Khi tuyển Ý trở về với bản ngã

08/07/2021 07:00 GMT+7

Tuyển Ý trả được món nợ họ đã vay trước Tây Ban Nha trong trận chung kết EURO năm 2012 bằng chiến thắng nghẹt thở trên chấm đá luân lưu 11 m. Đó là một thành quả hết sức ngọt ngào và quan trọng hơn nó giúp đội quân thiên thanh góp mặt ở trận chung kết sau 9 năm dài đằng đẵng.

 

Ý thua trong cuộc chiến kiểm soát bóng

Trước khi trận đấu diễn ra, người ta đã nói nhiều về cuộc chiến này, rằng Ý sẽ gây vô vàn khó khăn cho Tây Ban Nha với lối chơi pressing tấn công rực lửa, rằng Azzurri sẽ bắt La Roja phải cuốn theo lối chơi tốc độ bùng nổ như những cơn cuồng phong màu thiên thanh như những đối thủ trước đó. Nhưng tất cả đã nhầm, Tây Ban Nha vẫn cho thấy vì sao họ được mệnh danh là đội bóng kiểm soát bóng số 1 thế giới.
Kiểm soát bóng ở đây không chỉ là giữ trái bóng lâu lên tới 65 - 70% mà là kiểm soát để không cho đối thủ có bóng để chơi, không để đối thủ triển khai được lối chơi sở trường của mình. Về lý thuyết, đơn giản là như thế, nhưng nếu lối chơi kiểm soát bóng chuyền qua chuyền lại không có mục đích, không ở trình độ cao thì rất dễ để mất bóng và dẫn đến những tình huống tấn công trực diện của đối phương. Nhưng rõ ràng, khả năng kiểm soát bóng của Tây Ban Nha ở một đẳng cấp rất cao. Nó dựa trên kỹ thuật cá nhân điêu luyện của từng cầu thủ, dựa trên khả năng phối hợp nhuần nhuyễn của từng nhóm cầu thủ.
Có nhiều thời điểm, cảm giác như các tuyển thủ Tây Ban Nha đang đá ma với các cầu thủ Ý, họ giữ trái bóng chắc, chuyền cạnh chân, chuyền xâu kim, chuyền vặn sườn khiến đối phương bất lực trong việc giành bóng. Và điểm khác biệt trong cách vận hành đội bóng của Enrique năm nay là thứ bóng đá kiểm soát bóng có nhịp điệu hoàn hảo. Các pha lên bóng không quá nhanh, nhưng lại tạo nên những màn phối hợp nhuần nhuyễn bằng những đường chuyền vừa vặn vào khoảng trống phù hợp với thời điểm di chuyển của đồng đội.

Ý đá phản công

AFP

Trong lối chơi này, chất lượng đường chuyền và khả năng xử lý bóng trong phạm vi hẹp là mấu chốt để tạo nên sự khác biệt. Và trong trận đấu với tuyển Ý, Sergio Busquets và các đồng đội đã làm tất cả mọi thứ tuyệt vời trừ những tình huống dứt điểm cuối cùng. Kiểm soát bóng vượt trội, thực hiện 934 đường chuyền (chính xác 833 = 89%); tổ chức 67 đợt tấn công và tung ra tới 16 pha dứt điểm (4 trúng đích, 7 ra ngoài và 5 bị chặn lại). Nhưng cuối cùng thì chỉ có thể ghi được 1 bàn của Morata trong thế bị dẫn trước. Nếu Olmo, Oyarzabal sắc sảo, chính xác hơn trong những nhịp dứt điểm trước đó thì có lẽ Tây Ban Nha đã không vất vả đến thế.

