Khổ như... nhân chứng - Kỳ 4: Hoang mang khi đụng chuyện

03/10/2013 00:05 GMT+7

Nhân chứng chỉ là người chứng kiến sự việc và tường trình lại toàn bộ diễn biến để giúp cơ quan điều tra phá án. Nhưng có “vướng” vào rồi mới biết là quá khổ...

Khổ như... nhân chứng - Kỳ 4: Hoang mang khi đụng chuyện

Minh họa DAD

Nhân chứng cũng bị dọa, bị đe

 

Xét góc độ nào đó thì nhân chứng được coi như là “ân nhân” của cơ quan nhà nước. Thế nhưng trên thực tế, nhiều nơi đang đối xử với “ân nhân” không phải phép

Luật sư Trương Anh Tú

Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP.Hà Nội - cho biết trong quá trình tham gia bào chữa các vụ án, ông đã chứng kiến nhiều trường hợp, do tác phong, cách ứng xử của một số cán bộ điều tra khiến nhân chứng… sợ.

Theo ông Tú, người làm chứng không có gì sai trái, ngược lại họ là người cung cấp cho cơ quan điều tra, các cơ quan nhà nước nhiều thông tin hữu ích để đánh giá sự việc, một vấn đề hay một vụ án cho chính xác, khách quan, trung thực. Xét góc độ nào đó thì nhân chứng được coi như là “ân nhân” của cơ quan nhà nước. Thế nhưng trên thực tế, nhiều nơi đang đối xử với “ân nhân” không phải phép.

Vị luật sư này dẫn chứng về một vụ cố ý gây thương tích xảy ra gần đây ở một cơ quan trong nội thành Hà Nội và cho biết trong vụ án này, khi nhân chứng trả lời không đúng ý điều tra viên thì bị nạt nộ, dọa khởi tố về việc khai báo không trung thực, thậm chí điều tra viên thường xuyên ra lệnh bằng điện thoại, bắt người làm chứng phải có mặt tại trụ sở công an đúng ngày giờ. “Với cách làm việc như vậy, nhân chứng sợ, họ cảm thấy mình gần tiến đến tình trạng tội phạm”, luật sư này nói.

Tương tự, anh N.V.L (ngụ Q.Gò Vấp) cũng từng phát hoảng vì đứng ra làm chứng. Cụ thể,  trong một lần đi đường, anh vô tình chứng kiến vụ đâm chém nên đứng ra làm chứng. Trong biên bản tường trình đầu tiên anh ghi địa chỉ theo hộ khẩu ở Long An. Công an gửi giấy triệu tập anh không nhận được nên sau đó đích thân công an khu vực đến tận nhà làm việc với ba, mẹ anh ở Long An kêu anh về địa phương ghi lời khai và đe “kêu nó về đi, nó mà không ra làm chứng là bị bắt đi tù đó nha!”. Nghe gia đình báo, anh cấp tốc xin nghỉ làm để về quê ghi lời khai và cung cấp địa chỉ ở Gò Vấp để tránh làm ảnh hưởng đến gia đình. Nhưng nào có yên thân. “Cán bộ điều tra đến tận công an phường nơi tôi cư ngụ, nhờ công an khu vực mời tôi lên công an phường làm việc và trước khi ra về thì “nhắn” miệng với công an khu vực là “đừng cho ông này đi đâu” như một lệnh miệng cấm tôi đi khỏi nơi cư trú vậy. Họ cứ coi mình như tội phạm ấy”, anh L. bức xúc nói.

Nhân chứng bị “định hướng”

Bà Nguyễn Thị M. (50 tuổi) ngụ ở Q.Đống Đa, TP.Hà Nội cho biết, năm 2011, vợ chồng bà chứng kiến một vụ hai nhóm thanh niên dùng dao chém nhau và được cơ quan công an mời làm việc với tư cách là nhân chứng. Quá trình làm chứng, vợ chồng bà M. đã viết một số tường trình tại phường và quận nhưng sau đó bị điều tra viên “bác” vì nhiều chi tiết khác nhau. "Tôi giải thích là không có việc khác nhau mà chỉ có bổ sung thêm vì lúc đầu lên phường là gấp chỉ nhớ được như thế, còn lúc lên quận thì có thời gian nên nhớ thêm thì bổ sung thêm, nhưng bản chất thì không thay đổi”, bà M. kể.

