CHIÊU LỪA "PHẠM TỘI TẠI ĐÀ NẴNG"
Nạn nhân của vụ lừa đảo là ông Lê Đình Long, sinh năm 1962, ở P.Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM.
"Sáng 22.3.2024, khi tôi đang lu bu sửa nhà thì nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là Công an TP.Thủ Đức, TP.HCM, báo tôi có giấy triệu tập từ Công an TP.Đà Nẵng do liên quan đến đường dây tội phạm ngoài đó. Tôi cũng hay nghe mấy cuộc điện thoại kiểu này, mọi khi tôi cúp máy ngay, nhưng không hiểu sao lần nay tôi lại nghe tiếp…", ông Long kể.
Sau khi nghe điện thoại, ông Long bắt đầu lo lắng và bị cuốn vào kịch bản của nhóm lừa đảo. "Hết cuộc điện thoại này thì họ chuyển sang cuộc điện thoại khác, từ Công an TP.Thủ Đức, TP.HCM gọi rồi chuyển sang Công an TP.Đà Nẵng gọi và sau cùng là công an ở Bộ gọi vào. Họ dàn cảnh, nói chuyện với nhau để tôi tin rằng họ đang giúp tôi gỡ tội. Hơn nữa, họ cho biết tôi còn dính đến một đường dây tội phạm lên đến vài trăm người, có thể thông tin tài khoản của tôi bị bán, hoặc ai đó lấy được số căn cước công dân của tôi rồi lợi dụng để phạm tội", nạn nhân kể tiếp.
Đòn quyết định của nhóm lừa đảo là gửi giấy triệu tập có đầy đủ và đúng thông tin của ông Long, từ họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà, số căn cước công dân… Tiếp đó, bọn chúng thông báo sẽ thực hiện phong tỏa các tài khoản ngân hàng của ông. Nếu nạn nhân muốn họ giúp thì rút hết các sổ tiết kiệm, dồn tiền vào một tài khoản thanh toán ở mỗi ngân hàng, là tài khoản có thể chuyển tiền online, có như vậy, chúng mới tin ông Long có tiền và là "tiền sạch, không phải do phạm tội mà có".
MẤT SẠCH 3,6 TỈ ĐỒNG
Hoang mang, lo lắng và bị cuốn theo nên từ sáng cho đến chiều ngày 22.3.2024, ông Long răm rắp làm theo lời nhóm lừa đảo, ông tất toán toàn bộ sổ tiết kiệm ở Ngân hàng NCB, tổng số tiền khoảng 1,7 tỉ đồng và nộp hết vào tài khoản thanh toán ở ngân hàng này. Tương tự, tại Ngân hàng BIDV, ông Long tất toán các sổ tiết kiệm của mẹ ông (do ông đại diện) để dồn vào tài khoản thanh toán với tổng số tiền khoảng 1,9 tỉ đồng.
"Tôi cứ chạy suốt ngoài đường, chạy hết ngân hàng này đến ngân hàng khác, mãi đến gần 5 giờ chiều, tự dưng tôi "tỉnh ra", sau đó, gọi lên hotline của ngân hàng thì biết tài khoản của mình đã bị chuyển đi sạch", ông Long tức tưởi kể.
Sau khi tỉnh táo, ông Long làm đơn trình báo cơ quan cảnh sát điều tra, đồng thời đến ngân hàng NCB và BIDV để xin sao kê và gửi đơn khiếu nại về tính bảo mật, trách nhiệm của 2 ngân hàng này. "Có thể điện thoại của tôi đã bị chúng chiếm quyền sử dụng sau khi tôi bấm vào link theo yêu cầu của chúng. Tuy nhiên, tôi thắc mắc một điều là cách đây 2 năm, khi tôi thay mới điện thoại, dù điện thoại cũ và mới đều chạy hệ điều hành android nhưng ngân hàng đều buộc tôi phải gọi lên tổng đài, xác nhận đủ thứ họ mới cho sử dụng tài khoản ngân hàng online trên điện thoại mới. Trong khi đó, bọn lừa đảo chiếm quyền sử dụng điện thoại của tôi bằng điện thoại chạy hệ điều hành iOS nhưng tuyệt nhiên, ngân hàng không cảnh báo, không khóa tài khoản khẩn cấp? Vì sao vậy? Vì ứng dụng của bọn lừa đảo thông minh hơn hệ thống bảo mật của ngân hàng? Vậy đây là lỗi bảo mật của ngân hàng hoặc có thể nhân viên ngân hàng tiếp tay cho bọn lừa đảo? Chỉ rơi vào một trong 2 nguyên nhân này, bọn lừa đảo mới có thể thay đổi hạn mức chuyển tiền từ tài khoản của tôi và rút sạch sành sanh tiền mà cả đời tôi tích góp được. Tôi sẽ tiếp tục khiếu nại 2 ngân hàng mà tôi mở tài khoản, họ phải có động thái để bảo vệ tiền của khách gửi tại ngân hàng, không thể có chuyện tiền gửi của mình bị mất bất cứ lúc nào là mất", ông Long nói.
Bình luận (0)