Khi nhà thơ cầm cọ

Tranh của những nhà thơ như Bùi Chát, Nguyễn Quang Thiều hay William Blake không cố gắng 'đẹp' theo nghĩa thị giác mà để thành thật theo nghĩa tâm hồn, họ vẽ để mở rộng ngôn ngữ sáng tạo của mình.

Nhà thơ vẽ tranh! Lạ, khó tin, nhưng nếu ngẫm kỹ, có gì đâu bất thường? Thơ và tranh vốn không phải hai thế giới tách biệt. Nhà thơ viết bằng ngôn từ để gợi lên hình ảnh, còn họa sĩ vẽ hình ảnh để gợi lên cảm xúc. Khi nhà thơ chuyển sang vẽ, chẳng phải họ đang tìm một ngôn ngữ mới để kể lại câu chuyện cũ hay sao?

Ở Việt Nam, hiện tượng này không còn xa lạ. Bùi Chát, Nguyễn Quang Thiều, hai nhà thơ nổi danh, giờ đây đã trở thành những cái tên được nhắc đến không ít trong thế giới hội họa. Họ vẽ, tổ chức triển lãm và tranh của họ, bất kể "chuẩn" hay "lệch chuẩn" kỹ thuật, vẫn được đón nhận, đôi khi với cái giá không nhỏ. Nhưng điều gì trong tranh của họ khiến người ta sẵn sàng chi tiền? Điều gì làm cho câu chuyện của họ gây tò mò đến vậy?

Khi nhà thơ cầm cọ- Ảnh 1.

Bùi Chát và các bức tranh của mình

ẢNH: NVCC

Sự giao thoa nghệ thuật

Bùi Chát với phong cách vẽ như "người không biết vẽ" đã làm nên sự đặc biệt cho chính mình. Tranh của ông không tuân theo bất kỳ quy chuẩn nào, cũng chẳng bận tâm đến các nguyên tắc bố cục. Nó giống như một bài thơ tự do, đôi lúc lộn xộn, đôi lúc vỡ vụn nhưng luôn tràn đầy cảm xúc. Trong triển lãm Ứng tác, ông từng nói rằng: "Vẽ tranh là cách tôi ứng tác cảm xúc, ngay khi nó chưa kịp đông lại thành câu chữ". Và đó chính là sức hút của tranh ông: không gắng gượng để trở nên hoàn hảo mà để trở nên chân thật.

Tuy nhiên, hành trình này không hề dễ dàng. Bùi Chát từng chia sẻ: "Người ta nói tôi vẽ như đứa trẻ học lớp 3. Nhưng vẽ với tôi không phải để chứng minh mình giỏi, mà để giải phóng mình khỏi những khuôn khổ". Câu nói ấy đã phần nào phản ánh sự hoài nghi mà ông phải đối mặt từ cả công chúng lẫn giới chuyên môn. Những nét vẽ bất định, những khoảng trống tưởng chừng vô nghĩa trong tranh của ông thường bị đánh giá là "nghèo kỹ thuật" nhưng lại chất chứa những cảm xúc sâu sắc mà lời thơ đôi khi bất lực, không thể diễn đạt.

Khi nhà thơ cầm cọ- Ảnh 2.

Tranh vẽ của Bùi Chát

ẢNH: NVCC

Nếu Bùi Chát là một kẻ nổi loạn trong cả thơ lẫn tranh thì Nguyễn Quang Thiều lại mang đến hội họa một chất mộng mơ sâu lắng. Tranh của ông không tái hiện hiện thực mà tái tạo ký ức, từ những cánh đồng, đàn bò, mái nhà cho đến người thổi sáo… như những mảnh ghép bị bóp méo bởi thời gian và trí tưởng tượng. Tuy vậy, ông cũng không tránh khỏi những thách thức. Những lời phê bình như: "Ông là nhà thơ, sao không tập trung vào thơ mà lại chuyển sang vẽ tranh?" từng xuất hiện, đặt ra áp lực phải chứng minh rằng hội họa của ông không chỉ dựa vào danh tiếng sẵn có từ thơ ca.

