SUẤT CHIẾU TĂNG LIÊN TỤC
Các suất chiếu của Đào, phở và piano, một phim nhà nước đặt hàng, đã phải đẩy tăng liên tục cho phù hợp với nhu cầu của công chúng. Đến nay, phim chỉ được chiếu bán vé tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội).
Đào, phở và piano được công bố trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn vài ngày và hoàn toàn không có một đợt truyền thông nào về phim trừ những tin dẫn văn bản của Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) về "đợt thí điểm phim nhà nước ra rạp". Theo đó, cùng với Đào, phở và piano còn có Hồng Hà nữ sĩ và chùm phim hoạt hình Việt được chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia - đơn vị phát hành phim duy nhất của nhà nước hiện nay.
Tuy nhiên, Đào, phở và piano đã cháy vé. Ông Vũ Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia, cho biết: "Ngày 19.2, chúng tôi đã tăng đến 18 suất chiếu. Hiện nay, trung tâm cũng đang quá tải, có 14 phòng chiếu đều đang chạy hết công suất. Chúng tôi xen Đào, phở và piano vào bất cứ chỗ nào bố trí được, hiện nay đã nhiều rồi đấy".
Cũng theo ông Tùng, trung tâm của ông đã dành toàn bộ phòng 1 - phòng chiếu lớn nhất cho Đào, phở và piano. "Chạy từ sáng đến tối 7 suất chiếu cho bộ phim này. Riêng phòng 1 đã khoảng 3.000 khách. Nhưng hiện không còn một vé nào ngày 19 - 20.2. Lịch chiếu 21.2 đăng vào 23 giờ ngày 19.2 để giảm tải hệ thống. Như vậy, khoảng 7 giờ sáng 20.2 là khách có thể vào mua vé ngày 21.2", ông Tùng cho hay.
"Chúng tôi rất vui, vui cho điện ảnh VN", ông Tùng nói. Mặc dù vậy, ông Tùng xác nhận việc nếu có đông người hơn nữa xem Đào, phở và piano cũng như các phim nhà nước đợt này, Trung tâm Chiếu phim quốc gia cũng không có lợi gì về mặt kinh tế. Hiện đơn vị này đang phát hành toàn bộ các phim nhà nước, trong đó có Đào, phở và piano với 0% chi phí phát hành. Có nghĩa là đơn vị này không được chia phần trăm tiền bán vé khi bán được vé.
Ông Tùng cũng cho biết, đơn vị không được cấp nguồn tiền để chi cho truyền thông phim, trong khi cả hai khoản tiền này, với việc phát hành phim, là buộc phải có.
QUY ĐỊNH SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG "TRÓI" PHIM
Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), việc tìm kiếm các đơn vị phát hành phim tư nhân để "đỡ đầu" các phim nhà nước, trong đó có Đào, phở và piano đều đâm vào ngõ cụt. "Không có kinh phí phát hành thì không làm được đâu. Chúng tôi cũng biết như thế", ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, từ trước đến nay, Nhà nước vẫn đặt hàng, dành kinh phí để sản xuất phim nhưng chưa bao giờ Nhà nước chi tiền để phát hành phổ biến phim cả. "Cho nên, phim nhà nước làm xong chỉ được Cục Điện ảnh sử dụng và đưa vào các tuần phim trong nước và nước ngoài. Các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, Cục Điện ảnh vẫn gửi cho các tỉnh, TP chiếu miễn phí", ông Thành nói.
Việc phát hành thí điểm Đào, phở và piano cũng như các phim nhà nước còn lại vì thế đặt cả lên vai Trung tâm Chiếu phim quốc gia. "Trung tâm Chiếu phim quốc gia chấp nhận ủng hộ sự nghiệp điện ảnh, kinh phí phát hành phổ biến là kinh phí tự chủ của trung tâm, Nhà nước cũng không cho người ta đồng nào cả. Chúng tôi cũng phải làm việc với các đơn vị liên quan của Bộ. Trung tâm chấp nhận không lấy gì hết, doanh thu được bao nhiêu thì họ nộp 100% về cho Nhà nước hết. Khổ là cái luật của mình về quản lý tài sản nhà nước lại không có quy định bao nhiêu phần trăm cho đơn vị phát hành phổ biến", ông Thành nói.
Khi Hồng Hà nữ sĩ ra mắt năm 2023, đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng "như gà mắc tóc" lúc được hỏi bao giờ phim nhà nước này ra rạp. Bà nói: "Tôi cũng chưa biết, làm xong tôi gửi Cục Điện ảnh để dự liên hoan phim... Cũng có mấy bên thích nhưng hợp đồng có nhiều ràng buộc, phải có tiền cho họ quảng bá, chúng tôi lấy đâu ra tiền. Trong gói làm phim chỉ cho 100 triệu đồng làm trailer, teaser, poster và họp báo, in ấn còn chả cho xu nào.
Một công ty phát hành phim thì bảo phải có 1 tỉ họ mới quảng bá được, còn một đơn vị phát hành khác là 500 triệu, tôi cũng không biết lấy đâu ra".
Để Đào, phở và piano và các phim nhà nước khác có suất chiếu ở các tỉnh, thành, sẽ phải có những thay đổi về quy định, hoặc chờ các tuần phim kỷ niệm và liên hoan phim. Những trói buộc về quy định sử dụng tài sản công vẫn còn đó, kéo theo việc người dân muốn xem phim nhà nước làm từ tiền thuế của mình cũng còn đường xa vạn dặm.
Tin vui trước mắt, ông Vi Kiến Thành cho biết, ngày 19.2, Cục Điện ảnh đã có chủ trương cùng cụm rạp Beta chiếu Đào, phở và piano.
"Beta đề nghị theo đúng mô hình Trung tâm Chiếu phim quốc gia, tức là họ làm cống hiến, không lấy phần trăm gì cả. Vừa mới đồng ý về chủ trương, bây giờ chúng tôi đang làm hợp đồng. Đây là một đơn vị kinh doanh cụm rạp, một doanh nghiệp tư nhân của VN", ông Thành nói.
Bình luận