Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (QH) về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm 2016 - 2018 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay, 15.10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra, 12/12 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu.
Về tình hình kinh tế - xã hội 3 năm 2016 - 2018, ông Thanh cũng đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường đến nay có khả năng nhiều chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, trong 3 năm qua, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện song vẫn ở mức thấp so với yêu cầu.
“Năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và một số công trình trọng điểm còn chậm. Hạ tầng giao thông phát triển thiếu cân bằng giữa đường bộ với các loại hình vận tải khác, làm cơ cấu vận tải chưa dịch chuyển đúng hướng và tăng chi phí logistic cho doanh nghiệp”, ông Thanh nêu.
Bên cạnh đó, ông Thanh đánh giá, mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có cải thiện, nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
“Công tác quản lý thu có chuyển biến tích cực, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến vượt dự toán nhưng chưa thật bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu ngân sách T.Ư giữ vai trò chủ đạo, thu ngân sách chỉ mới đủ cho chi thường xuyên và trả nợ; năm 2018, các khoản thu thể hiện nội lực của nền kinh tế ở 3 khu vực kinh tế quan trọng đều không đạt dự toán, cần phải được phân tích, làm rõ nguyên nhân”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đánh giá.
Đánh giá chung kết quả đạt được và hạn chế của 3 năm 2016 - 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng có thể đạt được cơ bản các chỉ tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020, ngoại trừ một số chỉ tiêu khó đạt được nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa, gồm: tỷ lệ GDP bình quân đầu người; tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân/năm; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ GDP năm cuối kỳ; tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Số doanh nghiệp chờ phá sản tăng cao
Đáng chú ý, theo ông Thanh, thực tế phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân nói riêng thời gian qua cho thấy, việc đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn.
Trong báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, ông Thanh tiếp tục cho rằng, trong số 5 mục tiêu của Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 thì nhóm mục tiêu thứ 5 về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã khó đạt được đến năm 2020 nếu không có giải pháp đẩy nhanh.
“Về phát triển doanh nghiệp, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng năm 2018”.
Bên cạnh đó, về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đến tháng 7.2018, các bộ, ngành, địa phương mới thực hiện thoái vốn tại 30.316 doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra của năm 2017 và 2018. Thời gian tới, việc thoái vốn cần thực hiện thận trọng, trong đó bảo đảm tính đúng, tính đủ giá trị vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Kế hoạch sử dụng vốn từ thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước chưa cụ thể, chưa tập trung vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực và sức lan tỏa cho nền kinh tế.
Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp, cho thấy trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành KH-ĐT đã triển khai 3.827 cuộc thanh tra hành chính và 92.913 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm 9.814 tỉ đồng, 32.627 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách 7.875 tỉ đồng và 357 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính 5.889 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 42 vụ, 46 đối tượng.
Riêng Thanh tra Chính phủ 8 tháng năm 2018 thực hiện 50 cuộc thanh tra. Qua kết luận 14 cuộc, phát hiện vi phạm 2.398 tỉ đồng, 23.738 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách 1.704 tỉ đồng, 114 ha đất; kiến nghị việc hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách.
|
Bình luận (0)