Nguyễn Quang Thiều từng nói: "Cánh đồng trong thơ tôi không phải cánh đồng thật, và cánh đồng trong tranh tôi cũng vậy". Trong tranh ông, mọi thứ đều được phóng đại hoặc thu nhỏ bất thường, tạo nên một không gian vừa siêu thực vừa như ký ức chập chờn của một giấc mơ. Nhưng chính sự khác biệt ấy đôi khi khiến tranh của ông bị hiểu lầm là "không đủ sâu sắc về thị giác". Tuy nhiên, những ai thật sự cảm nhận tranh của ông đều nhận ra rằng, đó là những hình ảnh gợi lên chiều sâu của hoài niệm, một thứ mà đôi khi ngôn từ không đủ sức chạm tới.

Khi "tay ngang" tạo nên huyền thoại

Không chỉ ở Việt Nam, câu chuyện nhà thơ cầm cọ đã từng tạo nên dấu ấn trong lịch sử nghệ thuật thế giới. William Blake, nhà thơ lừng danh của Anh, không chỉ viết thơ mà còn vẽ tranh. Trong những tác phẩm như The Ancient of Days hay Newton, tranh của ông giống như những câu thơ thị giác, mỗi nét vẽ đều mang tính biểu tượng, gợi mở những tầng ý nghĩa vượt xa hình ảnh trên bề mặt.

Rabindranath Tagore, nhà thơ đoạt giải Nobel người Ấn Độ, cũng từng gặp không ít nghi ngờ khi bước vào hội họa. Ông để lại hơn 2.000 bức tranh đầy cảm xúc và tự do, nhưng phải đối mặt với câu hỏi từ những người đương thời: "Tagore trả lời: "Màu sắc là bài ca mà tôi không thể hát bằng lời". Đó là lý do tranh của ông, dù không thuộc bất kỳ trường phái nào, vẫn có sức hút mãnh liệt, vì nó gợi lên một thế giới cảm xúc khó nắm bắt nhưng dễ đồng cảm.

Khi nhà thơ cầm cọ- Ảnh 3.

Du khách trao đổi khi tham quan các tác phẩm của Bùi Chát

ẢNH: NVCC

Thậm chí, những họa sĩ nổi tiếng như Vincent van Gogh, Jean-Michel Basquiat cũng từng là "tay ngang" trong hội họa. Họ không được đào tạo bài bản, nhưng chính sự không gò bó ấy đã làm nên phong cách của họ. Van Gogh với sắc vàng chói chang, Basquiat với những nét vẽ xộc xệch như tiếng hét của một tâm hồn bất an, đã chứng minh rằng nghệ thuật không cần kỹ thuật hoàn hảo, mà cần một trái tim chân thật.

Nghệ thuật không ranh giới, không định kiến

Khi một nhà thơ vẽ tranh, họ thường bị xem là "tay ngang", là những kẻ tò mò bước vào thế giới không thuộc về mình. Nhưng điều đó liệu có công bằng? Một bức tranh đẹp không nằm ở chỗ đúng hay sai về kỹ thuật mà ở chỗ nó có thể chạm đến điều gì trong tâm hồn người xem.

Tranh của Bùi Chát, Nguyễn Quang Thiều hay William Blake không cố gắng "đẹp" theo nghĩa thị giác mà để thành thật theo nghĩa tâm hồn. Họ vẽ không phải để cạnh tranh với họa sĩ mà để mở rộng ngôn ngữ sáng tạo của mình. Và chính sự dũng cảm đối mặt với định kiến, vượt qua thách thức đã làm nên sức hút đặc biệt cho những tác phẩm này.

Hội họa, như mọi loại hình nghệ thuật khác, không phải một cuộc thi kỹ năng. Các họa sĩ chuyên nghiệp có thể sẽ cần một chút cởi mở hơn, thay vì để những quy chuẩn hàn lâm trở thành rào cản. Nghệ thuật không phải là thánh địa của riêng ai. Nó là ngôi nhà rộng lớn, nơi bất cứ ai, nhà thơ, họa sĩ, hay một kẻ yêu nghệ thuật... đều có quyền sáng tạo và biểu đạt. Như William Blake từng viết: "Chúng ta không bao giờ biết mình có thể làm gì, cho đến khi ta tự do để thử".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.