Khó khăn phòng cháy, chữa cháy rừng

06/05/2014 10:20 GMT+7

Đà Nẵng bắt đầu vào mùa nắng nóng, thời tiết khô hanh, vì vậy, việc phòng chống cháy rừng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhưng, công tác này cũng đang gặp không ít khó khăn.

Khó khăn phòng cháy, chữa cháy rừng
Lực lượng đang tham gia chữa cháy một đám cháy rừng tại Hòa Khánh Bắc (Q.Liên Chiểu) - Ảnh: Bảo Nguyên

Trong năm 2013 và từ đầu năm 2014 đến nay, công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn Đà Nẵng đã được triển khai đồng bộ. Tình hình cháy rừng tại Đà Nẵng cũng được hạn chế ở mức tối đa, với kết quả 10 vụ cháy rừng trong năm 2013, thiệt hại hơn 14ha; và từ đầu năm đến nay, số vụ cháy rừng cũng xảy ra không đáng kể. Có được kết quả này, theo Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ việc theo dõi, quản lý chặt chẽ việc sử dụng lửa trong sản xuất lâm nghiệp đối với người dân. Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cũng được quan tâm, với việc TP đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng 1 bể chứa nước chữa cháy rừng 70m3, 1 hệ thống cấp nước cho xe chữa cháy rừng, các bảng cấp dự báo cháy rừng...

Công tác trực phòng cháy chữa cháy rừng cũng được lực lượng kiểm lâm thực hiện nghiêm túc. Việc cảnh báo nguy cơ cháy rừng thì được thực hiện hàng ngày đảm bảo thông tin kịp thời các cấp dự báo chý rừng đến các địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng thông qua nhiều kênh. Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai thực hiện quy chế phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng... Các các chủ rừng, các đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh trong rừng, ven rừng; các xã, phường có rừng... đã được tra chặt chẽ, yêu cầu khắc phục những thiếu sót trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng... Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm cũng thực hiện xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đốt lửa thực bì không báo cáo, không xin phép...

Còn quá nhiều khó khăn

Tại cuộc họp mới đây về công tác phòng chống, chữa cháy rừng tại Đà Nẵng, rất nhiều cơ quan chức năng liên quan đến công tác này cho rằng, còn rất nhiều khó khăn phòng, chữa cháy rừng và rừng luôn đối mặt với nguy cơ cháy rừng cao.

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu-địa phương có nhiều rừng chia sẻ, tại địa phương, có nhiều khu vực nghĩa trang nằm trong khu vực rừng. Việc kiểm soát người đốt vàng mã, đốt nhang... trong khu vực này gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, nguy cơ cháy rừng do tác nhân này là rất lớn. Dù vậy, những người đến đốt nhang, đốt vàng mã đa phần là những người từ những địa phương khác đến nên công tác tuyên truyền không dễ thực hiện.

Đại tá Nguyễn Phong, Phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy-Chữa cháy TP.Đà Nẵng cũng cho hay, việc chữa cháy rừng hiện nay là vô cùng khó, bởi hiện các khu vực của Đà Nẵng đa phần không có nguồn nước để phục vụ chữa cháy trên rừng. “Khi cháy rừng, kèm với gió lớn sẽ càng khiến cho đám cháy lan mạnh, nếu không có phương tiện chuyên dụng, nước... thì không thể nào nhanh chóng dập tắt đám cháy rừng. Nên chăng, tại các khu vực rừng, các đơn vị Kiểm lâm nên làm những khu vực trữ nước, như làm hố, rọ đá xung quanh để giữ nước, khi có sự cố có thể cơ động sử dụng lượng nước này để chữa cháy!” đại tá Nguyễn Phong nói thêm. “Tôi từng chỉ huy tham gia chữa cháy rừng, nhưng rõ ràng trang bị cho công tác chữa cháy rừng còn quá đơn giản, phương tiện còn thô sơ!”- đại tá Nguyễn Min, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng nhận xét.

Ông Nguyễn Hữu Thiết cũng cho hay, trong những đợt chữa cháy rừng xảy ra trên địa bàn quận Liên Chiểu, địa phương cũng huy động lực lượng có khi đến 500-700 người, nhưng chủ yếu đều được trang bị những phương tiện thủ công, không thể tiếp cận được đám cháy. “Nên chăng, trước mắt, cần phải đầu tư ít nhất cho mỗi xã, phường có rừng 1 máy khò để phục vụ công tác cháy rừng. Bên cạnh đó, cũng phải xây dựng những đập tự nhiên để trữ nước, để ngay khi có xảy ra, thì công tác chữa cháy rừng mới được thực hiện nhanh chóng và giảm thiểu thiệt hại...!” ông Thiết góp ý thêm.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.