Tuy nhiên, điều khiến bà M. bức xúc là quá trình lấy lời khai, một số điều tra viên có hành động khó hiểu. "Họ nói trong lời khai trước đây của tôi có việc A việc B, nên tường trình này cũng phải bổ sung thêm vào. Nhưng tôi nhớ là hoàn toàn không có việc đó. Tôi có cảm giác họ muốn tôi khai theo ý của họ”, bà M. cho hay.

Anh Nguyễn Mạnh H., một nhân chứng trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường Láng - Hòa Lạc năm 2001 khiến 2 bé gái tử vong cũng cho biết, do vụ án phức tạp phải điều tra nhiều lần, qua nhiều cấp và nhân chứng mất rất nhiều thời gian để làm việc với cơ quan điều tra và chưa từng được nghe cơ quan nhà nước đề cập đến kinh phí hỗ trợ người làm chứng. Đáng chú ý, anh H. nói đã từng nhận được gợi ý khai theo ý của điều tra viên để được bồi dưỡng. “Quá trình làm chứng, tôi được họ gợi ý khai lúc có lợi cho bên này, lúc thì có lợi cho bên kia tùy theo mỗi lần điều tra. Điều này khiến bản thân tôi rất hoang mang”, anh H. kể.

Anh L.Q.H (ngụ Q.Tân Phú), một người từng làm nhân chứng, cũng than phiền: “Tui từng ra phường làm chứng một vụ đạp xe, giật túi xách và cũng toát mồ hôi hột khi tui đang kể lể sự việc thì bị anh công an nạt “Ông biết thế nào là cướp không mà bảo người ta cướp. Nói năng lung tung…”. Tụi tội phạm nó phạm tội gì là do cơ quan nhà nước quyết định, tui là dân đen có biết luật liếc gì đâu mà chỉnh tui. Đúng là làm ơn mắc oán!”.

Ngại làm chứng, vì sao ?

“Theo quy định, cơ quan nhà nước khi mời nhân chứng lên làm việc phải có giấy mời, khi nhân chứng đến thì phải được cơ quan điều tra giải thích quyền lợi nghĩa vụ của nhân chứng. Thậm chí, cơ quan điều tra còn phải xin phép cơ quan - nơi làm việc của nhân chứng cho nghỉ việc và bồi hoàn kinh phí cho nhân chứng trong thời gian làm chứng. Tuy nhiên tôi gặp nhiều trường hợp, cơ quan điều tra gọi điện yêu cầu nhân chứng phải đến cơ quan điều tra ngay, cách thức làm việc thì nạt nộ hách dịch”, luật sư Trương Anh Tú cho biết.

"Người làm chứng không đứng về bên nào nhưng khi ra làm chứng rất có thể làm bất lợi cho một trong hai bên tranh chấp, theo đó sẽ gây thù chuốc oán, cho nên quan điểm của không ít người là thêm bạn bớt thù. Bên cạnh đó, việc mất nhiều thời gian, mất tiền bạc, dù nhà nước có quy định nhưng trong nhiều năm hành nghề luật sư, tôi chưa thấy trường hợp nhân chứng nào được các cơ quan nhà nước trả tiền, có vẻ như họ quên, không ai đề cập, kể cả nhân chứng. Thứ nữa là cách làm việc của cơ quan triệu tập nhân chứng không khoa học, có thể qua làm việc một lần sẽ lấy hết lời khai nhưng hôm nay gọi lên chỉ hỏi dăm điều, mai nghĩ ra lại gọi tiếp khiến nhân chứng nản lòng", luật sư Tú nói.

Lê Nga - Thái Sơn - Hoàng Trang

>> Khổ như... nhân chứng
>> Khổ như... nhân chứng - Kỳ 2: Đang ôn thi thì công an dẫn đi...
>> Khổ như... nhân chứng - Kỳ 3: Tổ trưởng dân phố cũng sợ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.