'Kho báu' Palmyra lâm nguy

23/05/2015 04:00 GMT+7

Thành phố Syria được LHQ coi là “một trong những trung tâm văn hóa của thế giới cổ đại” đứng trước nguy cơ bị hủy hoại dưới bàn tay của IS.

Thành phố Syria được LHQ coi là “một trong những trung tâm văn hóa của thế giới cổ đại” đứng trước nguy cơ bị hủy hoại dưới bàn tay của IS.

Palmyra từng thu hút đông đảo du khách trước khi xung đột nổ ra ở Syria vào năm 2011 - Ảnh: AFP
Palmyra từng thu hút đông đảo du khách trước khi xung đột nổ ra ở Syria vào năm 2011 - Ảnh: AFP
Trong những ngày gần đây, thành phố cổ Palmyra ở Syria là cái tên được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt từ khi các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) giành quyền kiểm soát hoàn toàn nơi này. Do IS từng có “tiền sự” hủy diệt không thương tiếc nhiều di tích lịch sử và văn hóa vô giá trước đây nên việc thành phố được UNESCO công nhận là di sản thế giới này thất thủ không khỏi gây quan ngại về số phận của những di tích quan trọng nơi đây. Hàng trăm cổ vật đã được đưa ra khỏi Palmyra, nhưng những di tích lớn lại không thể di dời.
“Hòn ngọc sa mạc”
Theo Daily Mail, nằm cách thủ đô Damascus 215 km về phía đông bắc, Palmyra từng là một thành phố hội tụ nhiều nền văn minh, kiến trúc của nó là sự kết hợp kỹ thuật Hy Lạp - La Mã với truyền thống địa phương cùng ảnh hưởng của Đế quốc Ba Tư. Được đề cập đến lần đầu tiên trong thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, Palmyra là ốc đảo dành cho những đoàn người lữ hành. Kể từ đó, Palmyra dần khẳng định tầm quan trọng của mình trong vai trò một thành phố nằm trên tuyến đường thương mại nối Ba Tư, Ấn Độ và Trung Quốc với Đế chế La Mã.
Tại Palmyra có những dãy cột 2.000 năm tuổi cao ngất ngưởng nằm trên một con đường dài 1.100 m, được UNESCO mô tả là một “ví dụ tuyệt vời về một khu phức hợp đô thị cổ”. Bên cạnh đó, còn phải kể đến các ngôi đền Baal và Bel, căn cứ quân sự La Mã Diocletian cùng khung vòm uy nghi ở lối vào con đường chính của thành phố cổ. Palmyra đặc biệt nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc và tượng vô cùng độc đáo, cùng nhiều công trình vô giá khác. Chính vì lý do này nên Palmyra được người Syria ưu ái đặt cho tên gọi “Hòn ngọc sa mạc”. “Nó khiến thành Rome phải ngượng ngùng. Khi bạn đến gần, nó mọc lên khỏi sa mạc như một phép lạ trong chuyện cổ tích”, nhà khảo cổ Stephennie Mulder, giáo sư nghiên cứu về Trung Đông tại Đại học Texas ở Austin (Mỹ) nói với tờ Los Angeles Times.
Trong một cuộc trò chuyện với CNN, nhà nghiên cứu lịch sử kiêm tiểu thuyết gia Anh Tom Holland nhận định Palmyra có “một sự kết hợp phi thường giữa những ảnh hưởng cổ điển và dấu ấn Ba Tư xen lẫn với tính chất Ả Rập. Không chỉ liên quan đến lịch sử Trung Đông, chúng còn là khởi nguồn của văn hóa và văn minh toàn cầu”.
UNESCO kêu gọi “tổng động viên”
Theo Sky News, trước khi xung đột nổ ra ở Syria, Palmyra thu hút hàng trăm ngàn du khách đến từ khắp mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, những di tích ở đây đã được UNESCO xếp vào danh sách di sản bị đe dọa năm 2013, khi lực lượng chính phủ Syria đánh mất quyền kiểm soát Palmyra vào tay quân nổi dậy.
Thành phố Palmyra được ví như “hòn ngọc sa mạc” - Ảnh: AFPThành phố Palmyra được ví như “hòn ngọc sa mạc” - Ảnh: AFP
Quân đội Syria sau đó đã giành lại được thành phố này. Giao tranh kéo dài ảnh hưởng không ít đến các di tích tại Palmyra nhưng nỗi lo sợ giờ đây trở nên bức thiết hơn cả. IS hiện coi các kho báu cổ xưa là mục tiêu, bởi đối với họ, những di tích mà cộng đồng quốc tế ra sức bảo tồn là “sự sùng bái ngẫu tượng” và bị cấm đoán theo niềm tin Hồi giáo cực đoan.
Các tay súng phất cờ đen đã phá hủy nhiều di chỉ khảo cổ quan trọng ở nước láng giềng Iraq trong một hành động mà UNESCO coi là “thanh trừng văn hóa”. Đầu năm nay, các di sản nổi tiếng Hatra (2.000 năm tuổi) và Nimrud (3.000 năm tuổi) đã lần lượt bị xóa sổ dưới bàn tay lạnh lùng của IS. TTK LHQ Ban Ki-moon đã mô tả những hành động này là “tội ác chiến tranh”.
Thế nên, việc IS chiếm được Palmyra khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại. Theo tạp chí Time, Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova ngày 21.5 đã nhấn mạnh: “Bất kỳ hành động phá hủy nào tại Palmyra không chỉ là tội ác chiến tranh, nó còn là sự mất mát lớn lao của nhân loại. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn sự hủy hoại. Chúng ta cần một cuộc tổng động viên của cộng đồng quốc tế”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua cũng kêu gọi thế giới hãy hành động để cứu lấy Palmyra. Còn người đứng đầu cơ quan về cổ vật của Syria, ông Mamoun Abdulkarim, coi thắng lợi của IS ở Palmyra cho thấy “xã hội văn minh đã thất bại trong cuộc chiến chống lại sự tàn bạo”.
Quân đội Syria ngăn dân rời Palmyra ?
LHQ hôm qua viện dẫn “nguồn tin đáng tin cậy” cho biết quân đội Syria đã ngăn cản dân chúng rời khỏi Palmyra trước khi thành phố này rơi vào tay IS, trái với thông tin của truyền thông Syria rằng lực lượng chính phủ đã sơ tán dân thường trước khi rút đi.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên nhân quyền của LHQ Ravina Shamdasani nói rằng IS đã tiến hành “lục soát từng nhà” ở Palmyra để tìm bắt người có liên hệ với chính phủ, và rằng “ít nhất 14 người đã bị xử tử”.
Trong khi đó, BBC đưa tin IS đã chiếm được cửa khẩu cuối cùng giữa Syria và Iraq. Việc mất cửa khẩu al-Tanf đồng nghĩa với việc Syria từ nay không còn kiểm soát các cửa khẩu dọc đường biên với Iraq nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.