(TNO) Đó là thắc mắc mà ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, đặt ra khi đọc thông tin về sự thiếu chuyên nghiệp trong việc quảng bá, xúc tiến của Việt Nam tại Expo 2015 ở Milan (Ý).
>> 'Tội nghiệp Việt Nam!'
>> Khách Việt phẫn nộ, nhục nhã khi ghé 'Ngôi nhà VN' ở Milan: VN trưng bày văn hóa, ẩm thực gì tại đây?
>> Khách Việt phẫn nộ, nhục nhã khi ghé 'Ngôi nhà Việt Nam' tại Expo 2015 ở Milan
Ẩm thực mà đại diện đến từ Việt Nam giới thiệu giống như đồ ăn công nghiệp - Ảnh: Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh cung cấp
Theo ông Nam, từ trước tới nay, nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài được giao cho Tổng cục Du lịch. Expo 2015 là triển lãm xúc tiến về du lịch thì lẽ ra Tổng cục Du lịch là nơi được giao nhiệm vụ thực hiện. Nếu làm không tốt, Tổng cục Du lịch phải chịu trách nhiệm.
“Vấn đề không phải là cách làm mà tại sao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lại giao một sự kiện xúc tiến du lịch quan trọng cho một tổ chức không có kinh nghiệm trong việc quảng bá du lịch”, ông Nam thắc mắc.
Theo ông Nam, mới đây Hội đồng Tư vấn du lịch đề xuất thành lập cơ quan quảng bá du lịch quốc gia. Tuy nhiên, đến nay đề xuất này chưa thành hiện thực.
|
“Đây là cơ quan độc lập hoạt động theo mô hình hợp tác công tư, có nhà nước, có doanh nghiệp, có nhà khoa học và chuyên môn. Do đó, cơ quan này sẽ có cách làm xúc tiến, quảng bá du lịch khác với trước”, ông Nam khẳng định.
Ở góc độ chuyên môn, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó giám đốc Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, cho biết khi tham gia triển lãm ở nước ngoài, bên tham gia cần quan tâm tiêu chí ban tổ chức đưa ra, từ đó lên “kịch bản” hút khách tham quan. Ngoài ra phía tham gia xúc tiến cần quan tâm tới thị hiếu của khách để đưa ra chương trình phù hợp.
“Như Expo là triển lãm về kinh tế du lịch thì yếu tố thương mại, du lịch phải đưa lên hàng đầu. Việc quảng bá hình ảnh đất nước cũng xuất phát từ yếu tố này”, bà Hoa nói.
Bà Hoa cho biết việc tham gia các hội chợ lớn ở nước ngoài đòi hỏi nhiều tiền đầu tư. Tuy nhiên, nếu làm tốt kết quả thu được rất lớn. Hình ảnh, văn hóa đất nước được giới thiệu rộng rãi. Khách nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh, du lịch, rồi giới thiệu cho bạn bè. Ký kết hợp đồng cũng từ hội chợ mà ra.
“Văn hóa Việt Nam không khó giới thiệu, trái lại có quá nhiều thứ để giới thiệu. Giới thiệu về đất nước, phong tục tập quán, trang phục, âm nhạc, ẩm thực. Nước mình lại có rất nhiều di tích thắng cảnh đẹp. Khách nước ngoài mê cảnh đẹp nước ta lắm. Quan trọng là mình quảng bá như thế nào thôi”, bà Hoa cho hay.
Khi giới thiệu, trình bày ở những cuộc xúc tiến tại nước ngoài, điều quan trọng là phải đáp ứng nhu cầu của khách. Bây giờ khách không chỉ có thị hiếu xem mà còn có nhu cầu được trải nghiệm, giao lưu, tham gia trực tiếp với nền văn hóa mà mình đang tham dự, tìm hiểu.
Bà Hoa nói: “Như trong một không gian văn hóa Việt Nam trưng bày ở triển lãm, khách đến thưởng lãm phải được trực tiếp tham gia vào các làng nghề, thao tác nghề, đánh đàn, thưởng thức ẩm thực. Nếu tổng thể làm tốt, khách sẽ tới thưởng ngoạn rất đông. Quan trọng là cách giới thiệu không được hời hợt mà phải có chiều sâu văn hóa”.
Bình luận (0)