Nhưng chiến thắng nhờ bản ngã “Cantenacio”

Vì Tây Ban Nha đã chơi một thứ bóng đá kiểm soát bóng đỉnh cao, thế nên cho dù Ý là đội bóng có lối chơi mạnh mẽ và tốc độ, có khả năng pressing giành bóng cường độ cao số 1 ở giải đấu này thì Jorginho và đồng đội cũng phải chạy đuổi bóng suốt cả trận đấu. Cả trận, tuyển Ý đã phải di chuyển tới 145,64 km (nhiều hơn 3 km so với Tây Ban Nha 142,02 km), họ cũng chỉ có được 22 cơ hội tấn công và 7 pha dứt điểm. Lép vế hơn so với đối thủ và cũng kém xa những chỉ số của chính họ từ đầu mùa giải.

Tranh chấp quyết liệt

AFP

Nhưng quan trọng là ở thời điểm quan trọng nhất của trận đấu thì Azzurri đã kịp trở về với bản ngã của mình, đó là lối chơi phòng ngự mang thương hiệu “Cantenacio” và những tình huống phản công nguy hiểm. Một trong những điểm mấu chốt mang đến thành công cho Ý trong trận này là khả năng thích nghi và sự ứng biến của các cầu thủ trên sân. Khi không thể triển khai lối chơi tấn công rực lửa như những trận đấu trước đó thì các tuyển thủ Ý biết thu mình lại, biết tích cực săn bóng, đuổi bóng và tập trung phòng ngự.
May mắn cho HLV Mancini là ông vẫn còn có những cầu thủ chất lượng ở mặt trận này: bộ đôi giáo sư già: Chiellini - Bonucci đã trải qua một trận đấu sóng gió nhất ở mùa giải này nhưng cuối cùng cũng đã chỉ huy hàng phòng ngự đứng vững trước những đợt tấn công của Tây Ban Nha, có Di Lozenro và Emerson cố gắng khóa 2 biên. Có Jorginho bền bỉ, tập trung, kiên trì nơi trung tuyến. Có Donnarumma, chốt chặn đáng tin cậy nhất nơi khung thành. Những nhân tố đó đã giúp tuyển Ý dù lép vế nhưng vẫn có sự chủ động trong mặt trận phòng ngự rồi từ đó triển khai những tình huống phản công nguy hiểm.
Thành công nhất của ông Mancini trong trận này là sử dụng Chiesa như một mũi tấn công ảo, như một họng súng trong tay áo. Tiền đạo của Juventus đã không còn bám biên như thường lệ mà thường xuyên di chuyển vào trung lộ như một tiền đạo “số 9” ảo. Khi Immobile bị bắt bài, bị vô hiệu hóa thì tốc độ, sự càn lướt và khả năng dứt điểm như dao cạo của Chiesa đã trở thành vũ khí nguy hiểm nhất của Ý. Bàn thắng của “số 14” là tiêu biểu cho tình huống phản công nhanh, chính xác đến từng nhịp phối hợp và xử lý cá nhân của các cầu thủ. Pha gạt má ngoài và cứa lòng góc xa của Chiesa là bản sao của các bậc tiền bối Roberto Baggio hay Del Piero, kỹ thuật và đẹp mắt nhưng thậm chí là quyết đoán, tốc độ và đột biến hơn.

Niềm vui của Chiesa sau khi ghi bàn

Reuters

Khi kết thúc trận đấu, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Tây Ban Nha chơi hay hơn và cũng rất xứng đáng thắng. Điều đó không sai, nhưng nếu nói Ý chiến thắng may mắn thì cũng không hẳn. Bóng đá là như vậy, đó là kết quả của rất nhiều phép tính, nhiều bước đi, nhiều quyết định trong những thời điểm nhạy cảm nhất. Ý gặp khó, không thể chơi tấn công rực lửa thì lại biết quay về bản ngã “Cantenacio” thực dụng và hiệu quả của mình. Nó cho thấy Rorbeto Mancini vẫn có những tính toán chính xác và các học trò của ông đủ tài năng, đủ bản lĩnh để thực hiện những yêu cầu của đội bóng. “The winner takes it all”, nhưng người chiến thắng trận chiến cuối cùng mới là người giành cúp. Hy vọng Ý sẽ kịp hồi phục, kịp hoàn thiện để trở thành nhà vô địch xứng đáng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.