Khi trẻ khò khè

29/08/2015 05:00 GMT+7

Ở các giai đoạn giao mùa, sự thay đổi đột ngột về thời tiết thường khiến trẻ em bị khò khè, khó thở. Chớ xem thường, đấy có thể là dấu hiệu của hen phế quản.

Ở các giai đoạn giao mùa, sự thay đổi đột ngột về thời tiết thường khiến trẻ em bị khò khè, khó thở. Chớ xem thường, đấy có thể là dấu hiệu của hen phế quản.

Khi trẻ khò khèẢnh: Shutterstock
Sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm trong không khí tạo điều kiện cho các loại vi rút phát triển và cũng tạo nên những tác động lớn đối với cơ địa con người. Theo các chuyên gia y tế, bệnh hen phế quản gia tăng trong các thời điểm chuyển mùa, chẳng hạn ở miền Bắc là khi khí hậu đang nóng ẩm chuyển qua se lạnh hoặc ngược lại; ở miền Nam có sự thay đổi khí hậu giữa mùa mưa và mùa khô hoặc thời tiết bất thường lúc mưa lúc nắng. Ở các đô thị lớn như TP.HCM, do áp lực về mật độ dân số và phát triển công nghiệp khiến gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ viêm nhiễm, lây lan vi rút càng cao, tình trạng hen phế quản ở trẻ em và cả người lớn cũng ngày càng nghiêm trọng.
Thống kê cho thấy bệnh hen phế quản rất phổ biến ở VN, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Theo thông tin từ Bệnh viện Phổi trung ương vào tháng 7.2015, kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy cả nước có gần 4 triệu người mắc bệnh hen, trong đó mỗi năm có khoảng 3.000 - 4.000 người chết.
Những yếu tố nguy cơ
Hen phế quản (còn gọi là suyễn) là một bệnh hô hấp mạn tính, với đặc trưng là tình trạng viêm niêm mạc đường thở dẫn đến phù nề, co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhầy, tăng tính phản ứng phế quản. Bệnh hen xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ở tất cả các quốc gia trên thế giới mà VN là một trong những nước có nhiều người mắc bệnh.
Cách phòng ngừa hiệu quả nhất, theo bác sĩ Lê Bá Quang, là tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tốt bệnh hen, dập tắt các cơn hen phế quản. Kiểm soát tốt bệnh hen là làm cho các triệu chứng không xuất hiện nữa dù trẻ có tiếp xúc với các yếu tố khởi phát bệnh.
Người bị bệnh hen không được hút thuốc, tránh xa khói thuốc lá. Bụi bặm trong nhà là tác nhân khiến bệnh phát khởi hoặc làm bệnh nặng thêm; mùi hương, khói nhang, hóa chất là yếu tố kích thích hen và khó thở, bệnh nhân nên tránh. Bên cạnh đó, lông chó mèo, phấn hoa... cũng là những tác nhân có hại.
Hiện y học vẫn chưa xác định rõ ràng nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Bá Quang, chuyên khoa I Lao và bệnh phổi Bệnh viện An Sinh (TP.HCM), bệnh hen phế quản có yếu tố di truyền rất mạnh. Các nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy, nếu bố hoặc mẹ bị hen thì con cái có khả năng mắc bệnh rất cao (từ 25 - 30% nguy cơ mắc bệnh); nếu cả bố và mẹ mắc bệnh hen thì con có nguy cơ mắc bệnh là 50 - 60% còn nếu cả bố và mẹ không bị hen, nguy cơ này chỉ chiếm 5 - 10%.
