Khi ước mơ ngày tết là... được đi học

Thúy Hằng
Thúy Hằng
14/01/2023 06:05 GMT+7

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã đến cận kề. Học sinh bắt đầu nghỉ tết, nhưng đâu đó vẫn còn những em nhỏ sớm mưu sinh chỉ có ước mơ: được đi học, được biết chữ.

Tự dạy nhau học đếm

Ngã tư Nguyễn Văn Linh - Trịnh Quang Nghị, xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM những ngày cuối năm đông đúc hơn bình thường. Trước những xe bán chuối chiên, cà phê ở số D20/123 đường Nguyễn Văn Linh, một người phụ nữ đang loay hoay bên cạnh chiếc bàn xếp đầy những tờ vé số và một đàn con lít nhít. Một cậu bé nhỏ nhất ngồi cạnh mẹ, quần áo lấm lem. Còn lại, mấy em bé khác mỗi em cầm vài tờ vé số tản ra khắp nơi để mời người qua lại.

Kể với chúng tôi, người phụ nữ cho hay mình tên Tuyền, quê ở H.Cái Bè, Tiền Giang, đã 2 lần lấy chồng và có tổng cộng 9 người con. 3 người con đầu đã lớn và đi làm ở quê, còn lại một mình chị và 6 đứa con nhỏ dắt díu, bồng bế nhau lên TP.HCM này mưu sinh mới 3 tháng nay. Ở Tiền Giang, chị cũng kiếm sống bằng bán vé số. Hiện mấy mẹ con chị đang ở thuê trong một gian nhà trọ, giá tính cả tiền nhà, điện, nước là 1,5 triệu đồng trong xã Phong Phú.

Văn Thị Cẩm Tiên trong gian nhà trọ, em chỉ mong sang năm mới có nhiều đơn hàng để làm thêm có tiền, tiết kiệm đi học

“Sáng tôi phụ người ta bán bánh chuối chiên, anh đó ở kế bên phòng trọ thấy tôi khổ quá nên cho tôi làm phụ để kiếm thêm. Xong việc thì tôi bán vé số. Ngày được nhiều, ngày được ít, ngày nhiều nhất mấy mẹ con kiếm được 300.000 sống qua ngày”, chị Tuyền kể.

Chị Tuyền cho biết trời cho sao thì để vậy, nên cả đàn con cứ thế theo nhau ra đời. Hỏi tên 6 đứa con sàn sàn nhau đang phụ mẹ bán vé số, chị Tuyền cười ngại ngùng rồi liệt kê một lượt: Trần Thị Quỳnh Hoa 12 tuổi, Trần Văn Đạt 9 tuổi; Trần Văn Danh 7 tuổi, Trần Văn Hận 6 tuổi, Trần Văn Nghĩa 4 tuổi, Trần Hồng Thắm 3 tuổi.

Mặt mũi khôi ngô, sáng sủa, cậu bé Trần Văn Đạt cầm xấp vé số mời những người đang dừng đèn đỏ ở ngã tư. Thấy cậu bé lanh lợi, nhiều người mua giúp. Một khách hỏi còn số 39 (xổ số có 2 số cuối là 39 - PV) không, Đạt nhanh nhảu cầm xấp vé có số 93 đến, khách lắc đầu. Chị Tuyền tâm sự: “Ở quê đông con, cuộc sống đã khó khăn, bây giờ mới từ quê lên TP.HCM, chưa làm được giấy tờ cho các con nên cả 6 đứa chưa bé nào được đi học, cũng chưa đứa nào biết chữ”. Khi được hỏi, vậy làm sao bán được hàng, thu được tiền, chị kể thêm: “Chúng mới chỉ tự học đếm số, rồi dạy lại cho nhau, đếm lúc đúng lúc không, nhưng mà biết tính tiền. Tôi cũng không được đi học ở trường, có người dạy xóa mù chữ cho thôi”.

Các em bé Hoa, Đạt, Danh, Hận phụ mẹ bán vé số trên đường Nguyễn Văn Linh, các bé đều ước mơ được đi học

Bé Trần Văn Đạt cho hay việc len lỏi giữa các xe máy ở ngã tư bán vé số đã quen, dù đôi khi trượt chân té chút đỉnh. Em kể nhiều khách mua vé số hỏi còn vé đài này, đài kia không, em không đọc được chữ nên đành phải đưa hết cho khách lựa. Có lần khách đưa cho mấy tờ tiền mệnh giá 500 đồng, Đạt không biết đó là số bao nhiêu, phải chạy lại hỏi mẹ đó có phải là tiền và tiêu được không. “Con thích đi học, thích được biết chữ như các bạn, nhưng không được. Chị con đã 12 tuổi nhưng cũng không được đi học”, Đạt nói.

