Năm 2005, UBND H.Đô Lương, Nghệ An qui hoạch xây dựng cụm tiểu công nghiệp tại xã Thượng Sơn do UBND xã làm chủ đầu tư để “công nghiệp hóa nông thôn”. Dù không được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt vì cơ sở này nằm trong khu dân cư, nhưng H.Đô Lương vẫn cho 6 đơn vị mở cơ sở sản xuất.
Công nhân bị xã còng tay, ép bỏ việc
Cơ sở Luận Phượng (sản xuất hạt nhựa) là một trong 6 doanh nghiệp kể trên, từ năm 2008 cơ sở này trở thành nỗi sợ hãi của người dân vì gây ô nhiễm khói, bụi, nước thải và tiếng ồn.
Sau khi yêu cầu cơ sở này ngừng sản xuất và khắc phục việc gây ô nhiễm không kết quả, chính quyền xã Thượng Sơn đã nhiều lần đột kích cơ sở này để buộc ngừng sản xuất nhưng Luận Phượng vẫn tiếp tục sản xuất.
Không “làm gì” được, UBND xã Thượng Sơn cho công an xã buộc công nhân của cơ sở này ký cam kết không làm việc tại đây nữa, tuy nhiên, việc làm này vẫn không có tác dụng.
Chiều ngày 5.12.2012, hơn 10 người gồm chủ tịch, phó chủ tịch UBND, công an và đại diện các đoàn thể của xã Thượng Sơn bất ngờ ập vào cơ sở này.
Ba phụ nữ trong số 7 công nhân của cơ sở này bị trưởng công an xã ra lệnh còng tay đưa về UBND xã.
Tại đây, cả ba người bị buộc ký cam kết thôi việc một lần nữa. Thậm chí, một công nhân là chị Nguyễn Thị Trúc (38 tuổi) còn phải nhập viện điều trị do bị sái khớp vai trong lúc giằng co.
Huyện sai, xã chịu
Ngày 24.7.2012, UBND H.Đô Lương ra thông báo ý kiến kết luận của Phó chủ tịch UBND huyện Võ Văn Ngọc tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở Luận Phượng từ ngày 25.7.2012 và giao cho chủ tịch UBND xã Thượng Sơn thực hiện việc đình chỉ này. Thế nhưng, trớ trêu là cũng trong ngày 24.7, chính ông Ngọc lại ký cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (lần đầu) cho cơ sở Luận Phượng.
Ông Phan Tất Hảo, Chủ tịch UBND xã Thượng Sơn thừa nhận việc công an xã còng tay và áp giải kể trên là sai.
Tuy nhiên, ông Hảo cũng giãi bày: “Chúng tôi đang chịu nhiều áp lực vì cơ sở này. Người dân đã nhiều lần lên xã rồi “dọa” sẽ lên tỉnh nếu cơ sở này còn sản xuất, trong khi UBND huyện không ra quyết định đình chỉ nên chúng tôi rất khó xử”.
Ông Hảo cho biết, từ năm 2008 đến khi được cấp đăng ký kinh doanh, cơ sở này hoạt động “chui” và không nộp đồng thuế nào trong khi để lại quá nhiều hệ lụy cho địa phương. Việc chấp thuận đầu tư, cho thuê đất, cấp đăng ký kinh doanh đều do UBND huyện thực hiện, nhưng khi giải quyết hậu quả của cơ sở này, huyện lại đưa về cho xã.
Chủ tịch UBND H.Đô Lương Nguyễn Tất Thành cũng thừa nhận “đây là một sai lầm của huyện do chạy đua với công nghiệp hóa nông thôn và mục tiêu đưa ống khói nhà máy về làng”.
Theo đó, huyện đã chọn xã Thượng Sơn và thị trấn Đô Lương để qui hoạch các cụm công nghiệp theo kiểu làm lấy được và bỏ qua nhiều thủ tục.
Mặt khác, cơ sở Luận Phượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và vừa bị UBND tỉnh phạt 100 triệu đồng nhưng huyện không thể ra quyết định đình chỉ sản xuất vì không đủ thẩm quyền.
“Họ là thủ phạm, nhưng cũng là nạn nhân vì là đối tượng thu hút đầu tư”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, UBND H.Đô Lương đang tính việc di dời các cơ sở sản xuất này, nhưng kinh phí thì chưa biết lấy đâu ra.
Khánh Hoan
>> Chỉ tiêu dự kiến 2013 các trường Công nghiệp thực phẩm, Nông lâm
>> Valentine và chuyện tình vũ công nghiệp dư
>> Chọn đối tác chiến lược đầu tư Thành phố công nghiệp Hàn Quốc
>> Tập trung trấn áp tội phạm ở khu công nghiệp
>> Bếp ăn công nghiệp sạch trong KCX Tân Thuận
>> Bức xúc vì tiếng ồn, người dân chặn xe ra vào cụm công nghiệp
>> Nạn “đầu gấu” khu công nghiệp: Công an 3 địa phương vào cuộc
Bình luận (0)