Khi Real Madrid không dùng cầu thủ Tây Ban Nha...

09/01/2023 14:31 GMT+7

Lần đầu tiên trong lịch sử, đội hình chính của CLB nổi tiếng nhất thế giới Real Madrid không có cầu thủ nào người Tây Ban Nha. Ý nghĩa của sự kiện này là như thế nào?

Đấy là trận gặp Villarreal trên sân đối phương ở La Liga, Real Madrid thua 1-2 và bị đội đầu bảng Barcelona bỏ xa 3 điểm sau 16 vòng. Đội hình chính của Real gồm thủ môn người Bỉ Thibaut Courtois; 3 cầu thủ Pháp (Aurelien Tchouameni, Ferland Mendy, Karim Benzema), 2 cầu thủ Brazil (Vinicius Jr, Eder Militao), 2 cầu thủ Đức (Toni Kroos, Antonio Rudiger), cùng Luka Modric (Croatia), David Alaba (Áo), Federico Valverde (Uruguay).

Real Madrid trong trận thua 1-2 trước Villarreal

REUTERS

Mùa trước, cũng đã có lúc Real rời sân mà không có cầu thủ người Tây Ban Nha nào trong đội hình. Đó là trận gặp Sheriff Tiraspol ở Champions League, vào tháng 9.2021. Đội hình Real vào cuối trận ấy cũng tương tự thành phần vừa nêu, với 3 khác biệt (có Rodrygo, Eduardo Camavinga, Luka Jovic thay vì Mendy, Tchouameni, Rudiger). Bây giờ là đội hình xuất phát, nên câu chuyện gây chú ý nhiều hơn.

Ra đời cách đây hơn 120 năm (ngày 6.3.1902), Real Madrid đã thi đấu 4.436 trận chính thức, tính cả trận gặp Villarreal mang tính cột mốc lịch sử vừa qua. Khác với những nền bóng đá chuyên nghiệp xung quanh, Tây Ban Nha có những lúc cấm cầu thủ nước ngoài thi đấu (chủ yếu là dưới thời Franco). Mặt khác, tính vùng miền trong làng bóng Tây Ban Nha thường khá nặng nề. Có những CLB chỉ dùng cầu thủ trong vùng của mình (như Athletic Bilbao, Real Sociedad chỉ dùng cầu thủ xứ Basque). Họ còn không chấp nhận cầu thủ đến từ xứ khác, huống hồ là người nước ngoài. Chuyện Real Madrid đưa ra đội hình chính không có cầu thủ Tây Ban Nha càng có vẻ “giật gân” là vì vậy.

Gọi là lần đầu tiên trong toàn bộ lịch sử, chứ thật ra thì việc một đội bóng dùng toàn cầu thủ nước ngoài chỉ có thể hợp lệ từ sau năm 1995 (sau phán quyết Bosman, buộc các liên đoàn bóng đá trong khối EU phải xóa bỏ giới hạn về số lượng cầu thủ nước ngoài ở mỗi CLB).

Trước đây, Real Madrid được xem là hình ảnh quảng cáo cho nước Tây Ban Nha của Franco, được hưởng nhiều ưu đãi từ nhà lãnh đạo độc tài này. Làm sao thì làm, để những cầu thủ tốt nhất của Tây Ban Nha cứ phải thuộc về Real. Cầu thủ nước ngoài khoác áo Real cũng là chuyện bình thường, nhưng đấy phải là những cầu thủ tốt nhất, ngả về chất lượng hơn là số lượng. Vì áp lực từ Franco, tòa án đã xử ngôi sao Alfredo Di Stefano, mà Barcelona ký được hợp đồng trước, phải luân phiên khoác áo Real và Barcelona theo từng năm.

