Khi vợ chồng không thể 'đóng cửa bảo nhau'

04/01/2017 14:24 GMT+7

Phụ nữ Việt Nam vốn được “thừa hưởng” cái truyền thống cam chịu, nhịn nhục, sống hết lòng vì con, hết mực cung phụng chồng mà không cần biết những hy sinh đó có đáng hay không?

Nên, khi người phụ nữ đã đưa đơn ra tòa ly hôn, nghĩa là cuộc hôn nhân của họ đã trải qua một quá trình rất dài không cứu vãn được. Tờ đơn ly hôn, trong một số trường hợp, nó như lá đơn cầu cứu gởi đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ở cấp hòa giải ở cơ sở (ở phường), dù là có nhiều đại diện của nhiều hội, nhiều tổ này kia, trong đó có đại diện của hội phụ nữ phường, nhưng hình như vai trò của người này không đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của tầng lớp mà họ đang đại diện.
Dù trong lá đơn yêu cầu được ly hôn, người vợ đã viết rất rõ những nguyên nhân là do bạo hành, có thể bạo hành tinh thần hay bạo hành thể xác, nhưng dù là loại bạo hành nào thì nó cũng là thứ khiến cho người vợ, người mẹ cảm thấy rằng mình không còn đủ sức sống chung một mái nhà với người đàn ông đó, chấp nhận mất mát, chấp nhận đánh đổi để ly hôn. Nhưng khi được mời đến phường hòa giải, thì ban hòa giải làm đúng nghĩa đen của hai từ “hòa giải”, là khuyên hai người trở về sống với nhau, chín bỏ làm mười, đúng như những gì ông bà ta xưa đã dạy. Mà không quan tâm tới việc, khi người phụ nữ đó trở về, họ đối diện với điều gì trong ngôi nhà mà họ đã quyết tâm ra đi, những trận bạo hành có thể tiếp diễn ở mức độ tàn bạo hơn và nguy hiểm đến tính mạng. Lúc đó, không ai trong hội phụ nữ hay công an có thể bảo vệ họ kịp thời.
Thiết nghĩ, nếu luật nghiêm, thì khi nhận một lá đơn ly hôn (thường thì những phụ nữ nông thôn chưa biết đến đơn tố cáo bạo hành, trừ khi họ phải nhập viện và giám định thương tật vĩnh viễn), ở ngay cấp cơ sở, hội phụ nữ, kết hợp với công an phường xác minh ngay xem có đúng là người phụ nữ trong gia đình đó đang bị bạo hành hay không, và cần thiết thì phải cách ly theo đúng tinh thần của luật quy định.
Bạn tôi ở một nước phương Tây, kể rằng, ở nước họ, chỉ cần người vợ gọi điện thoại báo cảnh sát, tôi bị chồng đánh. Năm phút sau, cảnh sát có mặt và mang người chồng về đồn mà không cần bằng chứng, sau đó tính tiếp. Vì vậy, người phụ nữ rất an toàn trong chính ngôi nhà của họ vì họ được bảo vệ bởi luật pháp. Nếu người vợ vu khống chồng, thì luật cũng có điều luật riêng mà xử lý sau đó.
Quê tôi, có ông chồng say xỉn quanh năm, cứ say xỉn là về đánh vợ đánh con, nhưng khi hàng xóm báo công an bắt chồng lên phường, thì hôm sau bà vợ cũng lên bãi nại cho về, rồi mức độ bạo hành tăng lên.
Giờ chồng chết, bà sống với gương mặt chi chít vết thẹo do bị chém, một bên mắt phải múc bỏ, chân tay không còn bất cứ nơi nào lành lặn. Rồi một ông chồng khác trong lúc cự cãi, đã lấy máy bắn đinh lợp tôn bắn vào đầu vợ mình năm sáu phát đinh, khiến bệnh viện phải mổ hộp sọ mà lấy chúng ra. Nhưng khi công an hay nhà báo đến nhà, thì bà xua tay, chuyện trong nhà thôi, không có gì!
Vẫn cái ý nghĩ “vợ chồng đóng cửa bảo nhau”, "một điều nhịn chín điều lành", mà những người dù là làm việc trong hội phụ nữ, bảo vệ cho những người phụ nữ, vẫn còn mang quá nặng tư tưởng đó, chính bản thân họ cũng không dám đứng lên thì làm sao dám khuyên ai đứng lên? Và trong một phiên hòa giải ly hôn, đại diện của hội phụ nữ phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình, là đứng về phía người bị bạo hành, thậm chí có thể mời cả công an, thậm chí đấu tranh với các tổ chức đoàn thể khác mà bảo vệ người phụ nữ đến cùng, chứ không phải làm đúng nhiệm vụ “hòa giải” là bảo hai người về lại với nhau sống đi, rồi sau đó, việc cứ ra sao thì ra?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.