Những năm gần đây, giáo viên Việt Nam, nhất là giáo viên tiếng Anh, bắt đầu quan tâm đến phát triển chuyên môn. Điều này thể hiện qua việc ngày càng có nhiều cộng đồng học thuật trên mạng xã hội, hay workshop (buổi trao đổi), webinar (hội thảo trực tuyến) và những trại hè khoa học ngắn hạn. Từ đó, nhiều thầy cô đã chủ động học hè để "nâng cấp" bản thân.
Động lực mở rộng kết nối
Giữa tháng 7, chị Nguyễn Thị Minh Thi, Giám đốc Trung tâm ACE IELTS, đã tạm gác công việc tại TP.HCM, di chuyển lên Đà Lạt để tham gia một trại hè khoa học về phương pháp nghiên cứu, tổ chức trong 3 ngày liên tục. Vì chưa gặp gỡ nhiều giáo viên trong ngành và đôi khi cô đơn trong công việc, chị Thi xem đây là cơ hội để mở rộng kết nối, đồng thời cũng là dịp để nghỉ dưỡng sau một năm học.
"Tôi tham gia lớp về phương pháp nghiên cứu định lượng, chủ yếu học cách phân tích dữ liệu trên phần mềm SPSS. Vì có căn bản từ thời ĐH, tôi không gặp khó khi tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, để học tốt và làm bài tập vận dụng dễ dàng, tôi đều xem trước bài liên quan đến chương trình của giảng viên trước khi vào lớp", chị Thi nói.
Ngoài được học thêm kiến thức, nữ giám đốc cho biết cô đã có cơ hội kết nối thêm nhiều giáo viên trẻ, ham học hỏi và được mọi người hướng dẫn thêm về cách tổ chức lớp học, kết nối với học viên... sao cho hiệu quả. "Hầu như đêm nào tôi cũng trao đổi chuyên môn với các bạn đến 1-2 giờ sáng nhưng vẫn cảm thấy tỉnh táo. Trại hè đã mang lại nhiều giá trị hơn tôi mong đợi", chị Thi bộc bạch.
Theo chị Thi, hiện nay các giáo viên giỏi rất hào phóng chia sẻ kiến thức. Vì lẽ đó, ngoài trại hè khoa học, thầy cô cũng có thể tham gia các hội nhóm học thuật trên mạng xã hội, hoặc những hội thảo trực tuyến, trực tiếp để trao đổi, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ những chuyên gia trong ngành.
Anh Nguyễn Thanh Tân, giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cũng vừa tham gia một trại hè khoa học, mà theo cách gọi của anh là khóa dạy nghiên cứu khoa học ngắn hạn. "Trong trại hè, đối tượng nào cũng có thể theo học và tôi quan sát thấy trong lớp có nhiều thầy cô U.40 vẫn đi học", anh Tân nhớ lại.
Xem việc nghiên cứu và giảng dạy phải song hành, nam giảng viên chọn học về phương pháp phỏng vấn định tính. Anh Tân đánh giá giảng viên đứng lớp dạy dễ hiểu, biết cách liên kết các vấn đề trừu tượng thành sự việc bình dân, tạo niềm yêu thích cho học viên.
"Đợt đó, tôi cũng có cơ hội quen biết thêm nhiều giáo viên và mở rộng kết nối của bản thân. Việc này giúp ích cho công việc rất nhiều, như chúng tôi có thể chia sẻ sách vở, kỹ thuật dạy học hay giúp đỡ lẫn nhau", anh Tân nói, đồng thời kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hội nghị về nghiên cứu dành cho giáo viên trong tương lai.
Cách tổ chức trại hè khoa học hiệu quả
Vừa qua, Mạng lưới hợp tác nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh (TERECONET), nhóm học thuật phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ thầy cô "gặp khó" trong nghiên cứu và giảng dạy, đã tổ chức trại hè khoa học về phương pháp nghiên cứu ngành giảng dạy tiếng Anh đầu tiên tại Việt Nam, thu hút 80 học viên tham gia.
Thạc sĩ Trần Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Giáo dục, ĐH Durham (Anh), cũng là người sáng lập và điều hành mạng lưới, cho biết động lực tổ chức trại hè đến từ mong muốn tạo cơ hội để nhà nghiên cứu kết nối, học hỏi lẫn nhau, và từ thực tế là những hình thức phát triển chuyên môn cho nhà nghiên cứu còn ít, chưa hiệu quả.
"Trong đó, hội thảo chỉ là nơi chia sẻ kết quả nghiên cứu và kết nối, khó có thể học tập vì kiến thức không bài bản và không có đủ thời gian để thấu hiểu, thực hành. Còn những khóa nghiên cứu ngắn hạn thì thường dạy chung chung, hoặc gom nhiều kỹ thuật nghiên cứu vào một khóa duy nhất chứ không tách biệt", anh Vũ lý giải.
Việc giáo viên đi học hè, theo anh Vũ, là cơ hội để các thầy cô kết nối với đồng nghiệp, theo đuổi đam mê, phát triển chuyên môn và học hỏi từ chuyên gia. Tuy nhiên, những kiến thức được trang bị ở trại hè chỉ thực sự hiệu quả nếu mỗi học viên có kế hoạch áp dụng vào thực tế nghiên cứu, cũng như thực hành có bài bản.
"Ngay sau khi hoàn thành khóa học, học viên cần bắt đầu triển khai ý tưởng, duy trì tương tác với chuyên gia để tiếp tục nhận được sự hướng dẫn", thạc sĩ Vũ khuyên.
Mặt khác, để tổ chức trại hè khoa học hiệu quả cho giáo viên, anh Vũ cho rằng có 4 điều cần lưu ý. Thứ nhất, địa điểm tổ chức nên diễn ra ở một thành phố khác nơi mà học viên sinh sống, để các bạn có thể toàn tâm toàn ý học tập và nghiên cứu, thay vì vướng bận chuyện công việc, gia đình...
"Thứ hai, mỗi lớp cần tập trung vào một thiết kế nghiên cứu nhất định và có độ chuyên sâu cao. Tiếp đó, phần thực hành nên được cân đối và tích hợp trong mỗi buổi học, giúp học viên có cơ hội ứng dụng kiến thức hiệu quả. Cuối cùng, phải tạo cơ hội để học viên được kết nối và giao lưu", thạc sĩ Vũ nhìn nhận.
"Lúc đầu, chúng tôi cũng sợ 'ế'. Nhưng không ngờ thầy cô hiếu học vô cùng, các lớp đủ chỉ tiêu chỉ trong 30 giờ đầu và phải mở thêm suất. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề về nghiên cứu khoa học cả trực tuyến lẫn trực tiếp để kết nối nhà nghiên cứu trên cả nước, cũng như tạo cảm hứng để cộng đồng giáo viên cùng học tập, rèn luyện và thực hành nghiên cứu", anh Vũ nói thêm.
Bình luận (0)