Tuy từng rất sợ nước và say sóng rất nặng, nhưng như có một nguồn động lực gì đó vô cùng to lớn đã thúc giục đôi chân tôi cứ thế mà bước lên tàu để ra với nơi cách đất liền hàng ngàn hải lý - Trường Sa.
Lần đầu đi, lên tàu, 2 ngày đầu tôi vật vã. Dù nhiều người vẫn bảo "tháng 3 bà già đi biển", nhưng cô gái tuổi còn đôi mươi như tôi ngày ấy lại không thể vượt qua được cơn say sóng. Suốt những ngày đó, tôi chỉ ăn được cơm nắm muối vừng, sợ nhất là mỗi lần nhắm mắt lại cảm giác tàu lắc lư. Tưởng là không xong rồi! Nhưng kỳ diệu thay, sau 2 ngày lênh đênh trên biển, sáng sớm hôm sau, mở mắt ra tôi thấy vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc hiện ngay trước mặt, mọi cảm giác say sóng bỗng dưng biến mất như một phép màu. Và thế là, với bản năng của một người làm báo, tôi vác ba lô, máy ảnh và xuống xuồng vào đảo tác nghiệp.
Năm 2023, lần thứ hai đến với Trường Sa, trong một lần từ xuồng sang đảo, do trúng đợt bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên thời tiết không được thuận lợi, xuồng đang di chuyển bỗng chết máy. Chiếc xuồng lúc đó bị sóng đánh dập dìu lên xuống như con lật đật giữa biển khơi, và có thể bị lật bất cứ lúc nào. Bình thường chắc tôi đã sợ hãi mà hét toáng lên. Nhưng không, tôi rất bình tĩnh đón nhận như một thử thách khi đi biển mà ai cũng phải vượt qua. Chính vì đã tận mắt chứng kiến, cảm nhận và thấu hết được bản lĩnh, ý chí kiên cường của các cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, nên trong chúng tôi, ai cũng như được tiếp thêm sức mạnh để bền dạ hơn. Thế là chúng tôi đã cùng hát vang những ca khúc về tuổi trẻ, về thanh xuân tươi đẹp trên biển, trên đảo để tiếp thêm tinh thần cho các anh thủy thủ cố gắng sửa cho máy xuồng nổ trở lại, trong lúc chờ đội xuồng khác đến trợ giúp.
Nếu nhắc đến các chuyến hải trình Trường Sa, điều khiến tôi nhớ nhiều nhất có lẽ là biệt danh "MU" mà mọi người trong đoàn hành trình đặt cho tôi. Biệt danh này không phải vì tôi mê đội bóng đá M.U của nước Anh, mà "MU" chính là "mít ướt". Mỗi lần chia tay đảo Trường Sa Lớn, tôi đều khóc rất nhiều, nhất là khi nghe được những lời của trái tim rằng "Trường Sa vì cả nước", "Cả nước vì Trường Sa" vọng từ cầu cảng vào boong tàu và từ boong tàu vọng ngược sang cầu cảng.
Có thể nói Trường Sa đã lấy đi của tôi rất nhiều nước mắt. Đó là những giọt nước mắt của sự tự hào, của lòng kính phục, của tình yêu tôi dành cho nơi cách đất liền hàng ngàn hải lý. Và đó còn là những giọt nước mắt của sự thúc giục trong mỗi người trẻ như chúng tôi để tiếp tục mang những khát vọng giữa biển lớn biến thành hành động, việc làm cụ thể đóng góp cho đất nước mình khi về với đất liền.
Tôi thật sự rất may mắn. Không phải chỉ vì đã 3 lần được đến Trường Sa mà còn vì trên mỗi chuyến hải trình đó, tôi đã gặp gỡ những con người khiến chúng tôi thấy mình còn quá nhỏ bé. Tôi đã từng gặp một người lính đảo trước đây cũng là thành viên đoàn Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" ra với Trường Sa. Sau hải trình đó, vì cũng muốn mình được như những tượng đài thanh xuân bất khuất nơi đầu sóng ngọn gió, anh đã đăng ký tình nguyện ra cống hiến sức trẻ tại các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Hay như tháng 5.2024 vừa rồi, tôi gặp lại một công nhân đèn biển canh giữ ngọn hải đăng tại Nhà giàn DK1/8, người mà cách đây 7 năm tôi từng gặp tại ngọn hải đăng Nam Yết. Tính đến thời điểm hiện nay, anh đã có hơn mười mấy năm gắn bó với các ngọn hải đăng trên đảo. Không chỉ vậy, cả em trai ruột của anh cũng mười mấy năm chọn đảo là nhà, biển cả là quê hương. Lúc chia tay anh tại Nhà giàn DK1/8, anh lại hẹn tôi lần gặp tiếp theo vẫn sẽ tại một điểm đảo nào đó ở Trường Sa chứ chưa phải là đất liền.
Những cán bộ, chiến sĩ ở nơi đầu sóng ngọn gió luôn là vậy. Các anh chỉ sợ về già sẽ không còn chịu được sóng, được gió nên đã chọn cống hiến cả thanh xuân cho chủ quyền vững chắc của biển, đảo Tổ quốc.
Trở về sau mỗi chuyến hải trình đến với Trường Sa, với tất cả xúc cảm và tình yêu dành cho nơi ấy, thông qua ngòi bút, tôi luôn cố làm tốt nhất có thể để cùng lan tỏa sự thiêng liêng ấy, rằng chúng ta luôn có một quê hương nước Việt hiện hữu trên biển, đảo Trường Sa với những con người kiên trung, những thanh xuân bất khuất đang ngày đêm giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.
Và lại thật may mắn, khi "nhịp con tim" của thế hệ trẻ hướng về Trường Sa chuyển tải trong các bài viết của tôi đã được sử dụng đưa vào đề thi môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM hồi đầu tháng 6 này với chủ đề "Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình". Tôi tin rằng từ đây, tình yêu biển, đảo Tổ quốc sẽ còn được lan tỏa nhiều hơn, rộng hơn và sâu sắc hơn trong trái tim của mỗi người trẻ. Khi các bạn, các em cảm nhận được rằng Trường Sa luôn trong trái tim chúng ta, nên nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình. Vì nơi đầu sóng ngọn gió ấy, luôn có các anh đang ngày đêm quên thanh xuân của mình để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Là ở đất liền có những người mẹ, người cha, người vợ luôn hướng về các anh. Và cả những người trẻ chúng ta, trái tim luôn hướng về nơi ấy - chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, Tổ quốc.
Bình luận (0)