Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?

Khi rạp hát - chớp bóng xưa bị biến hình

Lê Vân
Lê Vân
08/08/2023 06:59 GMT+7

Đã từng có đời sống sôi động ở Sài Gòn, nhưng nay, những rạp hát, rạp chiếu bóng của người Việt ra sao?

Câu chuyện về các rạp hát, rạp chiếu bóng xưa như vết cắt sâu trong lòng những người đã dành cả cuộc đời ở rạp xưa nay phải nhìn thiết chế văn hóa ấy ngày một mất đi.

MÀN NHUNG KHÉP LẠI

Trên đường Trần Hưng Đạo từ Q.1 nối dài qua Q.5, nhiều rạp hát - rạp phim nay đã thay đổi công năng sử dụng hoặc bỏ hoang. Duy nhất có rạp Đống Đa hiện còn đúng chức năng chiếu phim. Còn lại, có rạp cửa đóng im lìm, bên ngoài là tàn tích của những vũ trường, quán bar xưa chưa kịp tháo dỡ ở mặt tiền. Bên trong các rạp bỏ hoang ấy, góc bàn thờ tổ ngành sân khấu vốn sáng đèn nhang khói gần cả trăm năm nay cũng tắt ngóm, lạnh lẽo.

Khi rạp hát - chớp bóng xưa bị biến hình - Ảnh 1.

Poster phim Không gia đình chiếu tại rạp Đại Nam ngày 25.6.1959

Nhà sưu tầm Vũ Hải

"Tôi sinh ra vào thập niên 1960, khi tôi lớn lên, những rạp hát, xi nê xưa ở Sài Gòn chỉ còn trong ký ức của nhiều người. Riêng tôi phải chứng kiến những ngày cuối cùng thoi thóp của các rạp hát, xi nê này cho tới khi chúng biến mất hoàn toàn. Đau lòng lắm!", NSƯT Xuân Quang, 62 tuổi, cựu diễn viên hát bội ở Q.5, góp chuyện.

Hôm nay, trên những đường phố TP.HCM từ trung tâm ra khu Chợ Lớn hay ngược về quận Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh… vẫn còn gần cả trăm "xác" rạp hát, rạp chiếu phim xưa từng một thời là niềm tự hào. Nhưng bên trong các rạp, có nơi hoang tàn vì bị bỏ trống mấy chục năm. Có nơi thì thành khách sạn, nhà hàng, quán bar, nơi giữ xe, thậm chí là những tiệm cà phê, ăn uống vỉa hè nhếch nhác ngoài rạp vốn chỉ còn lại tên rạp xưa.

Khi rạp hát - chớp bóng xưa bị biến hình - Ảnh 2.

Rạp Lao Động đóng cửa với bảng hiệu Trung tâm giải trí “New 651” vẫn chưa tháo xuống, ảnh chụp ngày 7.6.2023

Lê Vân

Như rạp Nhân Dân trên đường Trần Phú (Q.5) xưa là rạp Hào Huê trước 1975 chuyên chiếu phim, sau 1975 trở thành nơi đóng đô của nhiều đoàn cải lương, kịch nói nổi danh giờ trở thành trụ sở làm việc của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. Rạp Lao Động ở số 651 Trần Hưng Đạo cửa đóng im lìm ngay mặt tiền con đường đông đúc. Trước đó, rạp này từng được cho thuê làm vũ trường Monaco của ông trùm Năm Cam. Một thời gian sau rạp đổi chủ thành trung tâm giải trí "New 651" rồi đóng cửa đến giờ. Rạp Lệ Thanh A nay thuộc Nhà hát Kịch TP, cũng cho một số bạn trẻ làm studio, quán cà phê cóc. Bên ngoài rạp chằng chịt các bảng hiệu bị mất chữ hoặc chữ bị rơi rớt xô lệch. Nhưng bên trong rạp Lệ Thanh A giờ là phim trường cho thuê chụp hình hoặc tập nhảy hiện đại. Sát bên rạp Lệ Thanh A là rạp Lệ Thanh B cửa đóng, ngưng hoạt động vì xuống cấp.

Khi rạp hát - chớp bóng xưa bị biến hình - Ảnh 2.

