Trong nhiều năm trước, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia luôn được nhắc đến nhiều trên báo chí, với những thông tin tích cực lẫn thông tin tiêu cực: lãng phí, thất thoát, trùng lắp, kém hiệu quả...
Nhưng chính trong thời điểm ngân sách ngày càng khó khăn, việc quan tâm đến hiệu quả, cách thức triển khai các chương trình này mới được nhìn nhận, đánh giá lại đầy đủ và có giải pháp rõ ràng.
Mới đây nhất, Chính phủ có bản báo cáo đầy đủ, đánh giá toàn diện các chương trình mục tiêu quốc gia gửi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Chính phủ tự đánh giá hiện có 16 chương trình là quá nhiều, trong khi đối tượng, cách thức, mục tiêu của nhiều chương trình giống nhau, gây trùng lắp, lãng phí trong thực hiện. Từ đó, Chính phủ đưa ra đề xuất rút gọn lại chỉ còn 2 chương trình là: xóa đói giảm nghèo bền vững và chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Dễ hiểu vì sao trong thảo luận, đóng góp ý kiến cho Tờ trình của Chính phủ về nội dung trên, 100% ý kiến các ĐBQH tán thành việc rút gọn lại 16 chương trình chỉ còn 2 chương trình như Chính phủ đề xuất. Nhưng điều đáng ghi nhận ở chỗ, các ĐBQH không chỉ phân tích những thất bại, những yếu kém trong tổ chức thực hiện của các chương trình trước đây mà còn đưa ra nhiều ý kiến xác đáng cho việc thực hiện 2 chương trình đã rút gọn trong thời gian tới.
Ví dụ như những ý kiến cho rằng, ngay cả khi còn 2 chương trình này vẫn còn có những sự trùng lắp về mục tiêu, đối tượng, cách thức triển khai như đều đặt trọng tâm vào xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu: trường học, trạm y tế... ở các vùng khó khăn. Đây là điều cần rút kinh nghiệm, nếu không, lại tiếp tục đầu tư trùng, lãng phí nguồn lực, chi phí hành chính.
Hay việc đầu tư, xây dựng mô hình “nông thôn mới” ở nhiều địa phương vừa qua, tuy có những kết quả tốt nhưng cũng không ít vấn đề như: việc huy động sức dân quá mức cho xây dựng hạ tầng; nhiều nơi đầu tư quá mức, để nợ đọng lớn... Tất cả, đòi hỏi Chính phủ, với việc tổ chức lại các chương trình, vừa phải nhìn lại bài học cũ, vừa xem xét kỹ các bài học mới để việc tổ chức có hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
Ở đây, đánh giá việc thực hiện các chương trình, cả QH và Chính phủ đều đồng lòng ở một điểm: các chương trình đó hết sức quan trọng, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền, nhất là các vùng khó khăn. Cho nên, việc QH thống nhất với đề nghị của Chính phủ dành một nguồn lực lên tới gần 1 triệu tỉ đồng trong 5 năm (2016 - 2020) cho thấy tầm quan trọng lớn đến thế nào của chương trình này.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, việc Chính phủ trình giải pháp mới, QH cùng bàn bạc chi tiết để việc thực hiện 2 chương trình có hiệu quả cao trong giai đoạn tới là điều rất đáng mừng.
Bình luận (0)