Khó hút vốn đầu tư nước ngoài vào giao thông

13/12/2014 06:00 GMT+7

Dù Hợp tác công - tư (PPP), thu hút vốn từ các nhà đầu tư tư nhân được xem là kênh tối ưu để đáp ứng vốn cho hạ tầng giao thông nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Cần có chính sách hấp dẫn hơn để thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án hạ tầng - Ảnh: Ngọc Thắng

Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” do Bộ GTVT tổ chức hôm qua (12.12), Vụ phó Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Lê Tuấn Anh nhắc lại một số dự án PPP thất bại tại VN. Điển hình như dự án cầu ông Thìn, bãi đỗ xe ngầm tại TP.HCM, đường sân bay Liên Khương - đèo Prenn... tới nay vẫn chưa có đánh giá chính thức nào về hiệu quả PPP tại VN.

 

Chậm tiến độ phải trừ vào thời gian thu phí

Dẫn lại câu chuyện dự án Bắc Thăng Long - Nội Bài NĐT dự tính thu được 320 triệu đồng/ngày, nhưng Bộ GTVT vừa khảo sát lại lên tới hơn 700 triệu đồng/ngày, theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, dự báo không tốt, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước và người dân. “Hiện nay cả nước mới có 3 triệu ô tô, nhưng tới đây khi thuế giảm, ô tô sẽ tăng lên rất nhiều, dự báo phải đáp ứng được. Bộ sẽ tạo điều kiện nhất cho NĐT nhưng phải đảm bảo sự hài lòng cho người dân”, ông Thăng nói. Người đứng đầu ngành giao thông cũng khẳng định nếu NĐT dự án hoàn thành trước tiến độ sẽ cho thu phí ngay, không tính trong thời gian hợp đồng BOT, nhưng nếu chậm tiến độ sẽ trừ vào thời hạn thu phí.

Trong khi các nhà đầu tư (NĐT) VN yếu về tài chính, hạn chế về năng lực... thì các dự án giao thông vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các NĐT nước ngoài. Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco, chia sẻ: Có những dự án BOT Quốc lộ (QL) 1 đã mời các NĐT nước ngoài từ 10 năm qua nhưng họ vẫn không tham gia.

Bà Sindy Wong, Phó chủ tịch Tập đoàn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Ấn Độ (IL&FS), cho rằng VN đang rất thiếu quy định, thể chế và luật pháp để phát triển các dự án PPP. Để thu hút được vốn PPP, đầu tiên là cần sự ổn định về cơ chế chính sách, khi kêu gọi vốn cần xác định cả ngân hàng, Chính phủ và NĐT nước ngoài đều phải có lợi. Để giảm thiểu rủi ro, việc thu hút càng nhiều bên tham gia càng hiệu quả, các dự án qua hình thức liên doanh phải minh bạch, giảm thiểu chi phí.

Cần cơ chế cho ngân hàng

Theo ông Phạm Quang Dũng, nhà nước muốn đầu tư dự án với giá trị lớn, thời gian thu phí trên dưới 20 năm, nhưng các ngân hàng chỉ chấp thuận dưới 15 năm nên hai bên không gặp nhau. Dự án vay vốn 2.000 - 3.000 tỉ đồng, nhưng 7 -  10 năm đầu tiên mức thu không đủ trả lãi vay, chưa nói đến thu hồi vốn gốc. “Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế cho phép ngân hàng thương mại cho vay trên 20 năm, nếu không được thì Bộ GTVT nên điều chỉnh thời gian thu phí xuống 10 - 15 năm để giải quyết thời gian âm dòng tiền ban đầu”, ông Dũng nói.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Thế Trọng, tư vấn tài chính cho dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đề xuất thành lập quỹ bảo lãnh hạ tầng nhằm giảm chi phí đầu tư PPP, giảm thiểu rủi ro cho NĐT nhờ bảo hiểm trên tài sản. Thứ hai là cần nghiên cứu huy động vốn đầu tư hạ tầng trực tiếp từ quỹ bảo hiểm xã hội và quỹ hưu trí. 

Mai Hà

>> VN là thị trường hấp dẫn đầu tư nước ngoài
>> TP.HCM cam kết bảo vệ an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài
>> 4 dự án cảng hàng không kêu gọi đầu tư nước ngoài
>> Long An thu hút đầu tư nước ngoài hơn 3 tỉ USD
>> Nhà đầu tư nước ngoài vẫn ‘khoái’ bất động sản
>> Nhà đầu tư nước ngoài rối vì thủ tục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.