Khó quản lý người nghiện ma túy vì quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhau

Ngọc Lê
Ngọc Lê
14/05/2020 19:32 GMT+7

Các đại biểu cho rằng hiện còn nhiều mâu thuẫn giữa luật xử lý vi phạm hành chính và luật phòng chống ma túy về quản lý sau cai nghiện.

Ngày 14.5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát về việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2019.

Quản lý tiền chất có nhiều sơ hở, thiếu sót

Đại biểu (ĐB) Mai Trung Thành (Phó viện trưởng Viện VKSND TP.HCM) cho biết, việc quản lý tiền chất sản xuất chất ma tuý đang có nhiều vấn đề trong khi các đối tượng sản xuất ma tuý ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Vì vậy, theo ĐB Thành cần có biện pháp giải quyết kịp thời, nhanh chóng.

ĐB Thành cho rằng quản lý tiền chất còn nhiều sơ hở

Ảnh: Ngọc Lê

ĐB Dương Ngọc Hải (trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM) cũng nhấn mạnh, việc quản lý tiền chất ma túy qua xuất nhập khẩu, kinh doanh, y tế, công nghiệp còn nhiều sơ hở, thiếu sót dẫn đến tạo nhiều kẽ hở cho tiền chất ma túy từ nước ngoài tuồn vào VN và từ VN đi ra nước ngoài. Bất cập này đã dẫn đến sản xuất ma túy diễn biến phức tạp, chẳng hạn vừa rồi TP phát hiện nhiều vụ sản xuất ma tuý quy mô lớn, người nước ngoài đứng đầu.
 
Theo ĐB Hải, hiện nay còn nhiều mâu thuẫn giữa luật xử lý vi phạm hành chính và luật phòng chống ma túy về quản lý sau cai nghiện. Bởi theo khoản 2 điều 28 Luật phòng chống ma tuý năm 2000 quy định việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh. Tuy nhiên, theo điều 105 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện.
Ngoài ra, ĐB Hải phân tích thêm, theo quy định tại khoản 1 điều 29 Luật phòng chống ma tuý năm 2000 thì người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ. Tuy nhiên, theo khoản 1 điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính thì quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc đối với người nghiện ma tuý từ 18 tuổi trở lên, không có quy định áp dụng bắt buộc đối với người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trong khi đây là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt hơn, cần phải điều trị nghiện kịp thời mới hiệu quả, bởi nếu để 6 năm sau cho người nghiện đủ 18 tuổi mới điều trị thì tình trạng nghiện của đối tượng ngày càng nặng, khó điều trị.
Đặc biệt, theo ĐB Hải, hai luật này còn mâu thuẫn nhau ở chỗ Luật phòng chống ma tuý quy định người nghiện ma tuý sau khi chấp hành xong thời gian cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện phải chịu sự quản lý sau cai nghiện từ 1 - 2 năm. Tuy nhiên, luật xử lý vi phạm hành chính không quy định biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý, như vậy con nghiện cai nghiện dễ tái nghiện.
“Do đang vướng những quy định nói trên nên nhiều trường hợp chúng ta làm chưa triệt để vì cần quản lý sau cai để hòa nhập, tránh tái nghiện”, ĐB Hải nhấn mạnh.

Phải giải bài toán khi luật có nhiều mâu thuẫn 

Trả lời ý kiến của các ĐB, đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP.HCM nhấn mạnh, tội phạm vận chuyển tiền chất từ VN ra nước ngoài qua các công ty chuyển phát nhanh, chủ yếu là đi Úc, phát hiện các vụ vận chuyển tiền chất với số lượng lớn, nghi vấn được tuồn ra từ các công ty dược phẩm hoặc chiết xuất ngược nhưng chưa làm rõ được nguồn gốc xuất xứ.
Theo đại tá Nhàn, UBND TP sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống ma tuý và luật xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện ma tuý cho phù hợp. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết quy định về việc cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện đối với người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ. Quy định về việc có tiếp tục quản lý sau cai nghiện ma tuý theo Luật phòng chống ma tuý hay không?
Kết luận buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP ghi nhận tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, số vụ tăng, quy mô tăng.  
Theo bà Tuyết, thời gian qua TP luôn quan tâm, thực hiện tốt việc thực hiện phòng chống ma túy. Tuy nhiên, về mặt pháp luật có nhiều vướng mắc, như việc quản lý người nghiện, đưa đi cai nghiện, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự.
Bà Tuyết cũng đề nghị, Công an TP rà soát lại các kiến nghị của ĐB, trong thực tế có hay không tình trạng tập trung phá các vụ ma túy lớn mà bỏ quên xử lý các vụ mua bán nhỏ lẻ trên địa bàn. “Chúng tôi ghi nhận các kiến nghị của UBND TP để có báo cáo gửi đến quốc hội, chính phủ, các nghành, cơ quan trung ương”, bà Tuyết kết luận.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.