Khó phạt tiền người say rượu, cởi trần

08/06/2013 03:05 GMT+7

Theo nhiều chuyên gia, dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình do Bộ Công an soạn thảo có khá nhiều quy định không khả thi, khó đi vào cuộc sống.

Chỉ được say rượu ở nhà

Trong đó, điều 13 của dự thảo quy định mức phạt cảnh cáo hoặc tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các điểm đang hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nơi đang làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức...; có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng. Tại điều 34 dự thảo quy định mức phạt tương tự đối với hành vi say rượu, bia ở công sở, nơi làm việc, trong các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trên các phương tiện giao thông và những nơi công cộng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, các quy định trong dự thảo đã từng được quy định tại Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, chứ không phải là quy định mới của dự thảo nghị định xử phạt lần này như một số trang mạng đưa tin. Vấn đề chỉ khác ở chỗ là mức phạt cho các hành vi vi phạm trên được quy định theo hướng tăng nặng hơn trước.

 Khó phạt tiền người say rượu, cởi trần
Minh họa: DAD

Tuy nhiên, đứng ở góc độ khả thi của quy phạm pháp luật, theo ông Hậu cần phải nghiên cứu kỹ, bởi lẽ trong khoảng 3 năm thực hiện các quy định trên theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP thì hầu như chưa có trường hợp nào bị xử phạt vì hành vi không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các điểm đang hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nơi đang làm việc của các cơ quan nhà nước hoặc chửi tục nơi công cộng hoặc hành vi say rượu, bia tại ở công sở, nơi làm việc, trong các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trên các phương tiện giao thông và những nơi công cộng. “Vậy liệu quy định xử phạt lần này có được thực thi trên thực tế? Tôi cho rằng sẽ rất khó để chúng ta thực hiện, đặc biệt là khâu phát hiện vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và việc xác định người có thẩm quyền xử phạt. Mặt khác, chúng ta cũng rất khó xác định thế nào là “say” rượu, bia, uống bao nhiêu chai rượu, lon bia thì mới gọi là say? Trong trường hợp này chúng ta không thể sử dụng máy đo nồng độ cồn để kiểm tra nồng độ cồn như trong lĩnh vực xử phạt hành chính về giao thông đường bộ”, ông Hậu nói.

 

Chúng ta cũng rất khó xác định thế nào là “say” rượu, bia, uống bao nhiêu chai rượu, lon bia thì mới gọi là say?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng bên cạnh yêu cầu pháp luật phải có tính khả thi, thì một trong ba thuộc tính của pháp luật là tính quy phạm phổ biến. Liệu những hành vi như không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót tại nơi công cộng, công sở, nơi đông người có phải là những hành vi mang tính phổ biến nên pháp luật cần phải điều chỉnh không. “Tôi cho rằng là không, những hành vi này chưa đến mức để pháp luật điều chỉnh, thiết nghĩ rằng hiện tại chúng ta nên để quy phạm đạo đức và dư luận xã hội điều chỉnh những hành vi này. Trường hợp có người có những hành vi trên thì chúng ta có thể tuyên truyền, nhắc nhở và giáo dục họ để họ sửa sai, không nhất thiết phải quy định thành luật”, ông Hậu phân tích. 

Chỉ xử lý người mặc quần áo hở hang khiêu dâm

Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), cho biết dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được trình Chính phủ trong thời gian tới để đáp ứng với luật Xử lý vi phạm hành chính, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7.

Từ góc độ cơ quan soạn thảo, trung tướng Tô Thường đưa ra cách nhìn nhận: “Liệu chúng ta có chấp nhận xây dựng một nền văn hóa có người cởi trần truồng ra nơi công cộng hay không. Quy định của nhà nước rõ ràng là không cho phép làm như vậy, quy định đưa ra phạt hay không là một việc khác nhưng qua đó để người dân thấy đó là những việc làm không đúng”, ông Thường nói.

Theo trung tướng Tô Thường, với các quy định tại điều 13 hay 34 của dự thảo nghị định được hiểu theo tinh thần là chỉ xử lý đối với những người mặc áo quần hở hang mang tính khiêu dâm chứ không thể xử lý người mang quần đùi áo may ô đi tập thể dục. Tương tự, chỉ xử phạt đối với người say rượu bia quậy phá, gây sự ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung. “Có thể trong dự thảo về mặt câu chữ, lý lẽ chưa chặt chẽ hợp lý thì cần phải điều chỉnh, bổ sung và chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp”, ông Thường nói.

Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, tiến sĩ Lê Hồng Sơn, chuyên gia về văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp, cho rằng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính sẽ khó có thể ban hành vào thời điểm luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, bởi đến nay còn phải lấy ý kiến, sau đó có sự thẩm định của các cơ quan chuyên môn. Việc ban hành soạn thảo nghị định này sẽ là thách thức lớn đối với cơ quan chức năng cũng như áp dụng trên thực tế bởi phạm vi điều chỉnh rất lớn, nhiều nội dung quản lý, trong khi đó có nhiều nội dung về quản lý chưa có hoặc chưa đầy đủ. Đấy là chưa kể đến hàng loạt bất cập do sự khác biệt về văn hóa, nếp sống của người dân ở từng vùng miền khác nhau, các thiết chế xã hội thiếu tính kết nối.

Thái Sơn

> Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị
>> KBS cấm phát "Gentleman" vì cảnh quay thiếu văn minh
>> Nhà lữ hành giữa các nền văn minh
>> Tập hợp thanh niên địa phương trong xây dựng văn minh đô thị
>> Tri ân chiến sĩ Trường Sa và xây dựng văn minh đô thị
>> Thanh niên hành động vì văn minh đô thị
>> Xây dựng văn minh đô thị
>> Vận động Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị
>> Đến Đà Nẵng, đi chợ... văn minh! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.