Vẫn một lòng son sắt với nghề

27/02/2024 06:21 GMT+7

Ba năm qua, ngành y đã đi qua những biến động, thậm chí là những chấn động đến tận gốc rễ sâu thẳm nhất. Nhân viên y tế đã nếm trải những dư vị cay đắng lẫn ngọt bùi mà không phải ai cũng có thể có được trong cuộc đời hành nghề của mình.

Những người đã thực sự lao mình vào cuộc chiến khốc liệt chống Covid-19 ngày ấy, đến bây giờ chắc hẳn không ít thì nhiều vẫn còn xao động trong tâm can khi nghĩ về đại dịch.

Đã hơn hai năm kể từ khi đỉnh dịch đi qua TP.HCM, những nỗi đau, những ám ảnh đã bắt đầu dịu xuống, lắng sâu vào tâm thức những người thầy thuốc và đồng đội của mình. Những lo toan đời thường, những dự định, những kế hoạch đã đủ mạnh để hướng chúng tôi về phía tương lai.

Ngày đó, khi đứng trong sân bệnh viện, trước khoảng 100 nhân viên y tế đầu tiên chuẩn bị đi xây dựng trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 nặng, tôi đã nói với đồng nghiệp và cũng với chính mình rằng: "Chúng ta đi vào một trận chiến mà không biết rõ mặt quân thù, cũng không có trên tay vũ khí. Nhưng chúng ta vẫn đi. Vì chính đồng bào mình, vì thành phố nghĩa tình này và cao hơn là vì quê hương Việt Nam mến yêu". Chúng tôi, một trung tâm hồi sức, đã hòa mình cùng hàng chục ngàn đồng nghiệp - đồng đội khác trên khắp đất nước để vượt lên chính mình, dũng cảm đương đầu với gian khổ, khó khăn, hiểm nguy. Ngày đó chúng tôi mang tâm thế của người lính chiến đấu vì Tổ quốc. Đi qua đại dịch, chúng tôi không khỏi có chút tự hào về chất sử thi bi tráng trong sự dấn thân của mình.

Nhưng rồi rất nhanh chóng, những "cơn địa chấn" khác đã vội ập đến, còn dữ dội đối với ngành y tế hơn cả chính đại dịch Covid-19. Không ít nhân viên y tế đã cảm thấy thương tổn, ngã lòng. Cũng không phải không có người chọn cách chia tay để bảo toàn tình yêu và niềm tự hào dành cho nghề. Một nhân viên của tôi, người đã xông pha vào chỗ hiểm nguy nhất từ đầu cho đến cuối dịch, đã quyết định lui về làm một lão nông tri điền. Không nói thì ai cũng có thể nhận thấy, rất nhiều người đã chùn tay. Như thể con chim phải ná sợ cành cong. Tôi cũng không ngoại lệ, cũng đã có lúc thấy mình lạc lối, hoang mang.

Nhưng rồi những khó khăn trong đại dịch, những biến động sau đại dịch, dù vẫn còn đang hiển hiện, đã được dần dần giải quyết, tháo gỡ. Chúng tôi vẫn tin rằng Đảng, Chính phủ và Nhân dân vẫn tin yêu nghề y, vẫn dành cho nghề y một chỗ đứng xứng đáng trong xã hội và trong trái tim mỗi người. Chính chúng tôi, những nhân viên y tế, cũng đã trưởng thành lên rất nhiều không chỉ về y thuật mà còn về y đức sau những gian nan, thử thách đó. Những tin nhắn, những lời cảm ơn, những hình ảnh của những bệnh nhân thập tử nhất sinh trong dịch, nay đã khỏe mạnh, đã hân hoan với cuộc đời mới là liều thuốc vô giá xốc lại, nâng dậy tinh thần của chính những người thầy thuốc.

Chiều qua, tôi đã nhận được những lẵng hoa chúc mừng. Tôi xem đó là những thơm thảo của cuộc đời đầy yêu thương này trao gửi đến tôi, một thầy thuốc trong hàng triệu người thầy thuốc và nhân viên y tế Việt Nam. Sau những thăng trầm của đại dịch và của cảm xúc, tôi đã đủ bình tâm để hỏi thật lòng mình về nghề, về những cống hiến bé nhỏ đã qua và những đối mặt trong tương lai, thậm chí còn ác liệt hơn Covid-19 (ai mà biết được). Câu trả lời rất sắt son: Nếu được chọn lựa một lần nữa, tôi vẫn chọn nghề y. Nếu được chọn đối mặt, tôi vẫn chọn dấn thân như đã từng. Đó chắc chắn cũng là tâm huyết của tuyệt đại đa số đồng nghiệp của tôi - những thầy thuốc Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.