(TNO) Nhiều người không khỏi bất ngờ trước khả năng múa hát của trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển khi đến với chương trình 'Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ' diễn ra tại TP.HCM vào ngày 2.4.
Em Võ Trần Trung Hiếu (Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc) đứng hát trước đám đông - Ảnh: Như Lịch
|
Một trong những bất ngờ lớn chính là trường hợp của em Võ Trần Trung Hiếu (Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc). Bởi, Hiếu vốn là cậu bé nhút nhát, ai hỏi gì cũng thường cúi gầm mặt trả lời lí nhí. Vậy mà sáng nay, Hiếu như “lột xác” khi hát trọn vẹn bài hát Quê hương tuổi thơ tôi với giọng ca trầm ấm, truyền cảm. Hâm mộ giọng hát và sự tự tin của Hiếu, các “fan” gồm M.C Thanh Bạch, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm và một số phụ huynh, giáo viên đã ngẫu hứng kéo lên sân khấu nhiệt tình múa phụ họa cho Hiếu.
Cũng trong chương trình, các em học sinh Trường chuyên biệt Khai Trí đã trình bày liền mạch liên khúc Người thầy - Thầy cô cho em mùa xuân và múa dân vũ Té nước. Bên cạnh đó, còn có nhiều tiết mục được tập luyện khá công phu như: Liên khúc Ngày đến trường - Chào bạn mới đến - Hello Hello - Chúc một ngày vui (nhóm Aikido - Thế giới là yêu thương); Con heo đất (Trường chuyên biệt Hồng Phúc); hoạt cảnh Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Trường chuyên biệt Từng Bước Nhỏ); biểu diễn thời trang Ước mơ của bé yêu (Trường chuyên biệt Ước mơ). Đặc biệt, các em nhỏ và nhân viên Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật TP.HCM trình diễn rất nhiều tiết mục múa - hát - kịch...
Dù ở thể loại nào, mỗi tác phẩm các em biểu diễn đều như thấm đẫm tình thương yêu của những thầy cô giáo và của cả những bậc phụ huynh.
Dưới sự hướng dẫn tận tâm của võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan (thứ hai, từ trái sang), những em khuyết tật trong nhóm "Aikido - Thế giới là yêu thương" đã tự tin thể hiện nhiều khả năng của mình - Ảnh: Như Lịch
|
Dõi theo chương trình từ đầu đến cuối, chị Tô Thị Nội (ngụ quận 9, TP.HCM, có con trai bị rối loạn ngôn ngữ), cho biết phải khó khăn lắm chị mới thuyết phục được chồng chở hai mẹ con chị đến đây sinh hoạt. Chị bày tỏ: “Thực sự phụ huynh nào cũng muốn con mình hoàn hảo, khỏe mạnh, nên họ khó lòng chấp nhận khiếm khuyết nào đó ở con. Đặc biệt ở vùng nông thôn, vẫn còn nhiều gia đình do không có điều kiện hoặc chưa hiểu đúng về chứng tự kỷ, đã giữ con trong nhà, khiến cho trẻ không được hòa nhập. Tôi mong những chương trình như thế này được nhân rộng hơn nữa và nhất là đến được ở vùng nông thôn”.
Được biết, hoạt động trên do Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật TP.HCM và một số trường chuyên biệt tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân về chứng tự kỷ. Các thông điệp chương trình này muốn chuyển tải là: Trẻ tự kỷ cũng là trẻ em; Hãy thấu hiểu, yêu thương và chia sẻ với trẻ tự kỷ; Tự kỷ không phải do cha mẹ trẻ gây nên; Hãy giang rộng tay đón nhận để trẻ tự kỷ có cơ hội hòa nhập xã hội; Thắp đèn xanh vì trẻ tự kỷ...
Bình luận (0)