Thú vui sưu tầm đồ độc lạ: Kho đá triệu đô của Phan Khôi

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
30/07/2024 06:43 GMT+7

Để theo đuổi niềm đam mê, nhiều nhà sưu tầm đồ độc lạ đã không tiếc tiền bạc lẫn thời gian, thậm chí mất cả thập niên chỉ để có được một món đồ ưng ý.

Hễ mang cụm tác phẩm đá của mình đi thi ở đâu, nhà sưu tầm đá cảnh suiseki Phan Khôi (56 tuổi, trú TP.Đà Nẵng) lại rinh về giải lớn.

Thú vui sưu tầm đồ độc lạ: Kho đá triệu đô của Phan Khôi- Ảnh 1.

Nhà sưu tập đá Phan Khôi với tác phẩm độc đáo Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức

Hoàng Sơn

TỪ CHỐI KHU ĐẤT TIỀN TỈ ĐỂ GIỮ KHO ĐÁ

Phải mất nhiều lần hẹn, cuối cùng ông Phan Khôi cũng cho tôi "mục sở thị" kho đá cảnh suiseki tại nhà riêng. Mặc dù trú tại Q.Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) nhưng ông thường xuyên vắng nhà vì cứ nghe ở đâu có đá cảnh đẹp là ông lại không quản ngại đường sá xa xôi tìm đến xem, thương thảo để mua về. "Gần 20 năm sưu tầm, tôi có khoảng 150 tác phẩm đá suiseki. Mỗi viên đá là mỗi kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên", ông Khôi kể khi dẫn tôi tham quan.

Năm 2018, ông Phan Khôi gây ngạc nhiên cho những người thưởng ngoạn nghệ thuật khi lần đầu tiên phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm Nghệ thuật đá cảnh suiseki với 35 tác phẩm ở 2 thể loại vân cảnh và hình dáng. Những viên đá được ông Khôi kỳ công làm sạch rồi đặt trên bệ gỗ chạm khắc. Cùng với tên gọi do ông đặt, những viên đá tưởng chừng vô tri đã thực sự đánh thức sự liên tưởng của người chiêm ngưỡng. Chẳng hạn, với Anh hùng tương ngộ, người xem sẽ hình dung ra một con đại bàng đại diện cho loài vật oai hùng trên không đang đậu trên vai của một con sư tử - vua các loài vật mặt đất. Đây là tác phẩm được hình thành trên đá núi Duy Xuyên (Quảng Nam), nơi đá có chất liệu, da, dáng được giới mộ điệu đánh giá hàng đầu của VN.

"Suiseki là một từ ngữ Nhật Bản với sui nghĩa là thủy (nước), sekithạch (đá). Ở VN được hiểu là đá nghệ thuật, đá cảnh. Tôi đến với môn nghệ thuật này cũng hết sức tự nhiên như chính sự tự nhiên của mỗi viên đá vậy", ông Khôi nói. Đó là năm 2007, trong một lần đi mua bánh sinh nhật cho con gái, ông tình cờ gặp một người chơi đá cảnh "lão làng" ở Đà Nẵng. Ngắm đá, ông càng say mê bởi mỗi viên lại kích thích tột cùng trí tưởng tượng. Ông ngỏ ý mua và sở hữu những tác phẩm đầu tay.

"Tìm hiểu sâu hơn, tôi lại càng thích thú vì để có được một viên đá phải mất hàng triệu năm kiến tạo. Để có được những hình dáng độc đáo, mẹ thiên nhiên cũng phải khéo nặn. Không có viên nào giống viên nào…", ông Khôi chia sẻ. Có năng khiếu nghệ thuật lại có điều kiện, nên dù đến với bộ môn này khá muộn nhưng ông Phan Khôi lại khiến nhiều người trong giới nể phục vì sở hữu loạt tác phẩm đá có giá trị rất lớn. "Cách đây chừng 10 năm, tôi được một đại gia tại Đà Nẵng đề nghị đổi 1 lô đất ven biển trị giá cả chục tỉ đồng để lấy 100 viên đá. Tất nhiên là tôi từ chối, vì tôi sưu tầm chứ không bán chác…", ông nhớ lại.