Tết Nguyên đán 2023 sắp đến, nhiều nhà ngược xuôi sắm tết, chuẩn bị về quê, mấy mẹ con chị Tuyền cũng hối hả, chạy sấp ngửa bán vé số mong bán được nhiều hơn để đủ tiền mua gạo, thịt cho các con ăn hằng ngày. Cả mấy mẹ con không ai nghĩ đến việc được về quê. Khi được hỏi điều ước lớn nhất năm mới này là gì, mấy đứa trẻ bẽn lẽn nhìn nhau cười. Hoa và Đạt, em bé 12 tuổi và 9 tuổi thì đáp rất nhanh: “Con mong được đi học, đọc được chữ”.

Tết buồn ở xóm trọ

Đã 13 năm ở trọ trong dãy nhà tổ 2, ấp 3, xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM nhưng với bà Nguyễn Thị Ánh, 53 tuổi, quê ở xã An Quảng Hữu, H.Trà Cú, Trà Vinh, tết năm nay ảm đạm hơn rất nhiều. Công nhân mất việc trước tết nên đã về quê gần hết, xóm trọ vắng tanh. Con gái và con rể đi làm mướn, phụ hồ ở TP.HCM, bà Ánh ở nhà trông coi các cháu, bé trai tên L.B.D, học lớp 7 tại Trường THCS Bình Chánh, bé gái mới 2 tuổi.

Dãy nhà trọ ở H.Bình Chánh buồn hiu khi công nhân thất nghiệp trước tết, về quê từ sớm

Thúy Hằng

Bà Ánh kể: “Mọi năm gần tết là nhiều việc lắm, mấy đứa con tôi làm không hết, được chủ lì xì cho thêm tiền ăn tết. Năm nay thì đói rồi, 1 tháng làm 10 ngày, nghỉ 20 ngày. Tết này xác định về quê mà không có quà bánh, lì xì gì cho bà con, sắp nhỏ ở nhà”, bà Ánh thở dài.

L.B.D, cháu ngoại của bà Ánh, là học sinh khá, rất có năng khiếu về thể thao, được các giải thưởng về môn bóng ném, bóng đá ở trường. L.B.D kể tết này mới được ba mẹ mua cho một bộ đồ mới, giá 160.000 đồng, còn em gái thì chưa có món đồ mới nào. Ba mẹ đi làm về hay than thở là năm nay khó khăn hơn, tiền kiếm được ít hơn. “Em chỉ mong ba mẹ khỏe, em ráng học. Ước mơ của em là trở thành cầu thủ giỏi, sau này có thể lo cho bà ngoại, cho ba mẹ”, L.B.D kể về ước mơ năm mới.

Tết sẻ chia với học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Với đặc thù là huyện ngoại thành TP.HCM, có nhiều trẻ em diện nhập cư, theo cha mẹ từ các tỉnh thành về thành phố mưu sinh, H.Bình Chánh có nhiều hoạt động sẻ chia với trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi Tết Nguyên đán 2023 đến cận kề.

Chiều 12.1, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM đã tổ chức ngày hội “Áo mới ngày xuân”. Ông Huỳnh Thanh Long, Phó chủ tịch MTTQ VN xã, cho biết năm nay trao tặng 132 phần quà gồm quần áo mới, bánh kẹo, thực phẩm… tới 132 học sinh từ các hộ nghèo, cận nghèo, học sinh lớp phổ cập tiểu học của xã. Đây là hoạt động nhân ái, sẻ chia với học trò khó khăn ở địa phương diễn ra trong nhiều năm qua.

Anh Lê Tuấn Dũng, Bí thư Đoàn thanh niên xã Bình Chánh, cho biết ngày 14.1 (23 tháng chạp), tại Trường tiểu học Bình Chánh, xã Bình Chánh diễn ra Ngày hội tết Việt do ban giám hiệu nhà trường cùng Đoàn thanh niên xã Bình Chánh phối hợp thực hiện. Cùng ngày, Đoàn khối viên chức Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ trao 20 phần quà tới 20 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã…

Trong khi đó, ở dãy trọ kế bên, cô bé Văn Thị Cẩm Tiên, 17 tuổi, quê ở H.Tháp Mười, Đồng Tháp khuôn mặt buồn hiu vì vừa bị mất việc làm thời vụ cuối năm. Ba làm công nhân ở một công ty phân bón ở Bình Chánh, mẹ là công nhân may ở Công ty Thuận Phương, Tiên chưa đủ 18 tuổi nên chỉ được nhận các công việc thời vụ của công ty này. Tuy nhiên trước Tết Nguyên đán này, đơn hàng ít, Tiên không còn việc làm, không kiếm được thêm đồng nào phụ ba mẹ.

Tiên mới chỉ học hết lớp 9, dưới em còn một bé gái đang học lớp 5, sống cùng bà ngoại ở quê. Tiên kể rất muốn được đi học tiếp, hành trình đi xin việc với một nữ sinh không bằng tốt nghiệp THPT hay bất cứ chứng chỉ nghề gì đều rất khó khăn. “Em chỉ mong sao sau Tết Nguyên đán tình hình kinh tế khả quan hơn, em có nhiều đơn hàng hơn để có thể kiếm tiền, nuôi được bản thân, tiết kiệm để học một cái nghề nào đó”, Tiên ngậm ngùi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.