Thông tin trên được trang mạng của Lầu Năm Góc công bố vào hôm qua 9.4.
Lực lượng hùng hậu
Theo đó, 2 nhóm tác chiến trên phối hợp hoạt động và có nhiều cuộc tập trận liên hiệp hải quân nhằm hướng tới mục tiêu một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở.
Tàu tên lửa Trung Quốc “rượt đuổi” tàu PhilippinesBloomberg ngày 9.4 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong cho hay bộ này đã chỉ đạo quân đội tiến hành cuộc điều tra về thông tin 2 tàu tên lửa Trung Quốc rượt đuổi tàu chở nhóm phóng viên của Đài ABS-CBN News (Philippines) ở Biển Đông ngày 8.4. Trước đó, ABS-CBN đưa tin khi tàu chở nhóm phóng viên sắp đến bãi Cỏ Mây thì một tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện, di chuyển càng lúc càng gần đến mức có thể nhìn thấy số hiệu 5101 trên thân tàu bằng mắt thường. Để tránh căng thẳng, nhóm phóng viên quay về hướng đảo Palawan của Philippines, nhưng vẫn bị tàu hải cảnh rượt đuổi khoảng một giờ đồng hồ. Sau đó, họ tiếp tục bị 2 tàu tên lửa tấn công nhanh Type 022 thuộc hải quân Trung Quốc rượt đuổi. Văn Khoa
|
Nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ được dẫn đầu bởi tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island (LHD 8), 2 tàu mẹ vận tải đổ bộ USS Somerset (LPD 25) và USS San Diego (LPD 22) cùng thuộc lớp San Antonio có thể mang theo nhiều máy bay vận tải và trực thăng chiến đấu đa nhiệm cùng tàu đổ bộ đệm khí...
USS Makin Island là tàu đổ bộ tấn công thuộc lớp Wasp có chiều dài khoảng 260 m cùng độ choán nước hơn 40.000 tấn, và có thể mang theo chiến đấu cơ tàng hình F-35 nên hoạt động như tàu sân bay.
Cam kết với khu vực
Cùng ngày 9.4, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng có 3 lý do để Washington đưa ra động thái trên.
“Thứ nhất, Trung Quốc đại lục gần đây đang gia tăng áp lực với Đài Loan. Mới nhất, khoảng 15 - 20 máy bay quân sự, bao gồm nhiều máy bay chiến đấu, của Trung Quốc đã xâm nhập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan và liên tục tiến hành các cuộc tập trận. Để ngăn chặn những hoạt động quân sự này của Trung Quốc, Mỹ cần đáp trả”, theo TS Nagao.
Thứ hai, theo ông Nagao, trên Biển Đông, khoảng 200 tàu cá dân binh của Trung Quốc đã hoạt động gần khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN, động thái này có thể nhằm tăng quyền kiểm soát rồi tiến tới xây dựng thêm các thực thể nhân tạo. Để ngăn chặn động thái như vậy, Mỹ cũng cần phải tăng cường hiện diện.
Lý do thứ ba được TS Nagao chỉ ra như sau: “Dự kiến vào ngày 16.4, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp Thủ tướng Nhật Yoshiro Suga tại Nhà Trắng. Vì muốn Nhật Bản chia sẻ gánh nặng an ninh ở khu vực, nên ngược lại Mỹ cũng cần thể hiện cam kết với khu vực”.
Cũng trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) đánh giá: “Việc Mỹ điều động 2 lực lượng tàu chiến phối hợp hoạt động ở Biển Đông nhằm củng cố niềm tin cho các nước Đông Nam Á và Nhật Bản rằng Washington sẽ thực hiện các cam kết về an ninh với đồng minh trong khu vực”.
“Điều này đặc biệt quan trọng khi Bắc Kinh tiếp tục tiến hành chính sách ngoại giao “chiến lang” nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cụ thể, trong giai đoạn này, Trung Quốc đang thực hiện nhiều hành động “cơ bắp” ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan nhằm củng cố hình ảnh trong nước”, PGS Nagy nhận xét và dự báo: “Sắp tới, có lẽ Mỹ sẽ còn tiếp tục tiến hành nhiều hoạt động nhằm nhấn mạnh cam kết đối với khu vực ở nhiều khía cạnh từ ngoại giao, an ninh đến kinh tế”.
Bình luận (0)