Khi xương khớp “lên tiếng”...

15/02/2013 10:03 GMT+7

Theo các chuyên gia y tế, tỉ lệ người mắc bệnh cơ - xương - khớp ở nước ta đang gia tăng với hơn 30% ở độ tuổi 35 và 60% độ tuổi 65.

Đang người bình thường song cả năm nay, sức khỏe của anh Lê Văn K. (43 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kỹ sư công trình) bỗng nhiên “xuống dốc”. Mỗi khi khom người hay làm việc nặng là xương khớp kêu rốp rốp, đau nhức, ê ẩm cả mình mẩy. Lên TPHCM khám, các bác sĩ chẩn đoán anh K. có dấu hiệu thoái hóa khớp.

Nhiều người trẻ mắc bệnh

Trường hợp anh K. là điển hình mắc bệnh xương khớp do chủ quan. “Lúc trước, đau nhẹ tưởng bị viêm cơ sơ sơ, giờ đau quá phải ngồi xe lăn, bác sĩ nói phải uống thuốc xem có bớt không, chưa cần can thiệp phẫu thuật” - anh K. nhăn nhó nói.

Khi xương khớp “lên tiếng”...
Bệnh nhân đã từng bị gãy xương nếu không kiểm soát tốt rất dễ thoái hóa khớp

Ghi nhận tại các bệnh viện (BV) ở TPHCM gần đây như Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất..., số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh cơ - xương - khớp ngày càng đông. Chỉ riêng tại BV Chấn thương Chỉnh hình, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 250 bệnh nhân cơ - xương - khớp. Phần lớn đã ngoài tuổi 50 nhưng gần đây có nhiều người chỉ ngoài 30 tuổi.

Theo ThS-BS Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng Khoa Cơ - Xương - Khớp BV Nhân Dân 115 (TPHCM), bệnh này đang có tần suất mắc rất cao trong cộng đồng. Trong khoảng 200 bệnh nhân tới khám, tái khám các bệnh xương khớp được khoa tiếp nhận mỗi ngày có hơn 50% bị thoái hóa khớp và 2/3 trong số này phải nhập viện.

 

Kiểm soát để tự cứu

Theo các bác sĩ, bên cạnh điều trị y học, người bệnh thoái hóa khớp cần kiểm soát cân nặng, thay đổi thói quen sinh hoạt như hạn chế leo cầu thang hay khiêng vác nặng, tránh ngồi xổm hay ngồi xếp bằng, tránh vận động quá mức mà không cho khớp nghỉ ngơi. Nguyên tắc đáng nhớ nhất đối với người bị thoái hóa khớp là vận động ít nhưng thường xuyên. Hoạt động nhiều quá sẽ làm đau các khớp nhưng ít quá khiến khớp xơ, cứng. Nên tập 10 phút/lần, 30 phút/ngày, 5 buổi/tuần và không tập quá sức.

Về chế độ ăn, nên ăn nhiều rau quả, đủ năng lượng (đạm, tinh bột…), vừa đủ chất béo (ưu tiên dầu thực vật nhiều omega 3), tránh ăn quá mặn, quá ngọt, tránh rượu bia và chất kích thích thần kinh vì những chất này gây co cứng cơ, giảm tác dụng của thuốc điều trị.

Còn tại BV Chợ Rẫy, lượng bệnh nhân mắc cơ - xương - khớp đang tăng từng năm. Thống kê cho thấy nếu năm 2011 có 64.000 lượt bệnh nhân đến BV để được chăm sóc, điều trị về bệnh này thì trong năm 2012 là trên 70.000. Theo PGS-BS Lê Anh Thư, Trưởng Khoa nội Cơ - Xương - Khớp BV Chợ Rẫy, thống kê chưa đầy đủ nhưng ước tính hiện nước ta có tới 30% người tuổi trên 35, 60% người tuổi trên 65 và 85% người tuổi trên 80 bị thoái hóa khớp.

Diễn tiến âm thầm

Theo các chuyên gia y tế, bộ xương là “công trình kiến trúc” hoàn hảo và kỳ diệu nhất. Trên cơ thể người có trên 200 xương các loại và được nối kết với nhau bằng các khớp ở vị trí mỗi đầu xương. Trong vai trò cấu trúc cơ thể, xương là bộ khung, còn cơ chế hoạt động của bộ khung này là do các khớp “phụ trách”. Thoái hóa khớp là một quá trình bệnh lý diễn tiến theo thời gian cùng với sự lão hóa - điều không ai có thể tránh khỏi.

Theo ThS-BS Tăng Hà Nam Anh, chuyên khoa Xương khớp - Chấn thương Chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương, bệnh này không chỉ gây đau đớn, biến dạng chi khiến bệnh nhân sinh hoạt, đi lại khó khăn mà còn có thể gây tàn phế, làm giảm chất lượng sống của bản thân bệnh nhân và cả gia đình của họ.

Việc chẩn đoán thoái hóa khớp hoàn toàn không khó, cái khó chính là làm sao cho bệnh nhân hiểu và sống chung một cách “hòa bình” với thoái hóa khớp. Một số bệnh nhân thường có xu hướng chủ quan, lơ là. Số khác lại lo lắng quá mức và luôn đi tìm các loại thuốc với mong muốn làm cho tình trạng thoái hóa này “biến mất” vĩnh viễn.

Cả hai đều không phải là cách tốt nhất để ứng phó với thoái hóa khớp. Nếu bỏ mặc đến đâu hay đến đó, quá trình thoái hóa khớp sẽ ngày một tăng tốc khiến bệnh trở nên nặng hơn. Đến nay, vẫn chưa có một biện pháp điều trị hữu hiệu nào nhằm ngăn chặn hoàn toàn tình trạng thoái hóa khớp mà chỉ có thể làm chậm lại quá trình này.

Các chuyên gia xương khớp cũng lưu ý bệnh nhân đã từng bị gãy xương nếu không kiểm soát tốt thì về lâu dài dễ dẫn đến thoái hóa khớp. Hiện nay, hiểu biết về bệnh và việc chăm sóc, điều trị bệnh này đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, mỗi người cần hiểu biết về căn bệnh này để phòng tránh, đồng thời đi khám sớm khi có dấu hiệu bệnh tại các chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh các hậu quả lâu dài làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Theo Nguyễn Thạnh / Người Lao Động

>> Lady Gaga hủy toàn bộ tour diễn vì chấn thương hông
>> Phát hiện mới về chấn thương não
>> Sơ cứu chấn thương cột sống
>> Giận vợ, ném con chấn thương sọ não
>> Hy vọng mới cho bệnh nhân bị chấn thương cột sống
>> Hy vọng cho bệnh nhân chấn thương chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.