Khó phát triển du lịch sinh thái ven hồ Trị An?

Lê Lâm
Lê Lâm
23/04/2023 06:20 GMT+7

Ngày 21.4, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp với sở ngành liên quan cùng UBND H.Vĩnh Cửu và Công ty thủy điện Trị An để nghe báo cáo về Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cũng như tình hình xử lý các điểm du lịch tự phát ven hồ Trị An.

Hồ Trị An rộng 323 km2, hình thành từ công trình thủy điện Trị An thuộc địa phận 4 huyện của Đồng Nai gồm: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất và Định Quán, cách TP.HCM khoảng 70 km. Trên hồ có 76 đảo lớn nhỏ.

‘Gỡ khó’ cho du lịch sinh thái hồ Trị An

Du lịch tự phát "nở rộ" sau dịch Covid-19

Do có phong cảnh đẹp nên hồ Trị An được nhiều bạn trẻ tìm đến vui chơi, cắm trại, câu cá dịp cuối tuần hoặc lễ, tết. Đặc biệt khu vực hạ hồ, nơi đặt nhà máy thủy điện Trị An (thuộc H.Vĩnh Cửu) đến mùa khô nước rút, để lại những bãi tắm tuyệt đẹp, đất sỏi nhỏ, êm mịn, sạch, ráo.

Do có đến 40 km tiếp giáp hồ Trị An nên xã Mã Đà hiện nay có nhiều điểm du lịch sinh thái tự phát mọc lên. Ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà, cho hay: "Du lịch tự phát nở rộ từ sau dịch Covid-19. Lúc đó, có nhiều người dân từ TP.HCM, Biên Hòa (Đồng Nai) đổ về chơi, họ mang theo lều bạt cắm trại, ngủ qua đêm. Người dân địa phương thấy vậy cũng mua lều bạt cho thuê mướn rồi từ đó hình thành nên du lịch tự phát".

Khó phát triển du lịch sinh thái ven hồ Trị An? - Ảnh 1.

Du lịch tự phát trên hồ Trị An nở rộ từ sau dịch Covid-19

Lê Lâm

Còn ông Nguyễn Cao Tài, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu, cho biết qua rà soát trên địa bàn huyện có 52 điểm du lịch sinh thái tự phát tại 3 xã Mã Đà, Hiếu Liêm và Phú Lý (có tiếp giáp lòng hồ Trị An). Đến nay đã xử lý được 38 điểm, trong đó nhiều nhất là xã Mã Đà với 23 điểm.

Theo ông Tài, các điểm du lịch sinh thái tự phát đã vi phạm xây dựng trái phép, xâm phạm lòng hồ Trị An… Do đó, UBND huyện yêu cầu địa phương xử lý, chứ nếu để phát sinh ồ ạt về sau, rất khó giải quyết. Cũng theo ông Tài, huyện căn cứ vào cột mốc cốt 62 (cao trình hồ Trị An 62 m) để phân loại xử lý.

Xem nhanh 20h ngày 23.4: ‘Hoài Thatcher’ bị bắt | Cập nhật vụ xe chở ma túy tông CSGT và 2 người dân

Cụ thể những công trình nằm dưới cốt 62 (vùng đất bán ngập và ngập nước) thì cương quyết dẹp bỏ vì theo quy định khu vực này thuộc đất công, chỉ trồng cây ngắn ngày. Khu vực từ cốt 62 đến 62,9 cũng không được phép xây dựng. Đối với những công trình trên cốt 63, nếu sử dụng đất không đúng mục đích thì xử lý.

"Quan điểm của huyện nếu đất người dân sử dụng chính chủ và có đất ở (thổ cư - PV) thì sẽ xem xét mức độ công trình xây dựng có kiên cố hay không để giải quyết một phần nhu cầu du lịch sinh thái trên địa bàn. Tạm thời huyện chưa chỉ đạo xử lý đối với những công trình này", ông Tài nhấn mạnh.

