Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

Khi tiết kiệm điện trở thành nếp nhà

22/07/2024 10:22 GMT+7

Trong mỗi gia đình đều có những nét văn hóa riêng biệt và mỗi người con trưởng thành đều mang nếp nhà làm hành trang, lấy những giá trị quen thuộc ấy để tạo lập gia đình mới cho riêng mình. Với tôi, việc tiết kiệm điện chính là nếp nhà mà ba tôi đã gìn giữ.

Một ngày cuối tháng 5, trong giải lao giữa giờ làm việc bằng việc xem tin tức, tôi tình cờ thấy dòng tin “Cả nước lần đầu dùng hơn 1 tỷ kWh điện/ngày”. Ngoài câu chuyện cảm thán cho thời tiết nắng nóng khiến lượng tiêu thụ nhiều, tôi lại nghĩ ngay đến ba.

Khi tiết kiệm điện trở thành nếp nhà- Ảnh 1.

Học theo ba, tôi luôn tắt điện và ra ngoài học tập, làm việc mỗi khi có thể

TGCC

Tôi âm thầm cảm nhận và hoài niệm những điều đã đổi thay theo thời gian. Nhưng dù cho còn bé xíu hay trưởng thành, cứ mỗi lần ở trong phòng ban ngày, tôi đều nghe câu ba nhẹ nhàng khuyên bảo: “Có làm gì thì ra ngoài, tắt điện, tắt quạt cho đỡ bí bách, lại vừa tiết kiệm nè con”.

Khi xem tin tức, biết được bóng đèn LED có thể tiết kiệm điện, ba chẳng cần ghi chép như mọi lần mà bắt tay luôn vào hành động. Tôi vẫn nhớ, chiều hôm đó, ba sang ngay chú hàng xóm kinh doanh cửa hàng điện nước, “tậu” ngay bóng đèn led. Cô con gái đứng ở dưới, vịn ghế là tôi chỉ biết siết bàn tay thật chặt để ba đứng vững hơn.

Có rất nhiều điều nhỏ bé nhưng tôi dường như chưa bao giờ nghĩ đến: Ba luôn là người trước đi kiểm tra hết tất cả thiết bị như: ti vi đã rút phích cắm mỗi lần trước khi đi ngủ, hay trước khi ra khỏi nhà. Ba cũng là người phải đến 18 giờ, khi nắng tắt hết mới quyết định bật đèn lên.

Khi tiết kiệm điện trở thành nếp nhà- Ảnh 2.

Hoàng hôn trước hiên nhà, khi ánh đèn điện chưa được thắp lên

TGCC

Cũng chính ba là người dành nhiều ngày trời thuyết phục mẹ tôi lắp đặt năng lượng mặt trời thay vì mua máy nóng lạnh. Vì ba biết về dài lâu, năng lượng mặt trời sẽ giảm chi phí điện đáng kể.

Tôi hay ghẹo ba sao mà “lowteach” (cách nói phổ biến ở công sở hiện nay thì để chỉ khả năng thấp trong việc tiếp cận, sử dụng công nghệ mới), từ thời điện thoại còn bàn phím cho đến khi nhà nhà ai cũng sử dụng smartphone. Nhưng tôi biết, dù không biết muốn chụp cận cảnh thì phải làm sao, ba vẫn luôn biết với điện thoại, sạc pin làm sao là để pin được giữ lâu mà lại tiết kiệm điện. Quy tắc của ba chính là: không sạc điện thoại qua đêm, canh chuẩn thời gian, sạc xong phải rút phích cắm.

Có lần, tôi hỏi ba rốt cuộc thói quen tiết kiệm điện của ba bắt đầu từ khi nào. Ba chỉ trả lời có lẽ từng sống ở thời thiếu điện, thập niên 80 thế kỷ trước, “điện đóm" nào có đầy đủ như bây giờ. Có lẽ, người đã từng thiếu thốn, từng đi qua thời khó khăn, thấy có điện để sử dụng mỗi ngày cũng là quá hạnh phúc.

Vẫn còn một lý do nữa cho câu chuyện tiết kiệm điện mà chính ba bật mí. Trên thực tế, tiết kiệm chi phí sinh hoạt chỉ là một nguyên nhân nhỏ. Ba thấy quạt không sử dụng, bếp nấu đã xong rồi thì phải rút dây điện. Nếu ở nhà mà cứ trong phòng bật đèn thì cảm giác bí bách, thôi thì chọn ra ngoài, còn hít thở được không khí thoáng đãng. Tất cả, đơn giản chỉ là nếu không hành động thì sẽ thấy khó chịu.

Khi tiết kiệm điện trở thành nếp nhà- Ảnh 3.

Nhân viên ngành điện TP.HCM sửa chữa điện đang gặp "sự cố" để bảo đảm thông suốt cho khách hàng

EVN

Khi mô tả về những thói quen tốt của bản thân, cụm từ tiết kiệm điện chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí tôi. Nhưng hình như, tôi lại học được cách sử dụng điện hợp lý mà ba hay dặn. Dường như là bản năng, cứ trước khi đi làm, tôi lại kiểm tra xem có rút hết các thiết bị bếp, quạt hay chưa. Cảm giác áy náy cũng sẽ xuất hiện nếu như tôi vội đi “cày phim” mà quên tắt điện nhà vệ sinh.

Có lẽ, tôi đã bị “lây" cái cảm giác nếu không làm sẽ thấy khó chịu khi không hành động của ba tôi mất rồi. Và tôi biết nếu có thể tiết kiệm, lợi ích chúng ta nhận được còn nhiều hơn thế nữa: giảm rủi ro cháy nổ, bảo vệ môi trường, ổn định cho nguồn cung cấp điện…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.