Khổ vì thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp

Ngân Nga
Ngân Nga
18/09/2023 05:51 GMT+7

Người dân muốn rút ngắn thời gian và chi phí bằng cách ủy quyền cho người thân yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 nhưng quy định pháp luật lại không cho phép.

NGƯỜI DÂN MONG ĐƯỢC LINH ĐỘNG

Theo luật Lý lịch tư pháp, phiếu lý lịch tư pháp có giá trị chứng minh cá nhân có hoặc không có án tích. Trong đó, phiếu lý lịch tư pháp số 1 xác nhận cho cá nhân về tình trạng án tích. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 xác nhận về tình trạng án tích và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Khổ vì thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TP.HCM

NGÂN NGA

Ông M.V.V (ngụ TP.HCM) có người con đang du học tại nước ngoài, yêu cầu được cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 để nộp hồ sơ xin cấp lại visa du học. Theo quy định, chậm nhất 15 ngày mới có kết quả nên trong thời gian chờ đợi Sở Tư pháp TP.HCM trả lời, con ông V. quay lại trường ở nước ngoài để tiếp tục việc học. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu con ông V. phải cung cấp địa chỉ ở nước ngoài để gửi kết quả qua đường bưu điện. Lo ngại việc gửi đường bưu điện sẽ kéo dài thêm thời gian nên con ông V. muốn được cha nhận thay tại VN, rồi scan và gửi qua nước ngoài. Tuy nhiên, cán bộ không đồng ý vì cho rằng "phiếu số 2 của ai người đó nhận". Cuối cùng ông V. đành ngậm ngùi ra về.

Trường hợp của gia đình anh Đ.X.G cũng tương tự. Vợ chồng anh G. và một người con đang ở nước ngoài vì công việc nên gia đình anh không thể trở về VN để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2. Do đó, anh G. muốn ủy quyền cho người thân trong nước đến Sở Tư pháp TP.HCM xin giúp nhưng không được chấp nhận. Vì thế dù cả gia đình đang sống chung trong một căn nhà nhưng anh vẫn phải gửi 3 bộ hồ sơ thành 3 bì thư riêng biệt bằng đường bưu điện về Sở Tư pháp TP.HCM. Sau đó, người nhà anh đến Sở Tư pháp để nộp bổ sung hồ sơ, đóng phí yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 và 4,5 triệu đồng (1,5 triệu/bì thư) là phí dịch vụ bưu điện chuyển qua nước ngoài cho gia đình anh. "Bên nước chúng tôi đang cư trú, họ chỉ cần bản scan, không nhất thiết phải nộp bản chính. Nếu trả kết quả qua bưu điện ra nước ngoài thì tôi phải tốn phí bưu điện khá cao và phải chờ thêm 15 ngày nữa, trong khi tôi đang cần gấp. Nhưng tôi chẳng có sự lựa chọn nào khác", anh G. buồn bã nói.

LUẬT QUÁ CỨNG NHẮC

Trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ Võ Nguyễn Nam Trung (Khoa Luật, Trường Đại học Mở TP.HCM), cho biết đối với người VN đang cư trú nước ngoài thì phải gửi hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 tại Sở Tư pháp nơi thường trú, hoặc nơi tạm trú ở VN trước khi xuất cảnh. Công dân cũng có thể nộp hồ sơ điện tử vào cổng dịch vụ công trực tuyến ở một số địa phương đã thực hiện thủ tục này.

Trường hợp công dân mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thì nộp hồ sơ yêu cầu trực tiếp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc trực tuyến. Theo điều 45 luật Lý lịch tư pháp và hướng dẫn tại Quyết định số 1050/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp, thì hồ sơ gồm: Thứ nhất, tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu; thứ hai, bản chụp CMND hoặc thẻ CCCD hoặc hộ chiếu của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp; thứ ba, người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc đối tượng được miễn hoặc giảm phí phải xuất trình các giấy tờ để chứng minh.

Đặc biệt, theo khoản 4 điều 37 luật Cư trú, khi yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, người dân không cần phải có giấy xác nhận thông tin về cư trú của cơ quan công an.

Về việc người dân muốn giảm chi phí gửi bưu điện, theo thạc sĩ Trung: "Không có quy định nếu họ cùng một gia đình thì phải gửi riêng hay chung một bì thư. Nhưng quy định hồ sơ của ai thì người đó gửi riêng, như vậy là quá cứng nhắc. Theo tôi, cùng một gia đình, chỉ cần gửi chung một bì thư, nhưng trong đó phải chia rõ từng hồ sơ yêu cầu của từng người để cơ quan tiếp nhận dễ phân biệt".

Đối với phiếu lý lịch tư pháp số 2, người dân không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục thay (theo khoản 2 điều 46 luật Lý lịch tư pháp). Do đó, người dân cũng không thể nhờ người thân trong nước nhận kết quả thay mình. Cũng theo thạc sĩ Trung, luật không cho người dân ủy quyền là còn quá cứng nhắc và máy móc.

"Họ chấp nhận để người khác nhận thay cho mình, nghĩa là họ đồng ý để người đó biết thông tin về mình. Nếu người được ủy quyền sử dụng thông tin cá nhân của người ủy quyền trái với các quy định, thì pháp luật đã có đầy đủ các quy định để ràng buộc, chế tài. Theo tôi, luật nên cho phép người dân có quyền quyết định việc có ủy quyền cho người thân làm giúp mình hay không", thạc sĩ Trung nhấn mạnh.

Do đó, theo ông cần phải sửa quy định trên để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, tránh gây phiền hà.

Tương tự, luật sư Nguyễn Đức Hoàng (Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam) chia sẻ pháp luật muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tạo điều kiện cho những người đã từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng. Thông tin này có tính chất riêng tư và nhạy cảm, nếu bị tiết lộ trái phép thì có thể gây tác động tiêu cực đến người được cấp. Tuy nhiên, khi một người ủy quyền cho người khác thì bản thân người ủy quyền cũng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng để ủy quyền cho một người thân cận và đáng tin cậy. Người ủy quyền có thể tự chịu trách nhiệm với việc ủy quyền đó, và các bên hoàn toàn vẫn có thể thỏa thuận các chế tài, bồi thường thiệt hại trong trường người được ủy quyền để lộ thông tin trên phiếu lý lịch tư pháp.

Thạc sĩ Trương Tư Phước (Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo trực tuyến, Trường ĐH Luật TP.HCM) bổ sung thêm trên thực tế cá nhân yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2, chủ yếu để bổ sung hồ sơ xin thị thực nhập cảnh, kết hôn, xuất khẩu lao động… theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài. Thạc sĩ Phước ủng hộ sửa đổi luật và đề xuất chỉ nên cấp chung một phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của cá nhân, thay vì chia làm 2 phiếu như hiện nay. "Theo tôi, cơ quan có thẩm quyền cần tập trung nâng cao hiệu quả việc thực hiện thủ tục cấp phiếu trên cổng dịch vụ công quốc gia. Từ đó, công dân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến, kể cả đối với trường hợp đang cư trú ở nước ngoài", thạc sĩ Phước chia sẻ.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.