Dân gian bảo “quá tam ba bận”, nhưng với công trình đầy tai tiếng ấy chả ai dám chắc nó không bục nữa. Mấy chục nghìn hộ khát nước. Nắng nôi bức sốt thế, không có điện còn ráng chịu được, nhưng không nước chỉ muốn phát điên. Tái diễn cảnh đi sơ tán về quê như thời chiến tranh.
Chưa có ai chính thức lên tiếng xin lỗi người dân về chuyện 6 lần bị cúp nước nói trên. Ngay cả Tổng công ty Vinaconex, đơn vị chịu trách nhiệm thi công, vận hành tuyến đường ống phục vụ dân sinh cực kỳ quan trọng ấy cũng chỉ vòng vo giải thích đổ lỗi cho… kỹ thuật, cho điều kiện khách quan. Nào nền đất yếu, nào sát đường giao thông… Cái lỗi chính tại con người thì họ lờ đi. Mà đất yếu sao không làm cho chắc, sát đường sao không tính toán cho an toàn. Mỗi lần đường ống vỡ, người ta lặp lại điệp khúc sửa chữa, chắp vá chỗ này chỗ nọ, đề nghị người dân ráng chịu đựng sự cố bất khả kháng, mong được thông cảm. Nhưng vỡ bục đến kỳ thứ 6 thì quả thực không ai nín nhịn chịu đựng và thông cảm được.
Người dân là khách hàng mua nước phải trả tiền sòng phẳng, xài vượt quá định mức phải trả giá cao nhưng khi xảy ra sự cố thì công ty cấp nước (nói đúng ra không phải là cấp mà bán nước sản xuất và sinh hoạt) cũng đổ luôn rủi ro lên đầu họ. Cuối cùng thì khách hàng gánh chịu tất. Người ta hứa khắc phục, rốt cuộc đường ống cứ bể liên tục, nước cứ mất, dân cứ khổ trăm đường. Thiên hạ bảo nhau bao giờ cái đường ống chất lượng thổ tả đó (họ bực quá nên gọi vậy) còn nằm dưới lòng đất, còn bị vá víu kiểu chữa cháy thì còn gây tai họa. Chỉ có cách bới hết nó lên, bắt đơn vị thi công phải đền bằng đường ống mới “ống ra ống” thì họa may nạn cúp nước mới chấm dứt.
Để làm an lòng dân cần có những động thái, những việc làm thiết thực và hiệu quả. Và, dù khó cũng phải làm.
Nguyễn Thông
>> Đường ống nước sạch sông Đà sẽ còn tiếp tục vỡ?
>> Đường ống nước sạch sông Đà liên tục vỡ do không xử lý nền đất khi thi công
>> Thủ tướng duyệt hơn 254 triệu USD làm hệ thống cấp nước sạch sông Đà
>> Cấp nước sạch sông Đà cho 500 người dân dùng nước nhiễm Asen
Bình luận (0)