Khó giám sát kiểm định đại học

14/01/2017 05:44 GMT+7

Theo các chuyên gia và lãnh đạo trường ĐH, nếu triển khai việc kiểm định ĐH như hiện nay thì không biết bao giờ 271 trường mới được kiểm định xong, hơn nữa xã hội cũng khó kiểm soát được chất lượng.

Dễ rơi vào tình trạng tháo khoán
Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, kiểm định là việc đáng lẽ phải làm từ lâu. Giáo dục ĐH là một lĩnh vực có điều kiện, đơn vị nào đã qua kiểm định mới được phép cung cấp dịch vụ cho xã hội. “Mình hoạt động chán chê rồi mới kiểm định là ngược. Cả nước hiện nay chỉ có 4 trung tâm kiểm định, trong khi số lượng trường đông (271 trường), với cách thức kiểm định như hiện nay thì không biết bao giờ mới kiểm định xong! Có kiểm định, dù muộn, thì vẫn tốt hơn. Phải làm sao đừng để quá tốn kém nguồn lực cho các trường, và việc kiểm định lại mang tính hình thức khiến các trường dùng dằng không muốn làm. Đến khi Bộ ép thì một loạt trường làm, dễ rơi vào tình trạng tháo khoán”, ông Tùng cảnh báo.
Còn PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng các trường phải xác định mục tiêu kiểm định không phải là để đạt hay không đạt mà là thông qua hoạt động kiểm định để nhận thức mình còn yếu chỗ nào, từ đó có kế hoạch tổng thể nâng cao chất lượng đào tạo.
GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cũng cho rằng thực ra kiểm định chỉ là một thủ tục có tính pháp lý, còn để tạo được uy tín, vị thế của mình trong hệ thống giáo dục ĐH thì các trường phải làm rất nhiều việc khác, phải phát triển theo xu hướng thúc đẩy chất lượng. “Cũng sẽ có chuyện có trường hợp “mượn” kiểm định để đánh lừa dư luận xã hội nhưng cũng chỉ có hiệu quả trong một thời gian ngắn. Thực tế cho thấy việc chọn trường hiện nay của thí sinh không phải vì kết quả kiểm định mà là dựa trên hiệu quả thực tế đào tạo của mỗi trường”, GS Sơn nhìn nhận.

tin liên quan

Mở rộng tuyển thẳng vào đại học
Một phần quan trọng trong phương án tuyển sinh các trường ĐH năm nay là phương thức xét tuyển thẳng học sinh giỏi. Việc mở rộng chỉ tiêu tuyển thẳng sẽ tăng thêm cơ hội học sinh bước vào ngưỡng cửa ĐH.

Nhiều quy định nặng tính hình thức
Nhiều chuyên gia và lãnh đạo trường ĐH cho rằng hoạt động kiểm định như hiện nay chưa thực sự hiệu quả, thậm chí gây phiền nhiễu cho các đơn vị được kiểm định khi mà rất nhiều quy định về kiểm định nặng tính hình thức, không đánh giá được thực chất hoạt động của trường ĐH.
“Ví dụ Bộ yêu cầu bằng chứng là biên bản các cuộc họp trong 5 năm trở lại đây. Giả sử trường nào chưa hoạt động được 5 năm thì sao, chẳng lẽ không cho họ kiểm định? Kiểm định là thời điểm hiện tại, để yên tâm là trường đảm bảo hoạt động được. Giờ bắt các trường lôi biên bản họp, quyết định đi công tác 5 năm gần đây để ngồi xem, nhìn cái đống đó là chán chẳng muốn làm!”, ông Lê Trường Tùng than phiền.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, nhận xét quy định hiện hành về kiểm định vốn rất nhiều nội dung (10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí), dự thảo mới nhiều hơn gấp đôi. “Phải thu gọn thế nào cho người ta dễ nhớ, dễ thực hiện”, GS Thiệp nói.
Ông Tùng cũng nhận xét: “Kiểm định của mình dường như để nhân tiện thì phân tầng xếp hạng luôn, trong khi kể cả để xếp hạng, quốc tế họ cũng không cần đến hàng trăm điều khoản như thế. Trường FPT đăng ký rồi nhưng đang thấy nản vì thấy làm cho được thì rách việc quá. Để làm nhanh, đi đúng thực chất thì phải gộp vào, các tiêu chí phải rõ ràng”.

