Kho phim Việt quý bao giờ mở cửa?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
05/11/2022 07:05 GMT+7

Trung tâm phát hành phim trực tuyến được xây dựng để đưa hàng ngàn phim VN có chất lượng tới công chúng trên mạng.

Của quý giữ trong kho

TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), đánh giá năm 2013 là một mốc quan trọng của điện ảnh Việt khi hoạt động sản xuất phim hầu như đã hoàn toàn chuyển từ công nghệ phim nhựa sang công nghệ phim kỹ thuật số. Cả hai phim truyện nhận Bông sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam năm đó đều là phim số: Những người viết huyền thoại (Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất) và Scandal - Bí mật thảm đỏ (Công ty CP phim Thiên Ngân và Công ty Giải trí Ngôi sao sản xuất). “Sau 10 năm không còn sản xuất phim nhựa, việc chuyển đổi số trong cách tiếp cận người xem đã trở thành nhu cầu cấp thiết đối với ngành điện ảnh Việt Nam”, bà Thu Hà đánh giá.

Những người viết huyền thoại ra đời năm 2013 đánh dấu thời kỳ hầu như các phim đều chuyển sang quay kỹ thuật số của điện ảnh Việt Nam

tư liệu

Cũng theo bà Hà: “Có một thực tế là hằng ngày người dân vẫn xem nhiều phim nước ngoài trên các nền tảng trực tuyến của các nhà cung cấp dịch vụ của nước ngoài, trong khi phim Việt Nam lại thiếu nền tảng số của quốc gia để phổ biến. Hàng trăm, hàng ngàn bộ phim Việt Nam có chất lượng, những tác phẩm điện ảnh có giá trị sống cùng năm tháng nhưng do nhiều nguyên nhân vẫn chưa được đưa đến với rộng rãi nhiều thế hệ công chúng trên không gian mạng”.

Vì thế, theo bà Hà, việc xây dựng đề án Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến từ tháng 10.2021 có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa những tác phẩm điện ảnh Việt Nam có giá trị nội dung và nghệ thuật đến khán giả trên nền tảng trực tuyến. Theo đó, trung tâm sẽ là nơi lưu giữ và phổ biến các tác phẩm điện ảnh dưới dạng số hóa qua các thời kỳ bao gồm cả phim truyện, phim tài liệu, khoa học, hoạt hình...

“Hiện nay, kho phim của Viện Phim Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam… có tới hàng nghìn bộ phim tương đương với nhiều nghìn giờ phim nhưng đa phần được lưu giữ ở dạng phim nhựa cất trong kho”, bà Hà cho biết.

Phim Việt cũ trên mạng

Chụp màn hình

Lo lắng tốc độ số hóa và bản quyền

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó viện trưởng Viện Phim Việt Nam, cho biết Viện đang lưu trữ 80.000 cuốn phim nhựa. Viện cũng đang số hóa lượng phim nhựa này. “Mỗi năm viện số hóa được khoảng 700 cuốn phim, chứ không phải bộ phim, có phim 5 cuốn, có phim 6 cuốn”, ông Hoàng nói. Cũng theo ông Hoàng, việc số hóa phim không chỉ là scan ra, lưu trữ dữ liệu đơn thuần mà còn phục chế phim. Cái gì chưa tốt thì làm tốt hơn, chưa nét thì làm nét hơn.

Về việc với tốc độ này thì gần 80.000 cuốn phim nhựa bao giờ số hóa xong, ông Hoàng cho biết: “Không ai để mãi như vậy được vì Bộ VH-TT-DL cũng như các đơn vị thuộc bộ cũng đang cùng viện phim số hóa nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tôi tin thời gian ngắn sẽ có giải pháp kinh phí”.

Ông cũng nêu các vấn đề liên quan: “Chúng tôi thực hiện bảo quản theo đúng quy trình. Còn nếu số hóa cả kho thì cần một nguồn kinh phí rất lớn. Cũng như số hóa rồi phải có kho lưu trữ số, nghĩa là đầu tư số hóa thì đầu tư cả kho lưu trữ. Tiếp theo là quy trình vận hành. Số hóa không có nghĩa là số hóa để đấy mà quy trình vận hành sao có cơ sở khoa học nhất để khai thác phục vụ người dân tốt nhất”.

Nếu tốc độ số hóa đang “như rùa” thì bản quyền phim cũng có thể gây tranh cãi. Hãng phim truyện Việt Nam đã được cổ phần hóa. Theo luật, tài sản của hãng này sau cổ phần hóa sẽ thuộc về chủ mới. Chính vì thế, dù phim của Hãng phim truyện Việt Nam có được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam, hay sau này là Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến vẫn khó khẳng định đây là tài sản nhà nước.

Những người quan sát phim trên mạng có thể thấy nhiều bộ phim của hãng như Những người viết huyền thoại, Bao giờ cho đến tháng mười, Đến hẹn lại lên… đang được khai thác trên YouTube hoặc các fanpage… Trên kênh Youtube Phim hay điện ảnh có những phim như vậy, thông tin hiển thị cho biết bản quyền thuộc về BH Media Corp. Như vậy, nếu kho của Viện Phim Việt Nam hay Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến có những phim này, họ có được quyền khai thác online hay không. Câu hỏi này nhắc nhớ đến việc Viện Phim Việt Nam từng đưa một loạt phim trong kho lên YouTube và sau đó bị yêu cầu ngừng lại vì chưa xin phép Cục Điện ảnh.

Một chuyên gia kinh tế lưu ý khi xây dựng Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến là xu hướng hợp tác công tư, có nghĩa là các kho phim nhựa (nếu có) hoàn toàn có thể có sự hỗ trợ số hóa từ tư nhân, để đổi lấy quyền lợi tương đương. Kho phim số sau đó cũng có thể hợp tác khai thác nội dung cùng các công ty không phải của nhà nước. Điều đó giúp phim có thể đến với số đông công chúng rộng rãi. Tuy nhiên, nó cũng có thể là “thiên đường” của việc bán tháo tài sản công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.