Tháp Malwiya nổi tiếng tại nhà thờ Hồi giáo lớn Samarra thuộc thành phố Samarra (Iraq) đã bị đánh bom sụp đổ phần đỉnh tháp trong cuộc chiến tại Iraq năm 2005.
>> Tàn phá di sản của nhân loại - Kỳ 4: Tan hoang ngôi đền 6 thế kỷ
Lính Iraq tuần tra tại tháp Malwiya - Ảnh: The Daily Mail
|
Ngọn tháp độc đáo
Tọa lạc trên bờ sông Tigris ở Samarra, thành phố nằm về phía bắc thủ đô Baghdad, Iraq, nhà thờ Hồi giáo lớn Samarra được xây dựng từ năm 848 đến 851 mới hoàn thành. Đây là một trong nhiều di tích thuộc thành phố khảo cổ Samarra được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới năm 2007. Nhà thờ này cũng đứng vào danh sách các nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới. Đặc biệt thu hút du khách là tháp Malwiya với hình nón xoắn ốc, cao 52 m, bề ngang rộng nhất 33 m dùng để cầu nguyện.
Nhà thờ Hồi giáo lớn Samarra có tất cả 17 lối đi, các bức tường được khảm thủy tinh xanh. Nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc hoa văn bên trong nhà thờ đại diện tiêu biểu cho cách trang trí của người Hồi giáo thời trung cổ. Triều đại Al-Mutawakkil đã có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành thành phố Samarra và cũng như việc xây dựng nhà thờ Hồi giáo lớn Samarra. Năm 1278, nhà thờ bị phá hủy sau khi Húc Liệt Ngột (em trai Hốt Tất Liệt, cháu nội Thành Cát Tư Hãn) xâm lược Iraq. Tàn tích còn lại của nơi đây chỉ là vài bức tường và tháp Malwiya.
Sự linh thiêng và vị trí độc đáo của tòa tháp đã khiến nó được in trên cả tiền giấy tại Iraq. Tháp Malwiya tuy xây dựng từ gạch bùn nhưng nhà khảo cổ nổi tiếng người Anh Sir Mortimer Wheeler đã mô tả tháp là “một kiệt tác tuyệt vời và đứng trơ trọi, cô đơn”. Qua nhiều thế kỷ tòa tháp thu hút rất đông khách du lịch đến Iraq.
Chiến tranh phá hỏng di tích
Ngày 1.4.2005, giao tranh ác liệt giữa lính Mỹ và quân nổi dậy tại Iraq đã diễn ra tại nhà thờ Hồi giáo lớn Samarra. Lính Mỹ sử dụng nhà thờ và đỉnh tháp như một tiền đồn. Một vụ đánh bom của quân nổi dậy nhắm vào lính Mỹ đã làm bay mất đỉnh tháp. Vụ nổ làm gạch vụn và đất sét bắn đầy trên con đường xoắn ốc dẫn lên đỉnh tháp, theo BBC.
Giáo sư Alastair Northedge, giảng dạy tại ĐH Sorbonne (Pháp), chuyên về lịch sử và khảo cổ học Hồi giáo, người đã nhiều năm nghiên cứu về thành phố cổ Samarra phát biểu trên tạp chí Counter Punch (Mỹ): “Tôi cảm thấy vô cùng buồn. Đây là một thảm họa cho cả thế giới vì ngọn tháp là một trong những di tích nổi tiếng nhất. Việc phá hủy tháp thật sự là cuộc tấn công vào nghệ thuật Hồi giáo nói riêng và cả thế giới nói chung”.
Trong khi đó, Hãng tin Reuters nhận định: “Các tay súng bắn tỉa Mỹ núp đằng sau những bao cát đặt trên ngọn tháp Malwiya và nhắm bắn các chiến binh quân nổi dậy”. Còn BBC thì cho rằng quân đội Mỹ khi chiếm đóng Iraq dường như không quan tâm đến di sản. Một quan chức cao cấp của chính phủ Iraq nói với BBC rằng người Mỹ phải đảm bảo các di tích ở Iraq không bị tổn hại. Trong thời gian quân đội Mỹ chiếm đóng Iraq, Bảo tàng quốc gia bị cướp phá, Thư viện quốc gia bị thiệt hại nặng do hỏa hoạn, hàng chục ngàn văn tự cổ bị mất...
Còn tờ The Telegraph (Anh) đưa tin: Từ khi quân đội Mỹ chiếm đóng tháp trong 3 tháng đầu tiên của năm 2005 và rời khỏi tòa tháp vào cuối tháng 3.2005, quân nổi dậy đã gây thương vong cho lính Mỹ bằng cách đặt bom tầng trên cùng đúng ngày 1.4.2005.
Naeim Joda, phát ngôn viên của Bộ Du lịch Iraq, cho biết: “Văn phòng chúng tôi ở Samarra báo cáo 10% tháp đã bị hư hỏng”. Chỉ huy quân đội Mỹ tại Samarra từ chối bình luận vì sao các tay súng bắn tỉa xuất hiện tại tháp.
Các quan chức Bộ Cổ vật Iraq lên tiếng đòi chính phủ Mỹ bồi thường do các bức tường của một cung điện cổ hàng ngàn năm tuổi tại thành phố Samarra bị hư hỏng sau khi lính Mỹ đóng quân tại đây. Hãng tin BBC cũng nhấn mạnh đến việc an ninh quá lỏng lẻo tại Iraq kéo theo tình trạng cướp phá cổ vật lan nhanh tại các địa điểm khảo cổ, đặc biệt là miền nam Iraq. Rõ ràng cuộc chiến đã tàn phá di sản của đất nước Hồi giáo này.
Bình luận (0)