Chưa có quy định chế tài
“Bức tranh ĐH VN đang lộn xộn ở mức mà chỉ cần bằng quan sát trực tiếp đã có thể biết trường nào không đủ điều kiện để tồn tại. Nhờ kiểm định mà Bộ GD-ĐT có căn cứ để biết trường nào đáng giải thể”, GS Đinh Văn Sơn nhận xét.
Cũng theo GS Sơn, lẽ ra cần phải làm như các nước, tổ chức kiểm định phải là những đơn vị độc lập, nằm ngoài các đơn vị GD-ĐT thì thực sự trở thành một thiết chế phản biện xã hội. VN hiện có 4 trung tâm, trong đó có tới 3 trung tâm là trực thuộc các đơn vị ĐH, thành thử việc kiểm định là “quân ta đánh giá quân mình”.
GS Lâm Quang Thiệp cho rằng dù mình đã có một bộ tiêu chí tốt nhưng nếu cơ quan kiểm định thiếu đội ngũ chuyên gia, hoạt động không nghiêm túc… thì chất lượng kiểm định cũng sẽ thấp. Hiện nay không có chế tài xử lý các cơ sở kiểm định nếu kiểm định không trung thực, khách quan. “Các trung tâm kiểm định có quyền rất lớn. Quyền to thì trách nhiệm phải lớn, vì thế cần có các quy định chặt chẽ kèm theo chế tài về tổ chức hoạt động của các cơ quan này”, GS Lâm Quang Thiệp đề nghị.

TS Lê Trường Tùng cũng đặt vấn đề: “Tổ chức kiểm định đi kiểm định các trường, vậy ai kiểm các tổ chức kiểm định?”. Theo ông Tùng, tổ chức kiểm định cần được các đơn vị chức năng và xã hội giám sát. Muốn thế thì bộ tiêu chí kiểm định đừng có quá nhiều tiêu chí như hiện nay vì xã hội dẫu muốn cũng chẳng biết giám sát kiểu gì. “Các tiêu chí phải hết sức rõ ràng, để xã hội có thể giám sát được. Ví dụ giờ nói rường phải có tầm nhìn và sứ mệnh thì cơ sở kiểm định đánh giá kiểu gì chẳng được và xã hội sẽ giám sát cái gì ở tiêu chí này khi mà nó chẳng đo đếm được cái gì”, ông Tùng nói.
Còn GS Thiệp thì lo ngại: “Dự thảo quy định về kiểm định có yêu cầu trường nào muốn kiểm định phải ký hợp đồng kinh tế với cơ quan kiểm định. Điều này tiềm ẩn sự thiếu nghiêm chỉnh trong hoạt động kiểm định. Khi anh ký hợp đồng kinh tế nghĩa là anh thiết lập quan hệ mua bán với đối tác, như vậy sẽ nảy sinh nguyên tắc “thuận mua vừa bán”. Có hay không việc tôi trả cho anh nhiều tiền thì anh sẽ phải làm theo yêu cầu của tôi?”.

tin liên quan

ĐH Quốc gia TP.HCM có giám đốc mới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định bổ nhiệm ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TP.HCM giữ chức vụ Giám đốc ĐH này.

Kiểm định trong nước hay quốc tế?
Một số trường đang tính toán xem có nên đăng ký kiểm định quốc tế thay cho việc kiểm định trong nước.
Trước hết là do kiểm định trong nước quá ít đơn vị để lựa chọn. Ngoài ra, những trường muốn hội nhập thì cho rằng nên kiểm định quốc tế. “Nếu mình được kiểm định nội địa thì khi giới thiệu về mình với bạn bè quốc tế mình sẽ rất mất công để thuyết minh. Với lại thủ tục kiểm định nước ngoài cũng dễ hơn vì họ đi vào thực chất vấn đề”, ông Tùng nói.
PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị sắp sửa được kiểm định bởi một tổ chức của Pháp, cũng cho biết: “Các bộ tiêu chí kiểm định châu Âu không đi vào các chi tiết quá chặt chẽ. Họ tôn trọng sự tự do, sự đa dạng, không gò vào khuôn mẫu, nên chỉ đưa ra các yêu cầu chính. Việc cho điểm trên các tiêu chí chỉ là một phần, quan trọng là họ đi khảo sát để đánh giá được các vấn đề cốt lõi”.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện nay 20 trường đã được kiểm định xong, trong số đó 1 trường không đạt. Dự kiến, từ nay đến tháng 6.2017, sẽ tiếp tục triển khai kiểm định các trường theo bộ tiêu chí đã ban hành. Đến tháng 1.2018, sẽ tiến hành kiểm định theo tiêu chí AUN (Hiệp hội Các trường ĐH châu Á). Đồng thời, cùng với những đánh giá của thị trường, kết quả kiểm định chính là phương thức phân tầng xếp hạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.