Bên cạnh đó, có nhiều bệnh lý liên quan chặt chẽ tới hen phế quản như viêm mũi xoang dị ứng, chàm, nổi mề đay. Môi trường nhiều bụi bặm, khói thuốc lá... cũng góp phần khiến bệnh hen trầm trọng thêm. Những yếu tố nguy cơ trên sẽ làm những trẻ em có sẵn yếu tố di truyền từ gia đình dễ tương tác với môi trường tạo nên các biểu hiện của bệnh hen phế quản. Ở những trẻ đã có biểu hiện bệnh hen phế quản thì sẽ dễ làm khởi phát các cơn hen hoặc làm trầm trọng thêm mức độ bệnh hiện có của trẻ, khiến cho bệnh trở nên mất kiểm soát.
Bác sĩ Lê Bá Quang cho biết dấu hiệu nghi ngờ trẻ em bị hen phế quản gồm có: khó thở kèm khò khè tái diễn nhiều lần, khó thở về đêm hoặc lúc sáng sớm, khò khè kéo dài, ho kéo dài, ho hoặc khó thở khi gắng sức, khi chơi thể thao. Trẻ có thể có một hoặc kết hợp nhiều triệu chứng khác nhau tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Bệnh hen phế quản là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, để lại nhiều di chứng nghiêm trọng, như còi, kém phát triển thể chất, giảm năng lực học tập, ảnh hưởng tới tâm lý, trầm cảm do tự ti khi bị bệnh nhiều lần. Trong hen cấp có thể xảy ra những biến chứng: suy hô hấp cấp, có thể gây ra tử vong vì nghẹt thở, không thở trong vài phút mà không được cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, còn có thể có biến chứng khác như: tràn khí phế nang do ho, ép ngực hoặc do gắng sức để thở. Trẻ càng nhỏ, nguy cơ tử vong càng cao.
Về lâu dài, hen phế quản có thể gây ra giãn phế nang, khí phế thủng, chuyển sang tâm phế mãn (tức là bị tắc đường hô hấp rồi dẫn đến suy tim phải). Khi đó, người bệnh vừa bị khó thở do viêm đường hô hấp và vừa suy tim phải, rất dễ dẫn đến tử vong.
Kiểm soát và điều trị
Bác sĩ Lê Bá Quang cho hay, dù y học chưa xác định rõ ràng nguyên nhân gây bệnh và bệnh hen phế quản không thể chữa dứt điểm, nhưng hiện nay đã có nhiều tiến bộ đạt được trong nghiên cứu về phát hiện và điều trị bệnh hen. Theo đó, trẻ nhỏ dưới 6 tuổi có nhiều khả năng được kiểm soát tốt về bệnh hen phế quản nếu được chẩn đoán đúng từ sớm và kiểm soát hen hiệu quả ngay từ khi có các triệu chứng đầu tiên.
Hiện nay, trong chương trình quản lý hen phế quản tại nhà, cha mẹ đều được hướng dẫn cách nhận biết các yếu tố khởi phát cơn hen ở trẻ, dấu hiệu sớm của cơn hen. Cha mẹ của những trẻ bị bệnh cũng được trang bị các dụng cụ cá nhân cần thiết để có thể tự cấp cứu ở nhà cho trẻ. Trong điều trị hen hiện có 2 loại thuốc chủ yếu: thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen. Trong điều trị, nếu xuất hiện những cơn khó thở thì ta phải dùng thuốc cắt cơn. Khi có dấu hiệu ho, khò khè, cần dùng ngay lập tức, xịt vào họng bệnh nhân, người sử dụng tự xịt vào họng của mình, cứ 20 phút xịt từ 2 đến 4 lần. Sau đó, nếu bệnh nhân ổn định, nên giãn thời gian xịt ra từ 3 đến 4 tiếng sau mới xịt 1 lần và xịt tiếp 2 ngày nữa cho hết hen, khi đó mới thôi và chuyển sang dùng thuốc dự phòng.
Khi đã bị bệnh hen, người bệnh hoặc người nhà nên ghi nhật ký triệu chứng hằng ngày để đánh giá tiến triển của bệnh và kết quả điều trị. Khi hen đã được kiểm soát, người bệnh nên khám định kỳ tại bác sĩ chuyên khoa.
Người bị bệnh hen nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế ăn những thức ăn gây dị ứng cho cơ thể. Cần tập thể dục đều đặn tùy theo thể trạng từng người để tăng cường sức đề kháng, nhất là tập thở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.