Chán nản với phán quyết này, Barcelona bỏ luôn ngôi sao người Argentina, và Di Stefano trở thành huyền thoại Real Madrid. Cùng thời với Di Stefano, Real còn có Raymond Kopa (tượng đài số 1 của bóng đá Pháp trước khi Michel Platini và Zinedine Zidane xuất hiện), hoặc cầu thủ vĩ đại nhất Hungary Ferenc Puskas. Barcelona thì “chỉ” có Ladislao Kubala, Zoltan Czibor, Sandor Kocsis…

Chiến lược “Galatico” từng giúp Florentino Perez chiếm ghế chủ tịch Real (lần đầu) vào năm 2000 thật ra cũng chỉ xuất phát từ đặc điểm của Real ngày xưa. Mỗi năm, Real chỉ cần tăng cường một siêu sao vào “dàn sao” sẵn có tại Bernabeu. Không cần mua sắm hàng loạt, chỉ cần mua siêu sao sáng giá nhất. Luis Figo, Zinedine Zidane, Ronaldo, David Beckham, Michael Owen lần lượt tề tựu về nơi đã có Raul Gonzalez, Roberto Carlos. Perez nhấn mạnh nội dung của chiến lược Galactico: Real sẽ gồm “những Zidane và những Pavon”.

Benzema và Vinicius Jr vẫn gánh vác hàng công của Real Madrid

REUTERS

Vâng, Zidane thì ai cũng biết. Thế còn “những Pavon”? Ở thời điểm Real mua được Zidane từ Juventus (mùa hè 2001) thì cầu thủ trẻ Francisco Pavon, do chính Real đào tạo, cũng vừa được đưa lên đội lớn như một niềm hy vọng hoành tráng trong tương lai. Báo chí nức nở khen ngợi trong khi Perez rung đùi chờ xem một sự hòa trộn tuyệt vời giữa những cầu thủ Tây Ban Nha tốt nhất với những siêu sao hàng đầu thế giới trong màu áo Real. Buồn thay, Pavon chìm vào quên lãng từ lâu, thậm chí chưa từng lọt được vào đội tuyển Tây Ban Nha.

Cái khẩu hiệu về “những Pavon” của Perez hóa ra lại trở thành định mệnh: rồi sẽ phải đến cái ngày mà không có cầu thủ Tây Ban Nha nào đủ chất lượng để chen chân vào đội hình chính Real Madrid!

Real vẫn thống trị bóng đá đỉnh cao, với 5 lần vô địch Champions League trong 9 mùa bóng gần đây (ngay lúc này, họ vẫn đang là đội đương vô địch). Nhưng, cứ phải hướng đến thực tế lạnh lùng: Real thành công nhờ Modric, Casemiro, Kroos - đáng gọi là một trong những hàng tiền vệ hay nhất thế giới xưa nay; nhờ Courtois, Benzema, Vinicius… nữa. Real luôn hùng mạnh “dù”, hay “vì”, không dùng nhiều cầu thủ người Tây Ban Nha?

Tùy bạn. Tại VCK EURO 2020 (diễn ra trong mùa hè năm 2021), không có bất kỳ đại diện Real Madrid nào lọt được vào danh sách đội Tây Ban Nha. Đấy đã là một cột mốc lịch sử đáng kể rồi (lần đầu tiên Tây Ban Nha dự một giải lớn mà không có cầu thủ Real Madrid trong thành phần).

Câu chuyện nói lên đẳng cấp chung của cầu thủ Tây Ban Nha. Nhiều người ca ngợi phẩm chất kỹ thuật của họ. Nhưng Tây Ban Nha nhanh chóng lộ ra hình ảnh “hổ giấy” trong suốt những kỳ EURO, World Cup gần đây. Và báo chí Tây Ban Nha bắt đầu ca cẩm: sức hút của đội tuyển Tây Ban Nha ngay cả đối với giới hâm mộ trong nước, đang nhanh chóng giảm đi. Ai lại hào hứng với một “Tây Ban Nha không có đại diện Real Madrid”. Trớ trêu thay: một “Real không có cầu thủ Tây Ban Nha” lại rất mạnh mẽ!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.