Rau đắng đất chợt ẩn chợt hiện, nơi rìa mương, góc rạ, kẹt lu..., dâng hiến nhiều món ngon “thần sầu” cho dân tây Nam bộ.
|
Nhà văn Nguyễn Trọng Tín cười tủm tỉm ví von: “Rau đắng đất ẻo lả như người tình chứ không phải vợ. Ai từng bén mùi loại “phở” này thì nhớ hoài!”
Còn cô bạn đất “Thành kinh”, lần đầu nếm chén cháo cá lóc rau đắng đất ở Tiền Giang, đã xuýt xoa than thở: “Chu choa! Đắng chi mà dễ sợ rứa!”
Thế mới biết, khoảng cách từ quen đến hiểu - dù chỉ một loài rau - cũng khó nói lắm!
|
Khi hiểu thì vương vấn, như bà má Bạc Liêu theo con định cư ở Mỹ, nhưng cứ đòi về cố hương và thách thức : “Tụi bây làm sao mỗi tuần kiếm cho tao 2 mớ rau đắng đất thiệt non và hai cử lẩu mắm thì tao chịu ở lại!”
Có lẽ từng đêm nơi xứ lạ, câu ca ngày xưa lại da diết đến thổn thức nơi cõi lòng bà: “Rau đắng nấu với cá trê - Ai đi lục tỉnh thì mê không về” (Ca dao Nam bộ).
Rau đắng đất chợt ẩn chợt hiện, nơi rìa mương, góc rạ, kẹt lu..., dâng hiến nhiều món ngon “thần sầu” cho dân tây Nam bộ.
Rau ngon nhất lúc đương thì con gái: cao khoảng hai ba lóng tay, non mướt, mọc lẻ bạn, lả lơi cùng ngọn gió chướng mát lành. Dịp gần tháng chạp, ngay buổi giao mùa, nàng rau uống đầy âm – dương của đất trời, căng tràn nhựa sống. Thế nên rau có phong vị đặc trưng: trước đắng sau ngọt thơm thanh khiết, không lẫn vào đâu được.
|
Rau đắng ngày xưa còn “chở” cả ánh trăng rằm thanh thoát, tiếng thủ thỉ hẹn hò lứa đôi, tiếng sột soạt giòn tan của những bước chân đạp rạ hối hả đi phơi bánh phồng, bánh tráng đón tết cổ truyền...
|
Rau đắng đất thích hợp với ăn sống, nấu canh cá đồng hoặc ăn kèm cháo: gà, vịt, cá, thịt... Người ăn rau sành điệu sẽ không cho rau vào nồi từ đầu. Làm vậy, rau sẽ rục và đắng như ký ninh.Với món canh, sau khi nêm gia vị vừa ăn, tắt lửa, rồi họ mới cho rau vào sau cùng.
Gặp ngày hè nóng đổ lửa hay cảm thấy chán cơm chê phở, bạn thử tìm húp cháo cá lóc đồng hay gà đất kèm rau đắng đất sẽ thấy đời vui trở lại! Chầm chậm thưởng thức, thong thả lắng nghe... mùi thơm thuần khiết khiến thực khách sảng khoái hơn. Và vị đắng thanh dịu lại “có hậu” ngọt, sẽ dần chinh phục thần khẩu, làm mát lòng mát dạ cả người khó tính. Rồi xì xụp húp, trán lấm tấm mồ hôi, nghe tươi tỉnh hẳn!
Được biết, ông Trần Minh (thành viên Hội đầu bếp Chợ Lớn, ở Cần Giờ, TPHCM) mỗi khi say “quắc cần câu”, lúc tỉnh dậy nghe đầu nặng như búa bổ, cổ họng khô rát, liền giã rượu bằng tô mì hải sản bốc khói với thật nhiều rau đắng đất. Ông cười lém lỉnh nói: “Vua chúa của mình ngu gì ăn mì tiến vua nếu không có đám “lính cứu hỏa” này.”
Tạ Tri
Bình luận (0)