SẼ LẬP BẢO TÀNG ĐÁ CẢNH MIỄN PHÍ

Bộ sưu tập của ông Khôi lớn dần theo năm tháng. Ông cũng chọn lọc và giữ lại những viên đá mà ông tâm đắc nhất, như Anh hùng tương ngộ, Mẹ Quan Âm, Một thoáng Hạ Long, Một thoáng cố đô, Hòn Chồng Nha Trang… hay các khối đá có hình thù động vật: Kim quy, Lân hý cầu, Hắc điểu, Mãnh sư, Linh cẩu vãn sanh… Trong câu chuyện của mình, ông Khôi khi nào cũng nhắc đến chữ duyên. "Có duyên mới sở hữu viên đá mình thích. Vô duyên thì viên đá mình theo đuổi cả mấy năm trời, một ngày nào đó lại rơi vào tay người khác", ông chiêm nghiệm.

Thú vui sưu tầm đồ độc lạ: Kho đá triệu đô của Phan Khôi- Ảnh 2.

Kho tàng đá cảnh suiseki của ông Phan Khôi trị giá cả triệu USD

Hoàng Sơn

Gần 20 năm chơi đá cảnh, ông Khôi nhớ nhất là lần theo đuổi viên đá mà ông đặt tên là Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức. Đây là khối đá nặng 4 kg, dài gần 20 cm. Phía trên khối đá có nhiều viên đá nhỏ như "động mạch chủ" khiến toàn bộ khối đá như hình trái tim người thật. Năm 2009, ông tình cờ bắt gặp viên đá này tại một triển lãm ở TP.Đà Lạt. Từ cái nhìn đầu tiên, ông đã bị hút hồn bởi hình dáng viên đá. Đặt vấn đề mua, ông Khôi thất vọng vì chủ nhân đã từng... từ chối rất nhiều lời đề nghị. Vì quá yêu thích "trái tim" đá mà nhiều lần ông Khôi không tiếc công sức đến Đà Lạt để tâm tình, hỏi mua.

"Sau gần 10 năm theo đuổi, một hôm chủ nhân viên đá quyết định chuyển nhượng cho tôi sau mấy lần họp gia đình. Người này bán vì ông đã già, lại có 2 con gái không muốn nối nghiệp cha. Ông quý trọng tình cảm của tôi đối với tác phẩm và muốn tôi gìn giữ, phát huy giá trị viên đá", ông Khôi nhớ lại. Nói về tên gọi, ông Khôi cho biết "trái tim" đá có thể nói là vĩnh cửu đã khiến ông nhớ đến trái tim của hòa thượng Thích Quảng Đức vẫn vẹn nguyên sau vụ tự thiêu năm 1963. Ông quyết định đặt tên cho viên đá gắn với sự kiện như để nhắc nhớ lý tưởng cao đẹp của ngài.

Một kỷ niệm khác gắn với nghề chơi khiến ông Phan Khôi nhớ mãi, đó là khi mới khởi đầu, vì mê mẩn Anh hùng tương ngộ nên ông nhiều lần thuyết phục người sở hữu nhượng lại viên đá này. Sau nhiều tháng kiên trì, ông được chủ nhân bán lại khối đá với trị giá gần 5.000 USD. Sau này, khi gặp những viên đá ưng ý, ông Khôi không ngại trút hầu bao vài chục triệu đồng để mua về. Ông bảo nhiều người chơi đá cảnh khi thấy những viên đá của ông đều ngỏ lời mua lại. Nhưng ông quyết không bán vì đó không phải là mục đích của ông. Dù không bán, nhưng bộ sưu tập của ông ước lượng không dưới 1 triệu USD.

"Tôi may mắn có được người vợ hiểu mình. Có lần tôi giấu bà ấy bán 1 lô đất chỉ để mua về mấy viên đá cảnh, nhưng bà ấy không giận. Tôi tâm đắc nhất câu nói của bà ấy rằng nếu không chơi nữa thì nên hiến tặng cho bảo tàng để đời đời người xem còn thưởng thức. Thời gian tới, tôi sẽ sửa lại căn nhà thành một bảo tàng tư nhân, chỉ dành riêng cho đá cảnh. Khách đến xem sẽ miễn phí…", ông Khôi trải lòng. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.