”, ông Phú nhìn nhận.

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của tập đoàn, gần như mọi nguồn lực an sinh xã hội được chi tối đa có thể để người lao động yên tâm ở lại làm việc, trong khi các nhà máy trong vùng thì tỷ lệ lao động nhiều nơi giảm hơn một nửa.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nhờ duy trì được sản xuất, Cao su Miền Nam năm 2021 dù lợi nhuận có giảm bởi nguyên do chính là chi phí 3 tại chỗ đội lên cao, song doanh thu vẫn vượt kế hoạch là một thành công lớn. “Điều quan trọng nhất là giữ được bạn hàng, giữ được người lao động, trong khi bên cạnh nhiều nhà máy khác vẫn đang trầy trật đón công nhân quay lại”, ông Phú nói.

Ông Nguyễn Phú Cường cho biết thêm, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, dù hàng loạt công ty chủ chốt của tập đoàn nằm trong vùng thiệt hại nặng nhất của đợt dịch Covid lần thứ 4 và 5 như Cao su miền Nam, Phân bón Bình Điền, Bột giặt Lix ở tâm dịch, hay trước đó Đạm Hà Bắc, Cao su Đà Nẵng cũng trong vùng phong tỏa, nhưng nhờ thực hiện 3 tại chỗ rất sớm ở Bắc Giang, Bắc Ninh, thuê khách sạn cho công nhân để khép kín “1 cung đường 2 điểm đến” ở Cao su Đà Nẵng… mà năm nay tập đoàn “thắng lớn”.

“Lần đầu tiên trong lịch sử doanh thu toàn tập đoàn vượt 51.000 tỉ đồng. Có không ít đơn vị lợi nhuận vượt kế hoạch. Đến những ông vốn tiếng xấu trong danh sách đại dự án thua lỗ như Đạm Hà Bắc, năm ngoái lỗ nghìn tỉ thì năm nay giảm lỗ hơn 90%”, ông Cường nói và đùa rằng “đó là những thước phim ưng nhất, nhưng anh em trong công ty không tự quay được”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.