Rạp Lệ Thanh A với các bảng hiệu cũ kỹ, chữ bị xô lệch sai nghĩa rất phản cảm, ảnh chụp ngày 21.6.2023

Lê Vân

"Thiên đường giải trí" số 1

Trong cuốn tạp văn Sài Gòn còn chút gì để nhớ, nhà văn Phan Kế Tựu kể lại: "Thuở đầu thập niên 1960, phương tiện giải trí ngoài máy hát dĩa, băng từ Akai, radio, truyền hình thì rạp chiếu bóng, cải lương ở Sài Gòn nhiều không kể xiết. Trong đó, chiếu bóng hay xi nê là loại hình được mọi người xem nhiều nhất. Những năm cuối thập niên 1950, các hãng phim VN bắt đầu sản xuất phim màu thay thế phim trắng đen. Tuy nhiên, mãi đến năm 1967, lần đầu tiên tôi được bà chị Hai trong nhà dẫn đi xem phim Lục Vân Tiên, chiếu ở rạp Thanh Vân, tọa lạc ở Q.10 ngay đầu con hẻm nhà tôi… Tiếp sau đó là hàng loạt phim võ thuật Hồng Kông ăn khách xuất hiện thuở thập niên 1970. Khương Đại Vệ, Địch Long, Vương Vũ rồi Lý Tiểu Long cứ ra mắt hết tuần này đến tuần khác…".

Khi rạp hát - chớp bóng xưa bị biến hình - Ảnh 4.

Poster phim của nữ tài tử Marilyn Monroe ở rạp Đại Nam

Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp

Sài Gòn từng có những doanh nhân chịu chơi bỏ tiền ra xây rạp xi nê tối tân nhất Đông Nam Á. Các rạp có chiếu những phim nổi đình đám của thế giới cùng thời gian với Mỹ, Pháp như: Ben Hur (1961), Love Story ở Rex, Đại Nam, Majestic, Eden Sài Gòn. Cùng với dàn đạo diễn, tài tử ngôi sao thế giới như: Marilyn Monroe trong phim tình ái đẫm lệ Riviere sans Retour (Trên sông vĩnh biệt) từng gây sốt vé ở rạp Đại Nam và Eden Sài Gòn vào tháng 9.1957, Robert Taylor với phim Le Tresor du Pendu (Kho tàng của người bị xử giảo), Capucine - người đàn bà đẹp nhất nước Pháp trong phim Le Bal des Adieux (Tơ tình vương sóng nhạc) của hãng Columbia chiếu độc quyền ở rạp Đại Nam năm 1961. (còn tiếp) 

Khi rạp hát - chớp bóng xưa bị biến hình - Ảnh 5.

Poster phim Chiến thắng trên đảo (Navarone) chiếu ở rạp Eden Sài Gòn năm 1962

Nhà sưu tầm Vũ Hải

"Rạp Lệ Thanh A vào năm 1973 từng làm náo động khu Chợ Lớn khi danh ca Đặng Lệ Quân đến biểu diễn. Sau năm 1975 cho tới thập niên 1990, rạp là nơi đóng đô của nhiều đoàn hát cải lương nổi danh Sài Gòn, khán phòng với hơn 1.000 ghế nhưng luôn cháy vé từ lúc 10 giờ sáng vì bị phe vé chợ đen gom mua rồi bán lại với giá cao ngất ngưởng", NSƯT Xuân Quang kể.

Bình luận (3)

avatar-user
Kim Van Dinh

Hình phim quảng cáo phim Sans famille (Vô gia đình) chiếu tại rạp Đại Nam đường Trần Hưng Đạo, Quận Nhất không phải là poster treo ở rạp. Mà đó là tờ chương trình (programe) phát cho khán giả khi mua vé vào xem (hay xem sơ lược cốt chuyện phim trước khi quyết định mua vé. Khi còn bé, bọn con nít chúng tôi hay sưu tầm những tờ này để chơi, nhất là trò tạt giấy (tương tự trò tạt hình).

Trả lời 0 1 năm trước
avatar-user
Thang Nguyen Tien

Hồi xưa người ta hay dùng từ "áp phích" hoặc "bích chương". Thời hiện đại bây giờ do ảnh hưởng của tiếng Anh thì người ta mới dùng "poster" nhiều hơn.

Trả lời 0 1 năm trước
avatar-user
Lê Minh

Theo danh mục thống kê từ sách báo, từ cuối thập niên 60, tại Sài Gòn có hơn 50 rạp hát các loại mà bây giờ dường như không còn 1 rạp nào, thật ngậm ngùi!

Trả lời 0 1 năm trước
Xem thêm bình luận
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.