Khó phát triển du lịch sinh thái ven hồ Trị An? - Ảnh 2.

Một công trình du lịch sinh thái khá kiên cố ở xã Mã Đà

Lê Lâm

Phát triển du lịch sinh thái: vướng luật

Cũng tại cuộc họp, đại diện các sở ngành liên quan và địa phương đã trình bày nhiều ý kiến tiếc nuối khi không thể hoặc khó phát triển du lịch sinh thái hồ Trị An do vướng nhiều luật.

Ông Trần Đức Sơn cho biết xã có 7 ấp, thì người dân 2 ấp (1 và 2) đến nay vẫn chưa được cấp quyền sử dụng đất do nguồn gốc vẫn thuộc đất công, đất rừng giao khoán. "Nếu dân được cấp quyền sử dụng đất, phù hợp quy hoạch thì lúc đó chuyển đổi mục đích để phát triển du lịch sẽ dễ dàng hơn", ông Sơn nêu ý kiến.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, dẫn quy định đối với đất rừng giao khoán, người dân chỉ được sản xuất lâm nghiệp và làm nhà tạm. "Ràng buộc trong hợp đồng rồi, không được làm thứ khác", ông Hảo khẳng định.

Ông Hảo nói thêm: "Hồ Trị An mang tính đặc thù, ngoài phục vụ thủy điện thì còn là khu bảo tồn cấp nước nội địa, nên người dân xây dựng, làm chòi hay nhà dã chiến trên vùng đất thuộc lòng hồ là không đúng". Đại diện Sở TN-MT Đồng Nai thì phân tích: "Luật Đất đai quy định, nếu đất rừng mà xây dựng điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thì phải là đất dịch vụ, không còn đất rừng nữa".

Đề xuất giải pháp, ông Nguyễn Cao Tài kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở TN-MT có hướng dẫn mức độ cho phép các công trình tạm ra sao để người dân có thể vừa sản xuất nông nghiệp vừa phát triển du lịch sinh thái. Về phía người dân, để được xem xét hoạt động du lịch sinh thái thì trước hết phải là người trực tiếp nhận đất giao khoán rừng hoặc đã được cấp quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, PCCC và đảm bảo an ninh trật tự, môi trường. "Và quan trọng nhất là phải có ý kiến của Khu bảo tồn về sử dụng đất rừng và lòng hồ", ông Tài nhấn mạnh.

Ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai, đồng tình với cách xử lý của chính quyền địa phương. Theo ông Ninh, chính quyền sớm có hướng dẫn để người dân thực hiện đúng và chỉ cho phép các điểm du lịch sinh thái hoạt động khi đảm bảo các yếu tố liên quan như phải tập huấn cứu nạn cứu hộ, PCCC, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhận định nhu cầu du lịch của người dân là có thật, tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh về du lịch và Vĩnh Cửu lại có thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái nên cần phát huy.

"Cái chính là bây giờ chính quyền phải tạo cơ chế và hướng dẫn cho người dân, nhà đầu tư thực hiện cho đúng", ông Phi kết luận. 

Lo lắng ô nhiễm nguồn nước

Có mặt tại cuộc họp, ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty thủy điện Trị An, cho hay: "Công ty rất lo lắng việc mất an ninh vì người ra vào nhiều không kiểm soát được. Rồi vấn đề ô nhiễm, người dân đến vui chơi xả rác đầy bờ đập, tháng nào công ty cũng thuê người dọn. Hồ Trị An là hồ đặc biệt quan trọng quốc gia, cung cấp nước không chỉ cho Đồng Nai mà cung cấp đến 70% khu vực Đông Nam bộ".

Bên cạnh đó, ông Nhẫn cũng lo ngại tình trạng "xẻ thịt", lấn chiếm lòng hồ nếu tình hình du lịch sinh thái tự phát không được quản lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.