Khi sân khấu chủ động tìm nhà sản xuất

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
14/12/2020 06:18 GMT+7

Thời gian gần đây, các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam rất tất bật, có khi một tháng diễn tới 27 suất, tất cả đều kín chỗ.

“Có tối kết thúc suất diễn tại Hà Tĩnh, đoàn trở về Hà Nội. Về tới nơi sáng sớm, sau khi đổi diễn viên theo vở diễn mới, đoàn lại lên đường đi Bắc Kạn diễn liền 5 đêm. Chúng tôi đã quen với lịch diễn dày đặc các vở khác nhau”, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc nói. Hiện tại, kịch mục nhà hát có chục vở diễn chạy liên tục như: Bệnh sĩ, Người tốt nhà số 5, Điều còn lại, Ăn quả trả vàng, Nguồn sáng trong đời, Ngọc rồng, Kiều... Ông Xuân Bắc cho biết thêm Nhà hát Kịch Việt Nam hiện còn hướng tới việc dựng những vở kịch “một va li”, nghĩa là đạo cụ sân khấu có thể thu gọn để linh động cho lưu diễn; các ê kíp diễn viên cũng được chia ra để có thể diễn cùng lúc những vở khác nhau tại những địa điểm khác nhau. “Tôi nghĩ việc tổ chức, sản xuất biểu diễn đang thay đổi mạnh”, ông Xuân Bắc nhận định.
Song song đó, Lệ Ngọc thời gian gần đây nổi lên như một sân khấu xã hội hóa năng động ở khu vực phía bắc. “Các vở đều “cháy” vé, có vở khán giả xem đến 4 - 5 lần. Thị Nở Chí Phèo hay Huyền thoại gò Rồng ấp, Tấm Cám đều hút khách”, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc nghệ thuật của Sân khấu Lệ Ngọc, chia sẻ. Ông Vinh cũng cho biết lý do Thị Nở Chí Phèo hút khách là do vở được chuyển thể từ tác phẩm văn học giảng dạy trong nhà trường và đáp ứng được nhu cầu của khán giả mục tiêu. “Chí Phèo là tác phẩm quá nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, người Việt hầu như ai cũng biết. Còn học sinh cấp 3 đang học tác phẩm trong nhà trường thì rất muốn nhìn thấy nó trên sân khấu bằng hình ảnh, bằng người thật, cảm xúc thật. Giáo viên họ nhận thấy sự tiếp thu của học sinh khi xem ở sân khấu gấp nhiều lần so với một bài giảng. Việc có lớp đi xem 2 - 3 lần là bình thường”, ông nói.
Việc liên kết để có trang phục biểu diễn tốt cũng được các sân khấu chú trọng trong tổ chức sản xuất. Hiện Sân khấu Lệ Ngọc và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đang rất trội ở mảng này khi phục trang các vở diễn của 2 đơn vị này đều được các nhà thiết kế thời trang hỗ trợ. Chẳng hạn nhà thiết kế Sĩ Hoàng hỗ trợ trang phục vở Cây tre thần cho Sân khấu Lệ Ngọc.
Một cựu diễn viên của một nhà hát có tên tuổi chia sẻ việc tổ chức biểu diễn ở các nhà hát công lập phải thay đổi nhiều so với trước đây để đáp ứng nhu cầu thực tế, trong đó vai trò của nhà sản xuất rất quan trọng. Nhà sản xuất  nhạc kịch thiếu nhi - bà Hoàng Hường cũng cho rằng các sân khấu kịch, cả công lập lẫn xã hội hóa, đều rất cần những nhà sản xuất sân khấu giỏi để xâu chuỗi tất cả các khâu trong việc tổ chức và đưa sản phẩm đến với khán giả. “Phải có nhiều yếu tố khác nhau để tạo nên vở diễn thành công: truyền thông tốt; quản lý hành chính và quản lý con người tốt, quản lý thời gian tốt. Nếu tính sai thời điểm là sai hết. Chẳng hạn, vở Cô bé bán diêm của chúng tôi nếu chỉ tổ chức chậm một tuần là khán giả có thể giảm nhiều, vì học sinh đi học lại”, bà Hường bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.