'Kho báu vô giá' của khoa học Việt Nam

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
07/08/2023 08:34 GMT+7

Hôm nay (7.8), tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE - ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam (1993 - 2023) và 10 năm hoạt động của ICISE (2013 - 2023).

Tham dự lễ kỷ niệm có lãnh đạo Bộ KH-CN, UBND tỉnh Bình Định cùng hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế. Trong đó có GS Gerard 't Hooft (ĐH Utrecht, Hà Lan), đoạt giải Nobel Vật lý năm 1999; GS Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago, Mỹ)…

NÂNG CAO VỊ THẾ VN

Hội Gặp gỡ Việt Nam do GS Trần Thanh Vân (Việt kiều Pháp) thành lập tại Pháp năm 1993 nhằm kết nối hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ để đóng góp cho sự phát triển khoa học và giáo dục bậc cao của VN. Năm 2012, hội này trở thành đối tác chính thức của tổ chức UNESCO.

Tháng 8.2008, GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam) và vợ là GS Lê Kim Ngọc (Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em VN tại Pháp) đến TP.Quy Nhơn gặp lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định để khảo sát triển khai dự án ICISE. Được sự đồng ý và ủng hộ từ Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành T.Ư, cuối năm 2011, Hội Gặp gỡ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khởi công xây dựng ICISE. Trung tâm này được khánh thành, đưa vào sử dụng từ ngày 12.8.2013.

'Kho báu vô giá' của khoa học Việt Nam - Ảnh 1.

Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở TP.Quy Nhơn

ICISE

Tính đến năm 2023, Hội Gặp gỡ Việt Nam và ICISE đã tổ chức gần 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao, hơn 45 trường học khoa học chuyên đề tại Bình Định với gần 10.000 nhà khoa học đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Trong đó, có 18 GS Nobel, 2 GS đoạt giải Fields (được xem là Nobel Toán học), 2 GS đoạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực thiên văn học), 1 GS đoạt giải Shaw (được xem là Nobel phương Đông), 1 GS đoạt giải Dirac...

Bên cạnh các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế đỉnh cao, Hội Gặp gỡ Việt Nam còn tổ chức các buổi thuyết trình khoa học đại chúng dành cho học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học; các buổi giao lưu trực tuyến hoặc trực tiếp với các GS đoạt giải Nobel và học sinh, sinh viên ưu tú VN...

GS Trần Thanh Vân cho biết vợ chồng ông đầu tư xây dựng ICISE vì mong muốn có nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ VN hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ VN nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao. ICISE đã, đang và sẽ trở thành điểm đến của khoa học, là điểm sáng không chỉ của VN mà còn của cả khu vực Đông Nam Á, nâng cao vị thế và hình ảnh của Bình Định và VN trong mắt bạn bè quốc tế.

Với các hoạt động tích cực đóng góp cho khoa học VN và khoa học thế giới, ICISE đã nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng quốc tế bảo trợ cấp cao về khoa học gồm 8 nhà khoa học đoạt giải Nobel.

'Kho báu vô giá' của khoa học Việt Nam - Ảnh 2.

GS Gerard ‘t Hooft (phải), đoạt giải Nobel Vật lý năm 1999, đã 3 lần đến ICISE để tham dự các sự kiện khoa học

HOÀNG TRỌNG

GÓP SỨC XÂY DỰNG ĐÔ THỊ KHOA HỌC

Năm 2016, từ gợi ý của GS Jerome Friedman (Nobel Vật lý 1990), Hội Gặp gỡ Việt Nam thành lập Viện Nghiên cứu IFIRSE, là viện nghiên cứu cơ bản tư nhân trực thuộc ICISE. Mục tiêu của viện nghiên cứu này là làm cầu nối khoa học VN với thế giới, thu hút các nhà khoa học trẻ VN và nhà khoa học quốc tế về làm việc để phát huy nguồn lực chất xám của hàng ngàn nhà khoa học quốc tế về ICISE mỗi năm.

Hiện Viện Nghiên cứu IFIRSE đã thành lập 3 nhóm nghiên cứu, gồm: vật lý lý thuyết (năm 2017), vật lý neutrino (2018), vật lý thiên văn SAGI (2022). Đến nay, IFIRSE đã bước đầu thiết lập được một phòng thí nghiệm với thiết bị được các GS Nhật Bản tặng và ICISE tự trang bị để có thể bắt đầu làm được một số thí nghiệm nhỏ về neutrino. Viện IFIRSE đã nhận được sự quan tâm và đồng ý làm thành viên hội đồng khoa học từ các nhà khoa học uy tín trên thế giới, trong đó có GS Đàm Thanh Sơn.

Hội Gặp gỡ Việt Nam cùng các nhà khoa học quốc tế cũng đã đề xuất ý tưởng, hỗ trợ UBND tỉnh Bình Định xây dựng, vận hành tổ hợp không gian khoa học tại TP.Quy Nhơn, gồm: Nhà chiếu hình vũ trụ, khu khám phá khoa học và đài quan sát thiên văn phổ thông. Đây là tổ hợp khoa học đại chúng đầu tiên tại VN, thứ hai ở Đông Nam Á, đưa khoa học tới quần chúng và phát triển tình yêu khoa học cho nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, vừa phục vụ giáo dục khoa học, vừa phát triển du lịch khoa học.

Cũng từ sự gợi ý của GS Trần Thanh Vân và các nhà khoa học, UBND tỉnh Bình Định xây dựng đề án Khu đô thị khoa học Quy Hòa với mục tiêu là khu đô thị đa chức năng, giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội miền Trung - Tây nguyên và cả nước, hướng đến phát triển Quy Nhơn thành một TP khoa học hàng đầu của VN.

Khu đô thị khoa học này sẽ là nơi giao lưu của các nhà khoa học hàng đầu thế giới, phát huy chất xám trong nghiên cứu khoa học, gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, gắn kết hoạt động phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học…

Đến nay, Bình Định đã thu hút được Tập đoàn FPT và Công ty TMA Solutions là những công ty phần mềm hàng đầu VN về đầu tư tại khu vực đã quy hoạch cho Khu đô thị khoa học Quy Hòa.

Nơi chắc chắn phải được coi là di sản khoa học thế giới

Trong bức thư ngày 29.12.2020 gửi Hội Gặp gỡ Việt Nam chấp thuận tham gia vào Hội đồng quốc tế cấp cao bảo trợ về khoa học cho ICISE, GS Sheldon Lee Glashow (ĐH Harvard, Mỹ), giải Nobel Vật lý 1979, viết: "ICISE đã trở thành một kho báu vô giá và mãi mãi sẽ giữ nguyên giá trị của nó, một giá trị không thể thiếu không chỉ dành riêng cho các nhà khoa học và sinh viên của VN mà còn dành cho các nhà khoa học, kỹ sư, sinh viên, các nhà giáo dục trên khắp năm châu. ICISE đã vươn mình trở thành một nơi chắc chắn phải được coi là di sản khoa học thế giới". (Trích tư liệu của ICISE)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.