TP.HCM sắp thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè

28/07/2023 04:19 GMT+7

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thay thế Quyết định 74 năm 2008, quy định này có hiệu lực từ ngày 1.9.

Theo đó, TP.HCM cho phép sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè vào các mục đích như trông giữ xe, làm điểm mua bán, tổ chức hoạt động văn hóa hay làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt, tập kết vật liệu xây dựng… Nguyên tắc khi sử dụng phải dành chiều rộng vỉa hè còn lại cho người đi bộ tối thiểu 1,5 m, lòng đường còn lại đủ bố trí ít nhất 2 làn ô tô mỗi chiều.

TP.HCM sắp thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè - Ảnh 1.

Đường Lê Lai (Q.1, TP.HCM) tổ chức đậu xe dưới lòng đường có thu phí

Sỹ Đông

Toàn TP.HCM có 1.238 tuyến đường rộng từ 7,5 m trở lên. UBND TP.HCM ủy quyền cho Sở GTVT và UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức lập danh mục các vị trí, tuyến đường được phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Người dân và tổ chức khi sử dụng thì phải nộp phí. Tuy nhiên, mức phí cụ thể được UBND TP.HCM giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng để trình HĐND TP.HCM xem xét quyết định.

Người bán hàng rong ủng hộ thu phí vỉa hè: 'Hết cảnh thấy đô thị là hốt hàng chạy'

Trong đề án được Sở GTVT TP.HCM lấy ý kiến phản biện hồi tháng 6.2023, mức phí sử dụng vỉa hè, lòng đường chia theo 5 khu vực và tùy theo mục đích sử dụng, trong đó sử dụng làm điểm trông giữ xe lên đến 350.000 đồng/m2/tháng. Với mức phí trên, Sở GTVT ước tính nguồn thu phí vỉa hè, lòng đường mang lại khoảng 1.522 tỉ đồng/năm, gồm 550 tỉ đồng từ lòng đường và 972 tỉ đồng từ vỉa hè.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Q.1 hiện có 541 vị trí được cấp giấy phép tạm thời sử dụng vỉa hè để làm chỗ đậu xe theo quy định trước đây. Nhận thông tin về quyết định mới, người dân vẫn khá băn khoăn về việc đăng ký sử dụng và mức phí cụ thể như thế nào. Một hộ kinh doanh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (P.Bến Nghé, Q.1) cho hay, cửa hàng ăn uống của gia đình có vỉa hè dài 10 m. Chiếu theo bảng mức phí được Sở GTVT TP.HCM đưa ra lúc lấy ý kiến phản biện, người này đặt tình huống nếu kê bàn ghế cho khách ngồi ăn thì mỗi tháng phải trả 1 triệu đồng, trong khi nếu dùng để làm chỗ đậu xe thì phải trả 3,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó chủ tịch UBND Q.5, cho rằng quy định mới tạo thuận lợi cho địa phương trong công tác quản lý lòng đường, vỉa hè. Q.5 cũng dự kiến một số tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè nhưng chưa thể công bố vì phải chờ hướng dẫn từ Sở GTVT.

Trong khi đó, ông Phan Thế Huy, Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.3, cho biết vào tuần sau, quận tổ chức cuộc họp với các phường để đề xuất những tuyến đường, khu vực trọng điểm nào cần thực hiện trước. Dù quận đã có quy hoạch chung nhưng vị trí cụ thể thì phải dựa trên nhu cầu của từng phường. "Trên vỉa hè có nhiều vật, kiến trúc như nhà chờ xe buýt, trụ điện, cây xanh nên phải xem cụ thể từng vị trí mới tính toán được. Nhưng yêu cầu đầu tiên là đảm bảo lối đi cho người đi bộ, phần còn lại mới được sử dụng", ông Huy nói.

Vỉa hè bị ‘xẻ thịt’ rao cho thuê trên mạng như con cá, mớ rau

Ngày 27.7, trả lời Thanh Niên, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết Sở này đang dự thảo văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện quy định mới. Riêng mức phí sử dụng lòng đường, vỉa hè đang được Sở GTVT lấy ý kiến các đơn vị trước khi trình cấp thẩm quyền thông qua. Trong quyết định mới, UBND TP.HCM cũng giao Sở GTVT ban hành danh mục tuyến đường có vỉa hè tổ chức điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng; các tuyến đường có lòng đường đủ điều kiện tổ chức điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt, điểm trông giữ xe, đỗ xe có thu phí...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.