Xung quanh chuyện Quỹ bình ổn giá xăng dầu bị doanh nghiệp chiếm dụng hàng ngàn tỉ đồng, khó đòi, thậm chí có nguy cơ thất thoát đang có nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng quan trọng không phải là ai giữ quỹ mà là phải kiểm tra, giám sát, quản lý một cách minh bạch. Như vậy thì để ở đâu, ai giữ cũng không ngại. Đúng là thời gian qua, do quản lý lỏng lẻo mới dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu không tuân thủ các quy định như không phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ, không kết chuyển số dư quỹ vào tài khoản ngân hàng… Thậm chí có công ty kinh doanh thua lỗ đã "mượn" Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) để bù đắp; có DN lại chiếm dụng quỹ để thế chấp ngân hàng... Vì vậy, cứ kiểm soát thật chặt đầu ra là được. Tuy nhiên, nói thì dễ còn làm lại mới khó. Quỹ trong tay DN và khi rơi vào thế kẹt tiền, cần tiền (DN thì lúc nào mà chẳng cần vốn, nhất là trong giai đoạn hiện nay) thì họ sẽ có trăm phương ngàn kế để sử dụng tiền trong quỹ. Những trường hợp thụt quỹ hiện nay cũng cho thấy rất nhiều kiểu, nhiều cách, nhiều phương thức mà để kiểm soát chặt chẽ thì không hề đơn giản. Quan trọng hơn, khi các DN phá sản, mất khả năng cân đối dòng tiền, tạm dừng hoạt động thì tiền đâu mà trả, mà thu hồi? Thế nên với Quỹ BOG, dù không phải tiền ngân sách nhưng là tiền của dân thì phải chặt ngay từ đầu vào - cơ quan giữ quỹ và đầu ra - chi quỹ. Với góc nhìn này, nhiều ý kiến đề nghị nên giao quỹ về cho bộ có thẩm quyền để giữ, quản lý và chi dùng. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều người. Tất nhiên như đã nói, dù DN giữ hay bộ giữ thì công tác kiểm tra, giám sát, minh bạch hóa đều phải chặt chẽ. Chứ để như hiện nay, tiền của người dân, quỹ do DN giữ nhưng cơ quan quản lý quyết định việc sử dụng thì quá bất ổn.
Cũng từ những vấn đề hiện nay của Quỹ BOG, một lần nữa cần xem xét việc có nên duy trì quỹ nữa hay không. Vấn đề này đã được đặt ra nhiều lần, đến chính các DN xăng dầu cũng cho rằng quỹ đã kết thúc sứ mệnh. Mục đích của Quỹ BOG là bình ổn giá xăng dầu; người dân ứng trước vào quỹ và có thể được trả lại vào kỳ điều hành sau nhằm giảm biến động khi giá tăng. Tuy nhiên, trong thực tế, khi giá dầu thế giới biến động quá cao, việc có quỹ hay không cũng không có nhiều tác dụng. Chưa kể việc trích quỹ đã được chứng minh nhiều lần là hết sức bất ổn. Về lâu dài, cách bình ổn giá xăng dầu hiệu quả nhất, bền vững nhất chính là dự trữ bằng xăng dầu - đây là phương pháp mà các nước đều làm. Với VN, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, sẽ xây mới hàng loạt kho xăng dầu, khí đốt để tăng dự trữ.
Mục tiêu không đạt, đối mặt với hàng loạt rủi ro; nợ khó đòi hàng ngàn tỉ đồng và giờ là bất ổn trong quản lý quỹ. Đó là chưa kể giữa Bộ Công thương và Bộ Công thương vẫn "cãi qua cãi lại" về trách nhiệm, về quản lý...
Có thể nói Quỹ BOG ngày càng bất ổn, liệu chúng ta có nên tiếp tục duy trì để rồi lại "mất bò mới lo làm chuồng" như hiện nay?
Bình luận (0)