Nhà đầu tư nước ngoài rối vì thủ tục

30/11/2013 03:05 GMT+7

Những chi tiết nhỏ nhưng đã ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư của VN. Các nhà đầu tư nước ngoài nói như vậy tại buổi đối thoại với Tổng cục Hải quan ở TP.HCM sáng 29.11.

Những chi tiết nhỏ nhưng đã ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư của VN. Các nhà đầu tư nước ngoài nói như vậy tại buổi đối thoại với Tổng cục Hải quan ở TP.HCM sáng 29.11.

 Doanh nghiệp nước ngoài
Các nhà đầu tư nước ngoài trao đổi bên lề buổi đối thoại, nội dung vẫn là những bất cập trong quy định về thủ tục - Ảnh: N.Nga

 
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng phòng Mua hàng của Intel Vietnam, cho rằng quy định công ty nội địa bán hàng cho doanh nhân (DN) trong khu chế xuất (KCX) được coi là quan hệ xuất khẩu đã gây khó khăn không cần thiết cho DN. Một DN nội địa xin giấy phép nhập khẩu hóa chất về VN để bán hàng cho Intel VN có nhà máy trong Khu công nghệ cao đã phải xin tiếp giấy phép xuất khẩu vào cho DN trong KCX theo quy định. Chưa hết, để mua được hàng này, Intel VN lại phải xin giấy phép nhập khẩu từ DN nội địa. “Liệu có cách nào để đơn giản hóa các quy trình thủ tục này không?”, ông Tâm hỏi.

Theo đại diện Intel VN, DN đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã có giấy phép hoạt động đầu tư ngay trên lãnh thổ VN rồi, DN nội nhập hàng cũng đã qua sự kiểm định từ cơ quan hải quan với đầy đủ mã số hàng hóa, mã số thuế… Tại sao phải xin giấy phép nhiều như thế khi những quy định này không mang lại lợi ích gì cho Chính phủ lẫn DN. “DN mất thêm thời gian và chi phí bay ra Bộ Công thương xin giấy phép cho mỗi lần mua hàng, giá thành từ đó cũng khó cạnh tranh hơn”, ông Tâm nhấn mạnh.

Công ty Avery Dennison VN chuyên sản xuất và kinh doanh các thiết bị dán (100% vốn của Mỹ) trước đây giấy phép kinh doanh chỉ bán hàng trong nước, sau chuyển sang bán hàng thêm cho DN trong KCX, DN này đã xin giấy phép mới, trong đó đã bỏ phần “bán hàng trong nước”. Nhưng khi làm thủ tục hải quan để bán hàng vào KCX lại được hải quan thông báo là phải xin giấy phép kinh doanh khác, trong đó phải ghi rõ được phép xuất khẩu. “Tôi có gửi công văn hỏi ý kiến, Tổng cục Hải quan (TCHQ) trả lời DN ĐTNN đầu tư bên ngoài KCN được phép xuất nhập theo giấy phép đầu tư. Tôi không hiểu cách trả lời này và sẽ đưa mình đi tiếp như thế nào”, đại diện Avery Dennison VN thắc mắc.

Nhiều quy định chưa hợp lý

Theo đại diện một số DN ĐTNN có nhà máy trong KCX, với những mặt hàng nhạy cảm, siết chặt quản lý như hóa chất, chất gây nổ, nên áp dụng cách quản lý khác chứ không nên áp dụng cách quản bằng hàng loạt giấy phép như vậy.

Một trường hợp nhỏ khác nữa xảy ra với một DN ngành len đến từ Hàn Quốc, Công ty TNHH đan len Hak Gyun - Vina. Ông Kim Hak-gyun, Giám đốc công ty cho biết, DN được thành lập từ năm 2008, vì chưa hiểu luật nên không xin giấy phép có chức năng xuất nhập khẩu mà ủy quyền cho một công ty khác. Sau khi xuất hàng, hải quan ra quyết định ấn định thuế và kiểm tra công ty. Tuy nhiên, thời điểm hải quan xuống kiểm tra cũng là lúc công ty dời nhà máy. Điều này khiến hải quan hiểu nhầm là công ty bỏ trốn. Sau đó, tình cờ công ty biết, lên hải quan đóng phạt, nhưng cái án “ấn định thuế” vẫn còn treo đó. Mấy năm qua, DN gõ cửa khắp nơi để xin đóng phạt, xóa cái án “ấn định thuế” nhưng không cơ quan nào giải quyết được. Khá bất ngờ sau khi nghe trường hợp này, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM nói ngay: “Trường hợp này sẽ được xử lý ngay trong chiều nay” và yêu cầu DN lên gặp trực tiếp mình tại cơ quan để được giải quyết.

Trả lời các nhà ĐTNN, ông Vũ Ngọc Anh, Phó tổng cục trưởng TCHQ cũng cho rằng, trong quá trình kiện toàn các thủ tục hải quan đã phát hiện ra nhiều quy định bất hợp lý hoặc chồng chéo. TCHQ sẽ nghiên cứu và trao đổi với Bộ Công thương để đơn giản hóa thủ tục này.

Theo đại diện Phòng Thương mại Mỹ tại VN (Amcham), cơ quan hải quan cần đặt ra một mốc thời gian rõ ràng, chẳng hạn từ nay đến năm 2015 sẽ loại bỏ được bao nhiêu thủ tục bằng giấy trong hồ sơ hải quan, thời gian thông quan mỗi lô hàng giảm được bao nhiêu phút...? “Nên có thước đo tiêu chí thật cụ thể, có như vậy, DN chúng tôi cũng dễ quan sát và lên kế hoạch kinh doanh tốt hơn”, đại diện Amcham nói.  

Nguyên Nga

>> Đừng để TPP thành cứ điểm cho doanh nghiệp nước ngoài
>> Doanh nghiệp nước ngoài xuất siêu 5,4 tỉ USD
>> Hàng nhập khẩu kẹt thủ tục tại cảng
>> Doanh nghiệp bức xúc thủ tục hoàn thuế
>> Thủ tục cần thông thoáng
>> Nên quy định thời gian tối đa hoàn tất thủ tục hải quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.