Kết luận tại cuộc họp mới nhất về vấn đề di dân phố cổ, quan điểm của lãnh đạo UBND TP Hà Nội vẫn dựa trên sự tự nguyện của người dân chứ không bắt buộc.
>> Di dời 1.800 hộ dân trong phố cổ Hà Nội
>> Nỗi niềm phố cổ sang sông
Trong ngõ 47 phố Hàng Đường có 8 hộ dân. Hộ ít nhất có 3 nhân khẩu, hộ nhiều lên đến 6-7 nhân khẩu. Sinh hoạt hàng ngày của cư dân gặp không ít khó khăn. Con ngõ dẫn vào “xóm chung” này không lấy gì rộng rãi. Một người đi thì rộng, nhưng hai người tránh nhau thì phải đi nghiêng mới qua được.
Ngõ chỉ cao khoảng 2m. Phía trên ngõ đã được các nhà xây ra bịt kín. Con ngõ biến thành một cái hầm trên mặt đất. Tối đen. Bất kể là đêm hay ngày. “Mọi sinh hoạt đều bất tiện, nhưng không ở thì biết ở đâu, đồ đạc đã được hạn chế đến mức tối thiểu để đỡ chiếm diện tích. Khổ nhất là đi vệ sinh, phải đợi đến lượt mới được đi”, bà Nguyễn Thị Sáu, một trong 8 hộ dân sống trong ngõ 47 Hàng Đường nói.
|
Nhưng khi nói về kế hoạch di dời, bà Sáu tỏ ra không mấy mặn mà. Bà cho rằng: “Cái quan trọng là điều kiện sống nơi chuyển tới như thế nào, có đảm bảo đủ các điều kiện như đường, trường, trạm, chợ… không? Chúng tôi chuyển cũng được, không chuyển cũng được”. Bà Nguyễn Thị Tợi ở 51 Hàng Trống kiên quyết: "Nếu được lựa chọn, tôi sẽ không đi đâu cả. Giờ di chuyển ra ngoại thành bất tiện, ốm đau thì xa bệnh viện, con cháu đi học thì xa trường học...".
Dời trước 1.800 hộ
Theo số liệu điều tra xã hội học mới nhất của UBND quận Hoàn Kiếm, 1.800 hộ dân được giãn dân trong giai đoạn I của Đề án gồm các hộ sống trong các di tích (562 hộ); các hộ dân sống trong các trường học (39 hộ); các hộ dân sống trong các công sở (148 hộ); các hộ dân sống trong các biển số nhà đông hộ, nhà xuống cấp nguy hiểm, nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn (1.051 hộ). UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, về nguyên tắc, việc giãn dân không mang yếu tố cưỡng chế, bắt buộc mà chủ yếu dựa trên sự tự nguyện của người dân. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo tính khả thi và sự thành công của dự án. Tuy nhiên, đối với những biển số nhà đông hộ, xuống cấp, nguy hiểm đang thuê nhà của nhà nước, nhà cần bảo tồn thuộc quỹ nhà nhà nước có diện tích bình quân nhỏ hơn hoặc bằng 5,2 m2/người mà không tự thỏa thuận được để giãn dân thì nhà nước sẽ thu hồi theo chính sách giải phóng mặt bằng và sử dụng diện tích thu hồi theo quy hoạch bảo tồn khu phố cổ.
Về quỹ nhà, hiện nay, UBND TP Hà Nội đã có quyết định về việc giao cho quận 11,12 ha đất tại khu đô thị mới Việt Hưng để thực hiện dự án giãn dân. Tuy nhiên, để có đủ quỹ đất phục vụ giãn dân phố cổ, đáp ứng di dời cho 6.550 hộ dân (là số hộ cần phải giãn dân của cả đề án) thì cần phải có đến 40,46 ha. Như vậy, trong giai đoạn tiếp theo khi di chuyển nốt 4.750 hộ dân thì quỹ đất cần là gần 30 ha.
Khu đất giãn dân phố cổ với diện tích 11,12 ha bao gồm 16 tòa nhà ở cao 9 tầng, 1 toà nhà hỗn hợp cao 15 tầng. Bên cạnh đó còn có các công trình phúc lợi công cộng như nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, không gian sinh hoạt cộng đồng. Toàn bộ cơ sở hạ tầng được xây dựng trên để đáp ứng cho khoảng 1.800 hộ dân tương ứng với 7.200 nhân khẩu từ khu phố cổ sang sinh sống. Đặc biệt, khu trung tâm thương mại và tầng 1 các khu nhà ở bố trí đủ chỗ kinh doanh cho 1/3 số hộ dân sang định cư đảm bảo cuộc sống.
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, cơ cấu căn hộ dự kiến tại khu giãn dân phố cổ được hình thành dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu của người dân. Theo đó, căn hộ có diện tích từ 45 đến dưới 75 m2 chiếm khoảng 30%, căn hộ có diện tích từ 75 đến dưới 100 m2 chiếm khoảng 50%, căn hộ có diện tích từ 100 m2 trở lên chiếm khoảng 20%. Chất lượng các căn hộ sau khi hoàn thiện về nội, ngoại thất giống như các chung cư thương mại tại Khu đô thị mới Việt Hưng.
Minh Huyền
Bình luận (0)